Những sự kiện Covid-19 không thể quên trong tuần

WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch kéo theo hàng loạt lệnh cấm nhập cảnh, đóng cửa biên giới giữa các quốc gia, trong khi số người nhiễm virus corona tăng từng giờ.

Covid-19 là đại dịch

Ngày 11/3, WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thừa nhận số ca bệnh, số người chết và số quốc gia ảnh hưởng sẽ tiếp tục tăng cao.

Việc gọi Covid-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus corona chủng mới gây ra. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm và nó không thay đổi những gì các nước nên làm”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Ông Tedros nói rằng Covid-19 là một cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, nhưng một số quốc gia "thiếu quyết tâm" trong việc chống dịch.

Video: WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch

Người đứng đầu WHO cũng cho hay, tất cả các quốc gia vẫn có thể thay đổi tiến trình của đại dịch này, nhấn mạnh rằng hành động nhanh chóng có thể ngăn chặn lây nhiễm trên diện rộng.

Tổng giám đốc WHO cũng chỉ ra rằng, thách thức không phải là liệu các quốc gia có thể thay đổi tiến trình của dịch bệnh hay không mà là liệu họ có làm hay không.

Tuyên bố của WHO có thể xem là bước ngoặt kéo theo hàng loạt các động thái chưa từng có từ các quốc gia trên toàn thế giới, đáng chú ý nhất phải kể tới Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Mỹ cấm nhập cảnh từ 28 nước châu Âu

Ngày 12/3, Tổng thống Trump hành động khẩn cấp: Cấm đi lại từ 26 nước châu Âu tới Mỹ 1 tháng.

26 nước bao gồm: Áo, Bỉ, CH Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sỹ.

Phát biểu từ Phòng Bầu dục, ông Trump gọi virus corona là “bệnh truyền nhiễm khủng khiếp” và phải đưa ra các phản ứng chưa từng có với dịch bệnh.

Tổng thống Trump tuyên bố cấm nhập cảnh từ 28 quốc gia châu Âu.

Tổng thống Trump tuyên bố cấm nhập cảnh từ 28 quốc gia châu Âu.

Ngày 14/3, Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ chống dịch Covid-19, với 363 phiếu thuận và 40 phiếu chống.

Dự luật cho phép người bị ảnh hưởng Covid-19 được nghỉ phép 2 tuần, tăng trợ cấp thất nghiệp và thúc đẩy chương trình “tem phiếu thực phẩm” cho 34 triệu người.

Tới ngày 15/3, Mỹ đưa nốt Anh và Ireland vào danh sách cấm nhập cảnh.

Rõ ràng, khi châu Âu trở thành tâm dịch, những biện pháp cứng rắn của Tổng thống Trump là điều có thể hiểu được.

Argentina, Bolivia và Peru sau đó đồng loạt thông báo các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 bao gồm đình chỉ các chuyến bay với châu Âu, ngừng cấp visa và cấm các cuộc tụ tập đông người.

Video: Tổng thống Trump không nhiễm virus corona

Sáng 14/3, Việt Nam quyết định tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với du khách "đến từ hoặc đã đi qua" 26 nước thuộc khu vực Schengen, Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong vòng 14 ngày, trước ngày dự kiến đến Việt Nam; đồng thời, tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu. Các quyết định nêu trên có hiệu lực 30 ngày kể từ 12h ngày 15/3. Quy định này không áp dụng cho người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao và công vụ.

Châu Âu thành tâm dịch

Việc Mỹ "quay lưng" với châu Âu khiến nhiều lãnh đạo của lục địa già tức giận. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho rằng lệnh cấm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong đêm 11/3 là nghiêm trọng.

Song thực tế cho thấy, châu Âu đã thay Trung Quốc trở thành tâm dịch Covid-19, như khẳng định của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo hôm 13/3.

Dân Anh đổ xô đi mua giấy vệ sinh.

