Những sứ giả của ngôn ngữ không biên giới

Tài năng trẻ quốc tế Grây-xơ Ho, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Công Duy, nhạc trưởng Hon-na Tét-xu-gi và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam đã đưa các khán giả TP Hồ Chí Minh chạm đến không gian vô tận không biên giới của âm nhạc trong đêm Hòa nhạc Toyota 2018 tại Nhà hát thành phố hôm 14-8 vừa qua.

Các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam biểu diễn tại buổi hòa nhạc.

Đây là buổi diễn cuối cùng trong chuỗi ba đêm diễn của Hòa nhạc Toyota năm nay và cũng là buổi diễn duy nhất của chương trình tại TP Hồ Chí Minh (hai buổi trước đó diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 10 và 11-8).

Màn khởi đầu hứng khởi

Cơn mưa kéo dài từ chiều tới sát giờ biểu diễn đã không ngăn được sự đón đợi của người yêu nhạc cổ điển đến với sự kiện thường niên hiếm hoi này. Không để khán giả phải chờ đợi, chương trình mở đầu ngay bằng sự xuất hiện của khách mời đặc biệt trong một tác phẩm nổi tiếng: Bản Double Concerto viết cho violin, cello và dàn nhạc của G.Bram, nhạc sĩ thiên tài người Đức thời kỳ âm nhạc lãng mạn thế kỷ 19. Bản concerto cuối cùng này của G.Bram được viết cho hai (hoặc ba) nhạc cụ vốn không xa lạ với thời kỳ tiền cổ điển hoặc cổ điển, nhưng hiếm hoi đối với thời kỳ lãng mạn. Trong Double Concerto, với sự “đồng chất” của hai nhạc cụ dây (violin và cello), G.Bram đã có những nét nhạc kéo dài từ những nốt cao của violin đến những nốt thấp của cello, người nghe có cảm tưởng như nét nhạc được trình diễn bởi một siêu nhạc cụ có âm vực rất rộng, những nét nhạc như một dòng suối âm thanh vô tận mang tới cho người nghe những cảm xúc thú vị.

Phần độc tấu cello do nghệ sĩ Grây-xơ Ho đảm trách. Grây-xơ Ho là người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc). Cô tốt nghiệp cử nhân Trường đại học Bắc Texas và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành âm nhạc của Trường Âm nhạc Man-hát-tan. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh của Trường Âm nhạc Man-hát-tan. Trẻ tuổi nhưng Grây-xơ Ho từng là nghệ sĩ độc tấu của nhiều dàn nhạc giao hưởng danh tiếng và đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế.

Cùng “đối đáp” với Grây-xơ Ho trong phần mở đầu này là tài năng violin hàng đầu quen thuộc của Việt Nam - Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Công Duy. Anh cũng từng biểu diễn độc tấu cùng nhiều dàn nhạc giao hưởng trong nước và quốc tế, đoạt nhiều giải thưởng, trong đó đáng nói nhất là giải nhất và Huy chương vàng tại Cuộc thi quốc tế Tchaikovsky dành cho các nghệ sĩ trẻ.

Thể hiện trong Double Concerto, cả Bùi Công Duy và Grây-xơ Ho đã cho thấy tiếng đàn đầy chất nghệ sĩ của những solist: Mượt mà, truyền cảm và tinh tế. Rõ nhất là các đoạn double corde (đàn cùng lúc hai dây) của violin hoặc cello vang lên cân bằng, đều đặn. Tiếng đàn của hai nghệ sĩ cũng thể hiện đầy nội tâm và cảm xúc những giai điệu tuyệt đẹp của G.Bram ở chương II. Những đoạn chạy hợp âm rải thanh thoát với tiết tấu nhanh (chương III) thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện của cả hai nghệ sĩ. Người nghe cảm nhận một cách thích thú những đoạn đối đáp duyên dáng giữa violin và cello. Và trên hết là khi hòa tấu (ensemble) cùng dàn nhạc, tiếng đàn của hai nghệ sĩ lúc thì hòa quyện cùng dàn nhạc, lúc thì bật lên với những giai điệu đầy cảm xúc. Bên cạnh một Grây-xơ Ho trẻ trung, tuyệt vời dù chưa ở độ lão luyện, nếu Bùi Công Duy thể hiện những nốt nhấn ở đầu một số câu dứt khoát, mạnh mẽ hơn, gia tăng nội tâm ở một số câu nhạc thì hiệu quả tới người nghe sẽ còn lớn hơn nữa.

Các nghệ sĩ biểu diễn rất hài hòa, ăn nhập với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam được thành lập năm 1959 và là một bộ phận của Nhà hát giao hưởng và vũ kịch Việt Nam. Năm 1984, dàn nhạc giao hưởng được tách ra và mang tên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN) trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong quá trình hình thành và phát triển, DNGHVN từng bước đạt được những thành tựu rất đáng kích lệ. Trong 10 năm trở lại đây, dàn nhạc đã nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn, không chỉ được khán giả, báo giới, giới phê bình âm nhạc và đồng nghiệp ở Việt Nam đón nhận và đánh giá cao mà còn được ghi nhận tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới thông qua các tua biểu diễn trong nước và nước ngoài.

