Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 17/5 - 22/5

Phó Thủ tướng Nga nhận định thị trường dầu đang khá cân bằng; Qatar giảm giá khí đốt và mở rộng sang thị trường giao ngay châu Á; Ả Rập Xê-út vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.

1. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây nói rằng, thị trường dầu hiện tại khá cân bằng với nhu cầu vượt quá cung một chút.

Nga, với tư cách là đối tác chính của OPEC trong thỏa thuận sản xuất OPEC+, đang tăng cường sản lượng dầu từ tháng 5 đến tháng 7, theo thỏa thuận của nhóm là đưa dần hơn 1 triệu thùng/ngày quay trở lại thị trường.

2. Qatar đang giảm giá khí đốt và mở rộng sang thị trường giao ngay châu Á khi nước này tìm cách duy trì vị trí số một về xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Theo các nguồn tin giấu tên được Bloomberg trích dẫn, quốc gia này đã chuyển ưu tiên từ giá cả sang thị phần, do đó giảm giá và đẩy mạnh việc mở rộng năng lực sản xuất trị giá 29 tỷ USD. Mục tiêu là tăng xuất khẩu LNG lên 50%.

3. Ả Rập Xê-út vẫn giữ vị trí là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong tháng 4, vượt qua Nga trong tháng thứ 8 liên tiếp.

Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, Ả Rập Xê-út đã gửi 1,57 triệu thùng dầu mỗi ngày đến Trung Quốc vào tháng trước, khối lượng hàng tháng thấp nhất của nước này kể từ tháng 10/2020. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trung bình của Nga, tương ứng với 1,53 triệu thùng/ngày.

4. Các nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ có kế hoạch cắt giảm mua dầu thô giao ngay vào cuối năm nay, với hy vọng rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu của Iran có thể được dỡ bỏ vào cuối năm 2021.

Hãng Reuters dẫn lời giới chức tại các nhà máy lọc dầu Ấn Độ nói với Reuters cho biết, các nhà máy lọc dầu ở nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới sẽ nhường chỗ cho khả năng quay trở lại hợp pháp của dầu Iran trên thị trường quốc tế.

5. Bộ Kinh tế Đức ngày 17/5 cho biết, do sản lượng khí đốt ở châu Âu đang suy giảm nhanh chóng, ngày càng cần nhiều khí đốt tự nhiên từ Nga. Do đó, nhiệm vụ chính hiện nay là khởi động Nord Stream-2 càng sớm càng tốt. Đường ống sẽ tăng gấp đôi nguồn cung cấp cho Đức qua Biển Baltic.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel nhấn mạnh rằng các nhà chức trách sẽ ủng hộ dự án mà không cần quan tâm đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.

6. Cho đến nay, xuất khẩu dầu của OPEC đã tăng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 5, trong khi nhóm OPEC+ bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng 350.000 thùng/ngày trong tháng này, công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics mới đây cho biết.

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng vào đầu tháng 4, nhóm OPEC+ đã quyết định đưa dần trở lại thị trường hơn 1 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Sản lượng dầu chung của OPEC+ dự kiến tăng 350.000 thùng/ngày trong cả tháng 5 và tháng 6 và hơn 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tu-175-225-611677.html