Thủ tướng Anh đánh giá Covid-19 là khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất thế hệ. Anh chuyển từ giai đoạn “kiềm chế” sang “trì hoãn” dịch bệnh, gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gọi Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất tại Pháp trong một thế kỷ qua.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới, số người thiệt mạng tăng hàng ngày khiến Italy, Tây Ban Nha buộc phải ra lệnh phong tỏa toàn quốc.

Ngày 9/3, số người chết tăng gần 50% lên 366, Italy chỉ phong tỏa phần lớn miền Bắc – nơi có khoảng 25% dân số. Nhưng 1 ngày sau (10/3), Italy phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc khi có tới 631 người thiệt mạng.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói: "Cảm ơn tất cả những người Italy đã hy sinh. Chúng ta đang chứng tỏ mình là một quốc gia tuyệt vời". Tới ngày 12/3, Italy đóng toàn bộ các cửa hàng, trừ hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm, trong 14 ngày.

Italy phong tỏa toàn bộ đất nước.

Ngày 15/3, 47 triệu người Tây Ban Nha được khuyên ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết. Lệnh cấm kéo dài ít nhất 15 ngày.

Chính phủ Pháp đóng cửa hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và cơ sở giải trí từ nửa đêm 14/3.

Tôi đã quyết định đóng cửa tất cả các địa điểm cần thiết, đáng chú ý là các quán cà phê, nhà hàng, rạp chiếu phim, câu lạc bộ đêm và cửa hàng. Phải hoàn toàn hạn chế các hoạt động đi lại”, Thủ tướng Pháp nói.

Đan Mạch, Ba Lan và CH Séc tuyên bố đóng cửa biên giới ở các mức độ khác nhau vì virus corona. Nga đóng cửa biên giới với Ba Lan và Na Uy. Colombia đóng cửa biên giới với Venezuela.

Quan chức nhiễm virus corona

Dịch Covid-19 khiến hoạt động của các chính phủ gặp vấn đề lớn về nhân sự khi nhiều quan chức cấp cao nhiễm bệnh, buộc phải cách ly.

Ngày 10/3, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Italy qua đời. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester xác nhận mắc bệnh.

Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Duton nhiễm virus corona.

Thứ trưởng Y tế Anh nhiễm virus corona và được cho là đã tiếp xúc với hàng trăm người trong tuần trước đó, bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson và vợ chưa cưới Carrie Symonds.

Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Duton mắc Covid-19, 3 ngày sau khi ông ngồi họp cùng Thủ tướng Scott Morrison và các quan chức cấp cao khác.

Vợ Thủ tướng Canada Trudeau nhiễm virus corona với triệu chứng nhẹ. Thủ tướng không có triệu chứng nhưng vẫn tự cách ly. Điều này buộc Hạ viện Canada hôm 13/3 bỏ phiếu thông qua việc đóng cửa ít nhất 5 tuần để đảm bảo các nghị sỹ không trở thành các nguồn lây lan virus.

Nguyên thủ được quan tâm nhất tuần qua chắc chắn là Tổng thống Donald Trump. Sau nhiều lần từ chối, Tổng thống Mỹ Donald Trump xét nghiệm Covid-19. Kết quả, ông không nhiễm virus corona.

Giống như Tổng thống Trump, mẫu xét nghiệm của Tổng thống Brazil cho kết quả âm tính với nCov. Trước đó, trợ lý của Tổng thống Brazil được xác định nhiễm virus corona. Vị trợ lý này tham gia bữa tiệc tối có Tổng thống Trump, Tổng thống Brazil và nhiều quan chức cấp cao hai nước.

Tại Tây Ban Nha, vợ Thủ tướng Tây Ban Nha mắc Covid-19. Hiện Chính phủ Tây Ban Nha chưa đưa ra thông tin tiếp theo về tình hình hoạt động của Thủ tướng và nội các.

Tại Iran, Tướng Nasser Shabani, chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) qua đời sau khi nhiễm virus. Ít nhất 13 quan chức nước này đã thiệt mạng vì dịch bệnh.

Phương Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/dai-dich-covid-19-mot-tuan-lam-chao-dao-the-gioi-ar533470.html