Những 'siêu dự án' được Hà Nội trao quyết định đầu tư

Tại Hội nghị 'Hà Nội 2020 - hợp tác đầu tư và phát triển', thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó có những 'siêu dự án' bất động sản có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

Phối cảnh "siêu dự án" Tây Hồ Tây với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.

Phối cảnh "siêu dự án" Tây Hồ Tây với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác đầu tư và phát triển", được tổ chức ngày 27/6, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.

Trong số này có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư FDI với số vốn 5,7 tỷ USD (vốn tăng thêm là 3,4 tỷ USD); 107 dự án đầu tư công.

Tổng số dự án, số vốn tăng được trao quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị năm nay lần lượt gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị năm 2016. Các dự án đầu tư năm nay tập trung vào các lĩnh vực: Cụm công nghiệp; nhà ở xã hội; khu đô thị; du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…

Đây được xem là một thành tích rất ấn tượng, là dấu ấn của thành phố Hà Nội trong công tác thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Trong đó có những dự án bất động sản đáng chú ý tại các các quận nội thành, bao gồm: Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây do tập đoàn Daewoo E&C đầu tư với vốn đầu tư là 30.811 tỷ đồng; Dự án Khu chung cư Quốc tế Booyoung (quận Hà Đông) do Công ty TNHH MTV Booyoung Việt Nam đầu tư với vốn đầu tư là 7.371 tỷ đồng; Dự án Tòa nhà Vilitas Tower tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy, đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai do Công ty CP Thương mại và dịch vụ cuộc sống Việt đầu tư với vốn đầu tư là 383,9 tỷ đồng; Dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng tại ô đất TT6-2 thuộc QHCT Khu chức năng đô thị Tây Tựu, tỷ lệ 1/500 phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân La đầu tư với vốn đầu tư là 259,2 tỷ đồng; Dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng tại ô đất TT6-1 thuộc QHCT Khu chức năng đô thị Tây Tựu, tỷ lệ 1/500 phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP quản lý tài sản sông Nhuệ đầu tư với vốn đầu tư là 209,6 tỷ đồng.

Dự án Khu nhà ở sinh thái cho thuê Him Lam Long Biên do Công ty CP đầu tư Long Biên đầu tư với vốn đầu tư là 750 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở tại 268 Trung Kính do Công ty CP Devyt đầu tư với vốn đầu tư là 119,9 tỷ đồng.

Hội nghị cũng ghi nhận hàng loạt dự án nhà ở tập trung tại các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Đông Anh… trong đó Dự án Khu đô thị mới Mai Lâm, Xuân Canh, Đông Hội, huyện Đông Anh do Công ty CP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam đầu tư với vốn đầu tư là 34.879 tỷ đồng là dự án vốn lớn nhất. Tiếp đó là Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (tên cũ là dự án khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh, xã Vân Canh, xã An Khánh do Công ty CP Đầu tư An Lạc đầu tư với vốn đầu tư là 8.830 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị An Khánh - An Thượng do Công ty CP tập đoàn Hà Đô đầu tư với vốn đầu tư 1.845,7 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh tại huyện Mê Linh do Công ty TNHH C.E.O quốc tế (trước đây là Công ty cổ phần C.E.O quốc tế) đầu tư với vốn đầu tư là 2.168 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 tại các xã Thanh Lâm, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Công ty TNHH đầu tư với vốn đầu tư là 4.473 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng do Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh đầu tư với vốn đầu tư là 2.032 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng đầu tư với vốn đầu tư là 41.248 tỷ đồng;

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-sieu-du-an-duoc-ha-noi-trao-quyet-dinh-dau-tu-1679767.tpo