Những start-up nhí khiến cả thế giới ngưỡng mộ

Nếu bạn cho rằng khởi nghiệp, kinh doanh chỉ dành cho ngươi lớn thì thực sự bạn đã lầm. Những start-up nhí này có thể sẽ khiến bạn giật mình tự hỏi: 'Người lớn chúng ta liệu có bằng một đứa trẻ?'

Zach Marks - Khởi nghiệp khi mới học cấp 2

Zach Marks là một trong những "bậc thầy" công nghệ trẻ nhất nước Mỹ, nhà sáng lập trang mạng xã hội dành cho trẻ em trị giá hàng triệu đô - Grom Social - trang mạng cho phép trẻ em tạo ra các nhân vật của chính mình gọi là "Gromatars", xem phim hoạt hình, chơi trò chơi và trải nghiệm sự tương tác an toàn bằng nhiều ngôn ngữ.

Doanh nhân nhí đã khởi nghiệp từ năm 12 tuổi, sau đó phải đối mặt và vượt qua rất nhiều thách thức để thành công.

Grom Social cho phép người dùng kết nối và chia sẻ thông tin với bạn bè, ngoài ra còn đăng tải nhiều nội dung miễn phí dành cho trẻ em liên quan đến trò chơi, thể thao, tin tức giải trí hay các video chống ma túy, hút thuốc và bắt nạt trên mạng. Bên cạnh đó, trang Grom Social cũng có các giáo viên, gia sư tham gia hỗ trợ trẻ em xử lý các bài tập về nhà và đưa ra những lời khuyên giúp bảo vệ sức khỏe. Điểm đặc biệt của mạng xã hội này là xây dựng một môi trường cho phép phụ huynh kiểm tra hoạt động của trẻ em trên Grom Social và chỉ đồng ý cho trẻ em tham gia Grom Social với sự kiểm soát của phụ huynh.

Hiện nay, khi đang ở tuổi 18, Zach Marks đã là chủ sở hữu của công ty có giá trị hơn 100 triệu đô la Mỹ.

Hillary Yip Ying-hei - Giám đốc điều hành công ty công nghệ Hong Kong khi 13 tuổi

Lớn lên trong kỷ nguyên công nghệ, Yip nhanh chóng nắm bắt cơ hội, theo sát những cải tiến và sự thay đổi của công nghệ kỹ thuật số. Chính nền tảng đó đã thúc đẩy cô bé tạo nên ứng dụng học ngôn ngữ khi mới 10 tuổi.

“Cháu nảy ra ý tưởng về ứng dụng học ngôn ngữ MinorMynas vào mùa hè năm 2015 khi đang học tiếng Trung Quốc ở Đài Loan. Tiếng Trung của cháu rất tệ nhưng sau chương trình trao đổi, cháu đã cải thiện rất nhiều và trải nghiệm ấy khiến cháu suy nghĩ cần làm điều gì đó”, Yip nói về động lực khởi nghiệp.

MinorMynas là một nền tảng giáo dục trực tuyến giúp trẻ ở mọi độ tuổi lựa chọn ngôn ngữ khác thông qua việc trò chuyện trực tuyến bằng video call với những người khác cùng tuổi. Thông qua việc giao tiếp trực tiếp, trẻ con có thể nhờ đó học được ngôn ngữ mẹ đẻ của người cùng trò chuyện.

Yip tin rằng cách tốt nhất để học ngôn ngữ là cọ sát thực tế thông qua trò chuyện. Với ý tưởng ban đầu về startup MinorMynas, Yip đã chiến thắng cuộc thi thử thách doanh nhân trẻ AIA 2015.

Hiện nay, ngoài việc vẫn đến trường như bao bạn học khác, Ying-hei còn đang điều hành doanh nghiệp của chính mình.

Parker Krex - CEO của Brick Loot từ khi 10 tuổi

Cậu bé Parker Krex rất yêu thích những khối xếp hình lego, cậu đã sở hữu và sưu tập những bộ xếp hình lego từ khi mới 3 tuổi. Chính sự yêu thích đó và với một ý tưởng táo bạo, Parker đã thành lập startup Brick Loot ngay trong nhà để xe của gia đình từ khi 10 tuổi.

Brick Loot cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng của họ nhận được những hộp đồ chơi lego ngẫu nhiên hàng tháng, với mức giá khoảng 23 -27 USD và cộng thêm chi phí vận chuyển.

Thậm chí dịch vụ của Brick Loot còn mở rộng ra một số quốc gia khác giúp thu nhập của cậu bé là một con số đáng ngưỡng mộ của rất nhiều người trưởng thành. Đến nay, bước sang tuổi 13, Brick Loot vẫn tiếp tục phát triển Brick Loot trên phạm vi rộng.

Bảo Ngọc - Bống Chè Bưởi

11 tuổi - lứa tuổi người lớn vẫn hay gọi những đứa trẻ là "ăn chưa no, lo chưa tới", chỉ biết học và chơi, đôi khi ngay cả làm bài tập về nhà cũng là "quá tải" so với sức thì cô bé Bảo Ngọc (tên hay gọi là Bống) ở Tuyên Quang đã có thể tự lập tài chính.

Thậm chí em còn biết mua sắm iPhone, laptop cho bản thân, trong ví lúc nào cũng có trên 1 triệu nhờ kinh nghiệm 3 năm kinh doanh chè bưởi online với nguồn vốn vay có trả lãi từ mẹ. Câu chuyện kinh doanh của start-up nhí Bống chè bưởi từng gây xôn xao dư luận hồi tháng 12/2017.

Đến tối 29/8/2018, cô bé lại tiếp tục gây bão truyền hình khi xuất hiện trong chương trình gọi vốn Shark Tank Việt Nam mùa 2, khiến nhiều người vô cùng bất ngờ.

Màn "gọi vốn" của cô bé Bống diễn ra vô cùng hấp dẫn và đầy kịch tính. Cuối chương trình, Shark Thủy quyết định đầu tư 200 triệu để lấy 20% cổ phần, đồng thời hỗ trợ Bống về vấn đề mặt bằng buôn bán. Ngoài ra, Shark Thủy sẽ bỏ thêm 500 triệu tiền học bổng cho riêng Bống để cô bé được học sâu hơn về kinh doanh cũng như thăm các trung tâm khởi nghiệp, các trại hè trên toàn thế giới. Shark Hưng cũng quyết đinh đầu tư 100 triệu đổi lấy 10% cổ phần và cho biết, số cổ phần này sẽ do con gái của Shark cũng tầm tuổi bé Bống nắm giữ và tham gia vào việc điều hành kinh doanh quán chè.

Hai Shark cùng đồng lòng thống nhất rằng, việc bỏ tiền đầu tư cho Start-up Bống chè bưởi không nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời mà là một hình thức đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho tương lai trẻ em.

Mỹ Anh (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/nhung-startup-nhi-khien-ca-the-gioi-nguong-mo-5405.html