Những sự kiện bạn đọc quan tâm

PGS Văn Như Cương qua đời, Thủ khoa thất nghiệp, Điều chỉnh bài thi tiếng Anh thiếu nhi ĐH Cambridge; Lễ khai khóa 2017 ĐH Quốc gia TP.HCM… là những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80

Rạng sáng 9.10, PGS Văn Như Cương đã qua đời, hưởng thọ 80 tuổi. PGS Văn Như Cương được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn muộn từ năm 2014, nhưng ông luôn lạc quan, đối mặt với tình trạng bệnh tật của mình để có liệu trình điều trị tích cực nhất.

PGS Văn Như Cương sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971. Sau khi về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1989, ông cùng đồng nghiệp mở Trường THPT Lương Thế Vinh tại Hà Nội. Đây là trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới. Ông làm hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh từ năm 1989 đến năm 2014.

PGS Văn Như Cương còn là tác giả của một số cuốn sách giáo khoa toán phổ thông hiện hành và giáo trình đại học bộ môn hình học, từng là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông còn được biết tới là một chuyên gia giáo dục với nhiều góp ý, phản biện thẳng thắn, sâu sắc về các vấn đề liên quan đến chính sách và đời sống GD-ĐT. Sự ra đi của ông đã khiến nhiều người thương tiếc.

Thủ khoa thất nghiệp

Câu chuyện cô giáo Bùi Thị Hà, người tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trở về Hà Giang hơn một năm vẫn chưa được đi dạy, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Tiến sĩ Lê Thống nhất cho rằng, cung và cầu ngay trong ngành sư phạm vẫn mất cân đối nghiêm trọng. “Dự báo về dư sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong tương lai sẽ lên con số hàng vạn. Chưa nói đến nơi thừa, nơi thiếu, môn thừa, môn thiếu... Các nhà hoạch định chính sách về đào tạo cần giải quyết bài toán này!”, tiến sĩ Lê Thống Nhất nhận định.

Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT lo ngại: “Thủ khoa còn thất nghiệp, thì liệu hàng trăm sinh viên khác xếp bên dưới thủ khoa sẽ như thế nào? Và hàng ngàn sinh viên ngành này ở rải rác các trường khác liệu có rơi vào cùng cảnh ngộ với cử nhân Hà? Phải chăng thị trường tuyển dụng của chúng ta chưa thực sự minh bạch chọn đúng người và xếp đúng việc?”.

Điều chỉnh bài thi tiếng Anh thiếu nhi ĐH Cambridge

Bắt đầu từ tháng 1.2018, Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge (Vương quốc Anh) sẽ có một số điều chỉnh trong bài thi và nhận xét kết quả các chứng chỉ tiếng Anh dành cho thiếu nhi.

Bài thi tiếng Anh thiếu nhi (YLE) của Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge bắt đầu sử dụng trên toàn cầu từ năm 1997 và được điều chỉnh một lần vào năm 2007, trong đó tập trung vào việc cập nhật danh sách các từ vựng. Sau 10 năm, đơn vị khảo thí này tiếp tục có những thay đổi mà theo bà Phạm Hoàng Uyên, Trưởng đại diện của Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge tại Việt Nam, mục đích nhằm hoàn thiện bài thi hơn, tạo ra những tác động tích cực hơn nữa trong việc dạy và học tiếng Anh.

Học sinh lớp 5 tại TP.HCM tham gia thi lấy chứng chỉ tiếng Anh của Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge - Ảnh: ẢNH: BẢO CHÂU

Bà Phạm Hoàng Uyên cho biết, hiện có 135 quốc gia sử dụng chứng chỉ của ĐH Cambridge để đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh và Việt Nam là một trong những nước có số học sinh tham gia nhiều nhất, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 thí sinh tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ này.

Lễ khai khóa 2017 của ĐH Quốc gia TP.HCM

Phát biểu tại buổi lễ khai khóa 2017 của ĐH Quốc gia TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhânnói, năm 2016 ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) xếp ở vị trí 147 trong số 200 trường ĐH hàng đầu châu Á, đây là điều đáng mừng. Bởi để nằm trong tốp 150 châu Á hoàn toàn không đơn giản và Việt Nam chỉ có 2 đơn vị.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: HÀ ÁNH

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, với đội ngũ 2.500 cán bộ giảng dạy, 1.000 cán bộ nghiên cứu, hơn 53.000 sinh viên ĐH và trên 8.000 học viên sau ĐH, ĐHQG TP.HCM là một trong 2 cơ sở đào tạo lớn nhất nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đặt hàng ĐHQG TP.HCM trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể là rà soát quy hoạch phía đông thành phố để xây dựng một khu đô thị sáng tạo. ĐHQG TP.HCM phải trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, tập trung vào các ngành mũi nhọn như: phát triển robot, máy nông nghiệp thông minh, phần mềm an toàn an ninh mạng…

Ngoài ra, câu chuyện hiệu trưởng mua bia uống từ tiền chăm sóc sức khỏe học sinh tại Trường tiểu học Thanh Bình (H.Chợ Gạo, Tiền Giang); Chỉ 5 trong tổng số gần 400 sinh viên tham dự, giảng viên hụt hẫng; Học sinh lớp 4 tử vong bất thường tại hành lang Trường tiểu học Đại Bản (H.An Dương, TP.Hải Phòng)... cũng là những thông tin được nhiều bạn đọc quan tâm trong tuần qua.

P.V (tổng hợp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/nhung-su-kien-ban-doc-quan-tam-890523.html