Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07 đến 13-5-2018)

TCCSĐT - Vòng xoáy bạo lực mới giữa Israel và Iran ở khu vực biên giới Syria bùng phát khi Israel cáo buộc các lực lượng Iran tiến hành tấn công bằng tên lửa từ Syria nhằm vào các lực lượng Israel ở Cao nguyên Golan. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột tại khu vực Trung Đông vốn đầy mâu thuẫn và bất ổn.

Căng thẳng Israel - Iran: Nguy cơ khiến Trung Đông leo thang xung đột

Xe tăng của Israel trên Cao nguyên Golan, gần biên giới Syria ngày 09-5-2018. Ảnh: AFP

Ngày 10-5, quân đội Israel đã tiến hành các vụ tấn công bằng rocket và tên lửa nhằm vào các “mục tiêu Iran” tại khu vực biên giới Syria với lý do đáp trả việc đơn vị đặc nhiệm al-Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại Syria tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của Israel ở Cao nguyên Golan đêm 09-5. Tuy nhiên, một nguồn tin quân đội Syria lại khẳng định Israel đã bắn tên lửa trước.

Phát biểu trong một cuộc họp nội các cùng ngày, Thủ tướng Israel B. Netanyahu cho biết, vụ tấn công nhằm vào các vị trí quân sự của Iran là một thông điệp rõ ràng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng không được tấn công Israel. Ông B. Netanyahu cũng cáo buộc Iran phóng tên lửa từ Syria nhằm vào các lực lượng Israel, tuyên bố Tehran đã vượt qua “lằn ranh đỏ” buộc Israel phải hành động đáp trả.

Trước diễn biến leo thang căng thẳng quân sự giữa Israel và Iran tại khu vực biên giới Syria, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên trong khu vực kiềm chế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã hối thúc các bên ngay lập tức chấm dứt mọi hành vi thù địch và bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm tránh một cuộc leo thang mới tại khu vực. Các nước Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran rất đáng lo ngại và kêu gọi tất cả các bên trong khu vực kiềm chế.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin D. Peskov bày tỏ hy vọng về một giải pháp ngoại giao và chính trị cho tình hình căng thẳng trên. Trong khi đó, Mỹ và Bahrain lại lên tiếng bênh vực cái gọi là “quyền phòng vệ” của Israel trước Iran.

Việc Israel tấn công vào các vị trí quân sự của Iran tại Syria lần này làm dấy lên lo ngại về một cuộc đáp trả của Iran cũng như nguy cơ về một cuộc xung đột trầm trọng tại khu vực. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả và hệ lụy khôn lường.

Cột mốc mới trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe. Ảnh: AP

Từ ngày 08 đến 10-5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản S. Abe ngày 09-5, hai bên đã nhất trí tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trong bài phát biểu tại Tokyo mở màn lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị Trung - Nhật ngày 10-5, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng: “Sự hợp tác cấp chuyên viên của chúng ta sẽ phát triển. Sáng kiến Vành đai và Con đường của chúng tôi sẽ được phối hợp với chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản”. Đồng thời, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân và đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Thủ tướng S. Abe bày tỏ hoan nghênh Thủ tướng Trung Quốc thăm chính thức Nhật Bản. Theo Thủ tướng S. Abe, kể từ năm 2017, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, đạt nhiều đồng thuận nhờ những nỗ lực của cả hai bên. Trong đó có việc nhất trí thiết lập một “Cơ chế liên lạc trên biển và trên không” ở Biển Hoa Đông, đưa vùng biển này trở thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Là hai quốc gia quan trọng tại khu vực châu Á, nhưng mối quan hệ giữa Trung Quốc - Nhật Bản lại trải qua nhiều thăng trầm kể từ vài thập niên trước. Với nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, mối quan hệ kinh tế giữa hai bên đã dần được khôi phục, đặc biệt là sau chuyến thăm Nhật Bản của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi tháng 4-2007.

Tuy nhiên, trái ngược với sự phát triển của mối quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều khúc mắc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã bùng phát thành chuyện thời sự gay cấn giữa hai nước và chính trị an ninh ở khu vực.

Giới phân tích cho rằng, hành động cụ thể của Nhật Bản cùng thiện chí từ Trung Quốc đang có tác động tích cực tới quan hệ giữa hai nước, mở ra hướng giải quyết những tồn tại và khúc mắc hai bên đang vướng phải. Với những đồng thuận mang tính tích cực, chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Nhật Bản, chuyến thăm đầu tiên trong vòng 8 năm qua, sẽ tạo thuận lợi cho việc cải thiện hơn nữa quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đánh dấu cột mốc mới cho quan hệ hai nước.

