Những sự kiện gây biến động các thị trường mới nổi 6 tháng đầu năm

Các thị trường mới nổi của thế giới đã trải qua nửa đầu năm khủng hoảng, bắt đầu bằng việc đại dịch COVID-19 hoành hành suốt từ tháng 1 tới giờ, kéo theo một loạt sự kiện.

Đại dịch COVID-19 bùng từ Vũ Hán

Một người mặc đồ bảo hộ di chuyển ở thang máy tại Vũ Hán ngày 8/4. Ảnh: Bloomberg

Một người mặc đồ bảo hộ di chuyển ở thang máy tại Vũ Hán ngày 8/4. Ảnh: Bloomberg

Trong khi các nhà phân tích dự báo một năm tích cực phía trước thì một loại virus mới, dễ lây đang lan ở miền trung của Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang lạc quan sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một thì họ đón tin xấu về một đợt bùng phát căn bệnh bí ẩn.

Các tài sản mang tính rủi ro trên toàn cầu bắt đầu sụt giảm giá trị khi Trung Quốc chạy đua với thời gian để kiềm chế dịch bệnh. Hàng loạt cổ phiếu trên các thị trường mới nổi giảm giá trên 30% và sau đó chạm đáy cuối tháng ba.

Lãi suất chạm đáy

Khi thế giới áp đặt các biện pháp phong tỏa chưa từng có tiền lệ để kiềm chế virus SARS-CoV-2 lây lan, các ngân hàng trung ương vội vã tăng thanh khoản, trong khi các chính phủ thông báo những gói kích thích kinh tế với giá trị cao kỷ lục.

Từ Brazil tới Hàn Quốc, giới chức ở các thị trường mới nổi đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp chưa từng có. Một số nước còn đưa ra các chính sách phi truyền thống.

Lạc quan về những nỗ lực này đã giúp chặn tình trạng bán tháo cổ phiếu cho dù số người mắc COVID-19 tiếp tục tăng.

Nhờ các chính sách trên, trong quý hai, trái phiếu USD trên các thị trường mới nổi tăng giá trị theo quý mạnh nhất từ năm 2009

Tranh cãi Mỹ-Trung về nguồn gốc đại dịch

Sau khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc phần nào cải thiện giai đoạn cuối năm 2019, mối quan hệ này đột ngột xấu đi trong quý đầu năm 2020 khi Mỹ trở thành một trong những điểm nóng toàn cầu về COVID-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc xử lý đại dịch kém và cho rằng virus xuất phát từ đây.

Cuộc tranh cãi lan sang một loạt vấn đề từ thương mại cho tới, sở hữu trí tuệ và việc Trung Quốc thông qua luật an ninh mới với Hong Kong.

Đồng nhân nhân tệ rớt giá xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ trên thị trường nước ngoài giữa những đồn đoán Trung Quốc sẵn sàng cho phép đồng nội tệ yếu đi để phản ứng với các biện pháp trừn phạt từ Mỹ. Dù vậy, hai bên vẫn có dấu hiệu cho thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn một không bị ảnh hưởng.

Căng thẳng sau 6 tháng tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Giá dầu âm

Thùng chứa dầu ở Tuapse, nga ngày 23/3. Ảnh: Bloomberg

Tình trạng thừa dầu ở Mỹ và sụp đổ trong quan hệ liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã khiến giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 5 ghi nhận mức sụt giảm lịch sử, xuống mức âm trong tháng 3.

Giá dầu giảm đã khiến căng thẳng kinh tế ở những nước như Nga và Indonesia thêm trầm trọng và vốn đã suy yếu vì đại dịch.

Các bên đã đạt thỏa thuận giảm sản lượng hồi tháng 4 và các nhà xuất khẩu gia hạn thỏa thuận vào tháng 6. Tuy nhiên, dù có thỏa thuận đó thì giá đồng ruble của Nga cũng sụt giảm hơn 10% giá trị trong nửa đầu năm 2020.

Điểm nóng COVID-19 Mỹ Latinh

Mỹ Latinh trở thành khu vực có tốc độ lây lan COVID-19 nhanh nhất thế giới trong quý hai, đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng về kinh tế và nhân đạo cho khu vực này.

Brazil đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc COVID-19, chỉ đứng sau Mỹ. Peru và Chile, sau khi được ca ngợi vì thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt, cũng nhanh chóng đứng vào hàng những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Mặc dù các nhà lập pháp giảm lãi suất và tung các gói kích thích nhưng tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ ảm đạm khắp khu vực trong năm nay.

Bờ vực vỡ nợ

Chi tiêu nhiều để chống đại dịch đã đẩy một số nền kinh tế mới nổi đến bờ vực vỡ nợ. Những quốc gia có nợ bằng ngoại tệ cao bị tác động mạnh nhất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tăng cho vay khẩn cấp với các quốc gia nghèo nhất, đồng thời các nhà tín dụng cam kết cho hoãn thanh toán.

Ecuador rơi vào cuộc khủng hoảng nợ nữa sau khi bị tác động mạnh trong làn sóng dịch bệnh thứ nhất. Các nước khác cũng gặp khó khăn tài chính vào đầu năm như Liban, Argentina và Zambia cũng phải tiến hành cơ cấu nợ.

Vụ sát hại Tướng Iran

Tướng Iran bị sát hại khiến căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng. Ảnh: Bloomberg

Việc Mỹ sát hại Tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qassem Soleimani hồi tháng 1 đã khiến các thị trường mới nổi rúng động khi vụ việc làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Mỹ đã điều thêm binh sĩ tới Trung Đông sau khi Iran cảnh báo trả đũa.

Các thị trường Trung Đông bị tác động mạnh nhất khi có tới ba trong 10 chỉ số chứng khoán yếu kém nhất thế giới trong tháng 1. Vụ việc còn gây ra nguy cơ lớn hơn bình thường khi mà khu vực ngày càng dùng nhiều đồng ngoại tệ hơn.

Các đồng tiền của những thị trường mới nổi và chứng khoán trong khu vực bật tăng lại sau khi Mỹ và Iran có các bước đi tránh đối đầu thêm.

Căng thẳng địa chính trị ở biên giới

Căng thẳng địa chính trị đã bùng trở lại hồi tháng sáu trên Bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều.

Trong khi đó, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc xung đột ở biên giới tranh chấp gây ra các vụ chết người lần đầu tiên trong 40 năm qua.

Căng thẳng giảm dần khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có bước đi giảm căng thẳng với Hàn Quốc, còn Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí giảm xung đột ở khu vực biên giới Ladakh.

Sáu tháng đầu năm 2020 chứng kiến những biến động chưa từng có xét trong cùng giai đoạn của những thập kỷ trước đây, từ đại dịch COVID-19 mang tính lịch sử cho tới những chuyển biến địa chính trị, kinh tế tại nhiều khu vực của thế giới.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-su-kien-gay-bien-dong-cac-thi-truong-moi-noi-6-thang-dau-nam-20200701144617056.htm