Dàn nhạc biểu diễn khoảng 60 buổi hòa nhạc một năm với vốn tiết mục đa dạng phong phú từ các ấn phẩm âm nhạc cổ điển, lãng mạn cho đến các tác phẩm hiện đại của các nhạc sĩ Việt Nam và quốc tế, xây dựng và biểu diễn các chùm tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới như: Mahler Cycle, Beethoven Cycle, Mozart Cycle, Brahm Cycle, J.Strauss Cycle, Schubert Cycle, Bruckner… dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng quốc tế tên tuổi, đặc biệt là các nhạc trưởng có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của dàn nhạc như: Hon-na Tét-xu-gi (Giám đốc Âm nhạc DNGHVN từ năm 2009), Cô-lin Mít-tơ, Phu-cư-mư-ra Y-ô-shi-ca-dư, Lê Phi Phi, Giô-na An-be, Mác Kít-xô-di… và các nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng như: NSND Đặng Thái Sơn, Xút-xư-mi Xư-y-ô-si, Ta-ma Va-ga, Gô-tô Riu, I-ma-i Nô-bu-cô, Bùi Công Duy, Pre-mi-xơ Vô-ta, Xtê-phan Si-li, Y-a-ma-si-ta Y-ô-xu-kê…

Âm nhạc đặc trưng chất Đức

Symphony N.7 (cung La trưởng) của L.v.Bét-thô-ven, tác phẩm mà chính Bét-thô-ven từng cho rằng đó là một trong những tác phẩm hay nhất của mình, còn nhà soạn nhạc hàng đầu nước Nga Glin-ca thì cho rằng đây là “sự tuyệt vời không thể tả nổi”, được giới thiệu trong phần hai của chương trình.

Trên thực tế, giao hưởng của Beethoven thường được các dàn nhạc biểu diễn là các bản Symphony N.3 (Anh hùng), N.5 (Định mệnh), N.6 (Đồng quê) và N.9 (Niềm vui). Hòa nhạc Toyota 2018 trình diễn Symphony N.7 đã mang tới một cơ hội quý cho công chúng yêu nhạc cổ điển chiêm ngưỡng gia tài âm nhạc lớn của Beethoven, cũng như góp phần làm phong phú thêm nhạc mục biểu diễn giao hưởng hiện nay. Cũng phải nói thêm, Bản giao hưởng số 7 với những tương phản cảm xúc phức tạp, rất khó thể hiện và cũng không dễ để thưởng thức. Với những ai đã từng tham dự các chương trình Hòa nhạc Toyota trong nhiều năm, có thể nhận thấy chương trình đang tăng dần đẳng cấp của cả nghệ sĩ lẫn công chúng. Màn tương tác Tập làm nhạc trưởng giúp công chúng làm quen dần với nhạc cổ điển (từng duy trì nhiều năm trước đây) để Hòa nhạc Toyota thật sự là một buổi Concert trang trọng đúng nghĩa.

Nghệ sĩ cello tài năng Grây-xơ Ho và Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Công Duy đã phối hợp trình diễn ăn ý trong đêm hòa nhạc.

Có thể nhận thấy, điểm thử thách nhất của một dàn giao hưởng khi trình diễn tác phẩm mới là độ emsemble - sự hòa hợp của các nhạc cụ, thì với màn trình diễn Symphony N.7, các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam dưới cây đũa dẫn dắt của nhạc trưởng Hon-na Tét-xu-gi - nghệ sĩ đã gắn bó với Hòa nhạc Toyota Concert trong nhiều năm - đã giải quyết khá tốt. Thấy rõ nhất là thể hiện sự tương phản sắc thái, cảm xúc ở chương II với các chương khác - sự tương phản rõ rệt giữa đau thương và vui mừng. Đặc biệt dàn dây được xem là điểm sáng của dàn nhạc với lối phát âm đồng chất, mạch lạc, huy hoàng.

Cũng cần nói thêm, điểm nổi bật trong sáng tác của các nhạc sĩ người Đức là hòa âm dày, đầy đặn của dàn nhạc, có thể nói đó là chất Đức khá đặc trưng. Đêm Hòa nhạc Toyota 2018, những đoạn tutti (toàn dàn nhạc cùng trình tấu) dàn nhạc đã thể hiện được điều đó với những khối âm thanh hoành tráng, mạnh mẽ, đem đến cho người nghe những cảm xúc rất đặc biệt.

Khi những âm thanh cuối cùng của dàn nhạc kết thúc đêm diễn, những tràng pháo tay của khán giả kéo dài không dứt. Đó là lời cảm ơn chân thành của khán giả dành cho những nghệ sĩ đã đem đến cho họ một đêm “nhạc Đức” thú vị. Nghệ sĩ cello Grây-xơ Ho, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, nhạc trưởng tài ba Hon-na Tét-xu-gi và các nghệ sĩ dàn nhạc đã cùng nhau đem đến cho khán giả tinh thần âm nhạc không biên giới…

“Hòa nhạc Toyota là một hoạt động đóng góp xã hội trong lĩnh vực văn hóa - xã hội và âm nhạc rất bổ ích, ý nghĩa, góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc thành phố và cả nước. Chương trình đã tạo điều kiện để Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nghệ sĩ solo giỏi trong và ngoài nước biểu diễn những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao, đem đến cho khán giả yêu âm nhạc cổ điển của thành phố những đêm nhạc có chất lượng nghệ thuật” - Khán giả, nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Với mục tiêu trở thành “công dân tốt trong cộng đồng sở tại” kể từ khi thành lập, TMV đã và đang thực hiện nhiều hoạt động đóng góp xã hội ý nghĩa và bền vững, tập trung vào các lĩnh vực: An toàn giao thông, giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và văn hóa - xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, TMV được biết đến với nhiều chương trình ý nghĩa trong lĩnh vực âm nhạc, cụ thể là dòng nhạc cổ điển với hai chương trình thường niên: Đêm nhạc cổ điển Toyota (Toyota Classics) và Hòa nhạc Toyota (Toyota Concert).

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37434702-nhung-su-gia-cua-ngon-ngu-khong-bien-gioi.html