Thủ tướng Nga D. Medvedev và một số đề cử trong nội các mới

Thủ tướng Nga D. Medvedev. Ảnh: AFP

Ngày 08-5, với 374 phiếu thuận và 56 phiếu chống, Dumas quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua đề cử ông D. Medvedev giữ chức Thủ tướng nước này. Như vậy, ông D. Medvedev sẽ tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng cho đến năm 2024, một chức vụ mà ông đã nắm giữ kể từ năm 2012.

Theo các nhà phân tích, trong suốt quá trình làm Thủ tướng, ông D. Medvedev đã cho thấy khả năng ứng phó linh hoạt với mọi chính sách, và điều quan trọng nhất là ông giành được sự tin tưởng của Tổng thống V. Putin trong vai trò là người đồng hành dẫn dắt nước Nga trở lại. Chính vì vậy, Tổng thống Nga V. Putin đã quyết định đề cử ông D. Medvedev cho chức vụ Thủ tướng Nga.

Còn đánh giá về chính phủ sắp kết thúc nhiệm kỳ vừa qua của Nga, Tổng thống V. Putin cho rằng, mặc dù chưa hoàn thành tất cả những điểm được nêu ra trong các sắc lệnh hồi tháng 5-2012, nhưng đường hướng triển khai nhiệm vụ là đúng đắn và đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, ông V. Putin nêu rõ trong bối cảnh tình hình thường xuyên biến động, xuất hiện những trở ngại mới, chủ yếu là những yếu tố khách quan, Chính phủ Nga vẫn đạt được những kết quả rõ rệt, với động lực, sự thay đổi và đường hướng phát triển chiến lược đúng đắn. Người đứng đầu nước Nga khẳng định điều quan trọng nhất là trong 6 năm qua, đất nước đã phát triển. Nước Nga không chỉ đối phó được với những vấn đề phát sinh, mà còn tiến về phía trước và củng cố tiềm năng của mình.

Theo luật định của nước Nga, Tổng thống V. Putin sẽ đề cử một nhân vật làm thủ tướng và gửi đề cử lên Dumas quốc gia Nga phê chuẩn. Sau khi Dumas quốc gia thông qua ứng cử viên thủ tướng do tổng thống giới thiệu, thủ tướng mới trong vòng 1 tuần sẽ đệ trình lên Tổng thống V. Putin đề xuất về thành phần chính phủ. Sau khi tổng thống phê chuẩn, chính phủ mới sẽ bắt đầu hoạt động.

Trong một phiên họp tại Quốc hội Liên bang Nga ngày 07-5, ông D. Medvedev đã công bố đề cử cho các vị trí phó thủ tướng trong nội các mới, trong đó, ông V. Mutko được đề cử làm Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề xây dựng, bà O. Golodets được đề cử làm Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề thể thao, Thứ trưởng Quốc phòng Y. Borisov làm Phó Thủ tướng phụ trách Công nghiệp Quốc phòng. Bên cạnh đó, Thủ tướng D. Medvedev cũng đề cử Bộ trưởng Tài chính A. Siluanov giữ nguyên vị trí hiện tại và kiêm nhiệm vị trí mới là Phó Thủ tướng Thứ nhất. Thủ tướng D. Medvedev cũng đã phát biểu: “Tôi sẵn sàng làm mọi việc vì sự phát triển của đất nước chúng ta”.

Nhiều nỗ lực sau một năm cầm quyền của Tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp E. Macron. Ảnh: independent.co.uk

Đánh dấu tròn một năm chính thức nhậm chức, ngoài việc thể hiện mình là một nhà lãnh đạo tài giỏi, quyết đoán, có thể biến những cam kết đầy tham vọng trong thời gian tranh cử trở thành hiện thực, Tổng thống E. Macron đã có những nỗ lực lớn để thúc đẩy vị thế của Pháp trong EU và trên thế giới.

Ngay sau khi vừa nhậm chức, Tổng thống E. Macron đã nỗ lực thực hiện các cam kết trong chương trình tranh cử, trong đó có các nỗ lực cải cách sâu rộng và toàn diện nước Pháp, từ đề xuất cải cách Hiến pháp, cải cách Luật lao động, cải cách tư pháp, Luật tị nạn và nhập cư, đến các cải cách xã hội như cải cách Công ty đường sắt quốc gia (SNCF) hay cải cách giáo dục đại học.

