Những sự kiện định hình châu Á năm 2018: Đau thương tột độ, lạc quan le lói

Từ cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều tới thảm kịch máy bay Indonesia, châu Á năm qua chứng kiến hàng loạt các sự kiện đầy biến động.

Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn những sự kiện định hình châu Á năm 2018.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Ngày 12/6 ở Singpapore ghi nhận khoảnh khắc lịch sử khi Tổng thống Donald Trump bắt tay với lãnh đạo Kim Jong-un, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

5 nhà lãnh đạo Mỹ trước đó đã thất bại trong việc khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và không thể giải quyết những bất đồng về quan điểm trong tiến trình hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.

 Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ có cuộc gặp thứ 2 vào đầu năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ có cuộc gặp thứ 2 vào đầu năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Đó cũng là điều Tổng thống Trump chưa thể làm được sau khi họp riêng với ông Kim Jong-un, nhưng giới quan sát cho rằng việc 2 nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh đã được xem là một chiến thằng dù tuyên bố về phi hạt nhân hóa sau đó được đưa ra rất mơ hồ.

Giải cứu đội bóng Thái Lan

Cả thế giới chúc mừng Thái Lan khi 12 cậu bé đội bóng Lợn Hoang lần lượt được đưa ra khỏi hang động ngập nước ở miền bắc Thái Lan sau một chiến dịch giải cứu nghẹt thở kéo dài trong 18 ngày.

Đó là cuộc chạy đua với thời gian khi nước lũ tiếp tục dâng cao trong khi bố mẹ của các em bất lực đứng ngoài hang cầu nguyện. Câu chuyện về các cậu bé Thái Lan cùng huấn luyện viên đã thống trị các trang tin tức châu Á suốt một thời gian dài.

Hơn 10.000 người, bao gồm hơn 100 thợ lặn, 900 cảnh sát và 2.000 binh sỹ đã tham gia vào chiến dịch giải cứu. Hơn 1 tỷ lít nước đã được bơm ra khỏi hang và một cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm hải quân SEAL của Thái Lan không may thiệt mạng vì thiếu oxy khi đang làm nhiệm vụ đặt các bình khí dọc đoạn đường dài 3,2 km trong hang nơi các cậu bé mắc kẹt.

Video: Nhìn lại hành trình kỳ diệu giải cứu đội bóng Thái Lan

Khu vực hang này hiện là một địa điểm du lịch hút khách mới nổi của Thái Lan. Lượng du khách tới đây trong một ngày đã tăng lên tới 16.000 người sau cuộc giải cứu đi vào lịch sử.

Hàng loạt bi kịch

Bên cạnh những diễn biến lạc quan, 2018 vẫn được xem là một năm với nhiều bi kịch diễn ra khắp nơi ở Châu Á.

Trong suốt 1 năm qua, dòng người Hồi giáo Rohingya vẫn đang tiếp tục chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar để tới các trại tị nạn ở Bangladesh. Tổ chức Y tế Thế giới tuần trước cho biết 921.000 người Rohingya đang sống vạ vật trong các trại nạn đông đúc ở Bangladesh và con số này vẫn đang tiếp tục tăng thêm.

Bé gái dùng nệm làm bè trong trận lụt sau vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, tỉnh Attapeu, Lào vào tháng 7/2018. (Ảnh: Reuters)

Vào tháng 7, sự cố vỡ đập ở Lào đã nuốt chứng toàn bộ một ngôi làng, làm 39 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán. Con đập bị sập là một phần của dự án thủy điện trị giá 1,2 tỷ USD, chìa khóa cho giấc mơ trở thành ắc quy châu Á của Lào.

1.944 người chết và khoảng 5.000 người vẫn còn mất tích sau khi trận động đất kinh hoàng mạnh 7,4 độ richter rung chuyển đảo Sulawesi ngày 28/9, đi kèm hơn 360 dư chấn và sóng thần cao đến 6 m san phẳng gần như mọi nơi nó đi qua. Ngày 11/10 giới chức Indonesia thông báo ngừng chiến dịch tìm kiếm, khi đó vẫn còn hàng nghìn người mất tích. Con số thiệt mạng chính thức từ chuỗi thảm họa kép đã vượt quá 2.000, phần lớn là nạn nhân của trận sóng thần càn quét vào bờ biển Palu và khu vực phía ngoài như Donggala.

Tang thương lên tới đỉnh điểm vào tháng 10/2018 khi máy bay chở khách của hãng hàng không Indonesia Lion Air lao xuống biển cướp đi sinh mạng của 189 người. Vụ tai nạn là một đòn giáng mạnh vào hàng không Indonesia vốn đã đầy những bê bối từ những tai nạn trong quá khứ.

Khi những ngày cuối năm cận kề, Indonesia tiếp tục hứng chịu tổn thất nặng nề khi thảm họa sóng thần cướp đi sinh mạng 222 người ở Eo biển Sunda.

Vụ bê bối Quỹ 1MDB

Khi Thủ tướng Mahathir bin Mohamad lên nắm quyền vào tháng 5, chính quyền của ông đã mở lại cuộc điều tra vụ bê bối Quỹ 1MDB.

Không lâu sau đó, cựu Thủ tướng Najib Razak bị cấm xuất cảnh trước khi bị buộc tội rửa tiền và lạm quyền. Vợ ông Rosmah Mansor cũng bị bắt giữ với nhiều cáo buộc, trong đó bao gồm các hành vi rửa tiền cùng một số tội danh khác.

Giờ dây, mọi sự chú ý đang đổ dồn về nhà tài phiệt 37 tuổi Jho Low, người bị Malaysia phát lệnh truy nã sau khi bị cáo buộc rửa 400 triệu USD tiền biển thủ được từ 1MDB để sử dụng cho mục đích cá nhân ở Mỹ.

Tuần trước, Malaysia đưa ra cáo buộc hình sự đối với ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ và 2 cựu nhân viên ngân hàng này liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng và rửa tiền tại 1MDB. Theo các nguồn tin, Goldman Sachs đã kiếm lời khoảng 600 triệu USD từ tiền thu phí các giao dịch với Quỹ 1MDB. Tuy nhiên, ngân hàng này bác bỏ các cáo buộc trên, tố ngược chính quyền của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Quỹ 1MDB lừa đảo họ.

Vành đai và Con đường

Năm 2018, lo ngại về về quy mô của sáng kiến Vành đai và Con đường tham vọng của Trung Quốc chuyển thành những chỉ trích không ngừng từ Australia tới Sri Lanka. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh chào mời bị đánh giá là không cần thiết và gắn liền với lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Cảng Hambantota của Sri Lanka. (Ảnh: Joc)

Tại Sri Lanka, Bắc Kinh ký hợp đồng thuê cảng Hambantota trong 99 năm trong thỏa thuận giảm nợ cho quốc gia Nam Á. Nhiều chuyên gia cho rằng Sri Lanka đã sập bẫy nợ ngoại giao của Bắc Kinh.

Myanmar đang tìm cách đàm phán để thu nhỏ dự án cảng được Trung Quốc tài trợ trên Vịnh Bengal từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD để tránh nợ không bền vững.

Vào thời điểm nhiều quốc gia đang vật lộn với các khoản nợ từ Trung Quốc, Malaysia trở thành "điểm sáng" khi thẳng thừng hủy hàng loạt các dự án hợp tác với Bắc Kinh, trong đó có dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD nối bờ biển phía đông với phía tây, gây nên một trở ngại lớn cho sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-su-kien-dinh-hinh-chau-a-nam-2018-dau-thuong-tot-do-lac-quan-le-loi-d447611.html