Nếu như các đời Tổng thống Pháp trước đây ít khi tiến hành cải cách trong thời gian đầu của nhiệm kỳ thì ông E. Macron đã mạnh dạn cải cách nhằm vào những vấn đề mang tính nền tảng của nước Pháp. Đây là điều khiến cho vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp trở nên khác biệt so với những người tiền nhiệm. Với khẩu hiệu “Cải tổ và cải tổ sâu sắc hơn”, cuộc cải cách của ông E. Macron được cho là hoàn toàn hợp logic khi đa số dư luận Pháp khi đó có chung nhận định rằng đã đến lúc phải thay đổi để đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ.

Nhiều chính sách mới của ông E. Macron đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân bởi kết quả cho thấy, nền kinh tế Pháp đã có nhiều khởi sắc. Theo số liệu thống kê chính thức, kinh tế Pháp tiếp tục tăng trưởng khá trong quý I-2018, sau khi có kết quả tốt hơn mong đợi từ cuối năm 2017. Dự kiến năm 2018, tăng trưởng của nước này sẽ đạt trên 2%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục từ cuối năm 2017, hiện nay còn 8,8% so với mức 9,5% cách đây một năm, dù vẫn ở mức cao hơn trung bình của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bức tranh kinh tế Pháp sáng sủa hơn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do phục hồi kinh tế toàn cầu và “độ trễ” của các chính sách từ nhiệm kỳ trước, nhưng cũng không thể phủ nhận những kết quả của chính quyền Tổng thống Macron trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Mức đầu tư của doanh nghiệp Pháp được đánh giá cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, một số chính sách dưới thời Tổng thống E. Macron cũng đã tạo ra những mâu thuẫn không nhỏ trong chính giới, thậm chí là trong nội bộ liên minh cầm quyền. Cùng với đó là sự phản đối của một bộ phận người dân Pháp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn mà những lĩnh vực công việc trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các cải cách của chính phủ Pháp. Ngay từ những tháng đầu cầm quyền, Tổng thống E. Macron đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn phản đối cải tổ luật lao động. Việc cải tổ này lại bị các tổ chức công đoàn cho là đi ngược với nguyên tắc bảo vệ người lao động. Thế nhưng, đối mặt với áp lực lớn, ông E. Macron đã tỏ ra không nao núng, quyết tâm theo đuổi tới cùng chương trình cải tổ.

Trong những thăm dò dư luận gần đây về chương trình cải cách của ông E. Macron, chỉ có 41% người Pháp hài lòng, so với 58% không hài lòng. Tuy nhiên, theo Tổng thống E. Macron, điều này không phải là trở ngại bởi: “Nếu chỉ chạy theo kết quả thăm dò dư luận, bạn sẽ không bao giờ cải tổ, sẽ không giải quyết được tình hình, không thể thay đổi”.

Bên cạnh việc cải cách, có thể thấy, những thành quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong một năm qua đã củng cố sức mạnh cho vị tổng thống trẻ tuổi. Sức mạnh đó không dừng lại ở đường biên giới, mà nó vượt ra rất xa, củng cố vị thế của nước Pháp không chỉ ở châu Âu mà trên thế giới.

Chính sách đối ngoại của Pháp dưới thời Tổng thống E. Macron sắc nét hơn, rõ ràng hơn nhờ quay trở lại với những nguyên tắc truyền thống. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống của ông N. Sarkozy và ông F. Hollande, trong đó Pháp ngả sang trường phái tân bảo thủ, sẵn sàng can thiệp quân sự ra nước ngoài, thì nhà lãnh đạo trẻ E. Macron đã điều chỉnh quỹ đạo trở lại với tinh thần chủ nghĩa De Gaulle - Mitterand, với nguyên tắc cơ bản là đường lối độc lập, chủ động và tự chủ.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống E. Macron đã có nhiều chuyến thăm nước ngoài đến Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Australia…, hay đón tiếp lãnh đạo các nước tại Pháp như Tổng thống Mỹ D. Trump, Tổng thống Nga V. Putin, Thủ tướng Canada J. Trudeau, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng…. Thông qua các cuộc tiếp xúc ngoại giao này, Tổng thống Macron luôn thể hiện là một lãnh đạo có phong cách ngoại giao tinh tế, biết tận dụng lịch sử quan hệ song phương, thông qua các món quà đặc biệt để tạo ấn tượng cá nhân, góp phần thắt chặt quan hệ song phương giữa Pháp và các nước. Cũng thông qua các hoạt động ngoại giao này, ông E. Macron không chỉ giúp Pháp tăng cường quan hệ song phương với các nước, mà còn giúp nước Pháp dần lấy lại hình ảnh và tầm quan trọng trong các vấn đề quốc tế.

Với những bước đi trong 1 năm cầm quyền đầu tiên, nhìn chung các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống E. Macron đã trụ vững, một cách đĩnh đạc, và tạo được ấn tượng đối với quốc tế. Trong thời gian tới, con đường đưa Pháp trở lại mạnh mẽ trong các diễn đàn quốc tế sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách không nhỏ chờ đợi Tổng thống E. Macron trong việc tiếp tục thực hiện các cam kết cải cách, đồng thời hướng tới những năm tiếp theo trong nhiệm kỳ Tổng thống.

Malaysia: Liên minh PH đối lập giành thắng lợi lịch sử

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Bloomberg

Cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia lần thứ 14 đã kết thúc với chiến thắng thuộc về Liên minh Hy vọng (PH) đối lập của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Thắng lợi bất ngờ của liên minh đối lập đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957, liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) với nòng cốt là đảng Mặt trận Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) không còn là lực lượng lãnh đạo đất nước.

Ngay sau khi Ủy ban bầu cử Malaysia công bố kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia ngày 10-5, lãnh đạo Liên minh PH đối lập đồng thời là ứng cử viên chức Thủ tướng, ông M. Mohamad đã tuyên bố chiến thắng, đồng thời tiết lộ sơ bộ về thành phần nội các mới.

Cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia lần thứ 14 được đánh giá là đáng quan tâm nhất từ trước tới nay tại quốc gia Đông Nam Á này bởi sự xuất hiện của những nhân tố mới trên chính trường Malaysia trong thời gian gần đây. Tham gia cuộc bầu cử lần này có 3 lực lượng chính, gồm Liên minh BN cầm quyền, Liên minh PH đối lập và đảng PAS.

Thực tế cho thấy, kể từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957 cho đến nay, liên minh BN với nòng cốt là đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) liên tục là lực lượng lãnh đạo đất nước, bởi UMNO gần như là sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất về mặt sắc tộc cho những người Malaysia bản địa, đặc biệt là người dân ở nông thôn.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của đảng Người dân bản địa Malaysia thống nhất (PPBM) mới được thành lập tháng 9-2016, đảng lãnh đạo liên minh PH đối lập do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad làm chủ tịch, cử tri đã có thêm một sự lựa chọn. Việc Liên minh PH đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia lần này cho thấy, ông Mahathir Mohamad hiện vẫn là chính trị gia được đông đảo người dân Malaysia tín nhiệm và kính trọng. Không thể phủ nhận rằng, dưới sự lãnh đạo trước đây của ông Mahathir Mohamad, bộ mặt đất nước Malaysia đã có những thay đổi to lớn và căn bản, từ hệ thống giao thông, nền công nghiệp ôtô nội địa, đến những công trình xây dựng như Tháp đôi, thủ đô hành chính Putrajaya,... Trong khi đó, mặc dù trong năm 2017, Malaysia đã đạt được những thành tích khá ấn tượng về phát triển kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,9%, mức tăng nhanh nhất trong vòng 3 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,3%, mức thấp nhất tính từ năm 2015 và theo dự báo, kinh tế Malaysia sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, trên 5%/năm trong thời gian tới, nhưng việc Liên minh BN cầm quyền chỉ giành được 79 trên tổng số 222 ghế là có liên quan đến vấn đề thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được áp dụng từ năm 2014. Dù đã mang về cho ngân sách Malaysia trên 10 tỷ USD mỗi năm, được chính phủ xem là một nguồn thu quan trọng, song đa số dân Malaysia đều phản đối bởi nó đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp, “sát sườn” đến người dân. Cùng với việc chi phí sinh hoạt tăng lên trong thời gian gần đây, thuế GST luôn là tâm điểm chỉ trích của người dân Malaysia đối với chính phủ nói chung và cá nhân Thủ tướng Najib nói riêng. Và đây là một “điểm trừ” cho liên minh cầm quyền trong việc giành phiếu bầu của cử tri./.

Minh Châu (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/50816/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx