Những siêu anh hùng và niềm khát khao của bóng đá Nhật Bản

Sau khoảng thời gian chìm trong lãng quên, bóng đá Nhật Bản đã thức tỉnh từ cuối thế kỉ 20 và trở thành thế lực thật sự của Châu Á.

 Ảnh: Medium.

Ảnh: Medium.

Từ World Cup 1998 đến nay, Nhật Bản chưa từng vắng mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Từ tâm thế đội lót đường, ẩn số cho tới phô diễn thực lực, bóng đá Nhật Bản đã tiến bộ nhanh chưa từng thấy, bỏ lại quãng thời gian hơn 50 năm giữa thế kỉ 20 phai tàn và liên tục vắng bóng.

10 năm trước World Cup 1998, Asian Cup 1988 đánh dấu lần đầu tiên các "Samurai xanh" trở lại sân chơi châu lục sau vài chục năm tự rút lui. Ít ai biết rằng, để vươn mình trở lại sân chơi châu lục và thế giới, những thế hệ cầu thủ Nhật Bản khi ấy đã được tiếp lửa từ bộ truyện tranh huyền thoại: "Tsubasa - Giấc mơ sân cỏ".

Tsubasa trong loạt phim hoạt hình về mình. Ảnh: Getty.

Ra mắt tập đầu tiên vào năm 1981, những nét vẽ của siêu tác giả Takahashi Yoichi đã chạm tới ao ước của hàng triệu đứa trẻ đang lớn lên ở xứ mặt trời mọc. Hình tượng những cầu thủ người Nhật có thể bay lượn trên sân cỏ, tung các cú sút trời giáng, thể hiện những kĩ năng chỉ có ở siêu nhân trở thành thần tượng của tất cả trẻ em thời đó.

Không chỉ đá bóng hay, những ngôi sao trong truyện như Tsubasa hay Kojiro còn có cách sống, ứng xử nhân văn. Trên hết, họ có tình yêu khát khao với trái bóng, sự tự tôn dân tộc mãnh liệt, quyết tâm đưa bóng đá Nhật Bản vươn tầm thế giới. Chức vô địch giải U17 Thế giới của Tsubasa và lần khoác áo Barcelona của chàng trai này chính là hiện thân của những điều tưởng như trong mơ ấy.

Bộ đôi kì phùng địch thủ Kojiro và Tsubasa. Ảnh: Getty.

Sau "Tsubasa - Giấc mơ sân cỏ", loạt truyện "Đường dẫn đến khung thành" như một bước tiến cao hơn về tình yêu và sự thuần khiết mà mỗi con người Nhật Bản mong muốn ở bóng đá. Chàng trai Jindo với vóc người nhỏ bé, chỉ cao hơn 150cm đã khuấy động cả một thế hệ những độc giả không chỉ tại Nhật Bản và còn lan tỏa khắp thế giới.

Jindo, nhỏ người nhưng có thể đả bại bất cứ đối thủ nào tại trường phổ thông bằng các kĩ năng không ai có của mình. Sau mùa đầu thất bại, cậu lại đứng lên và thành công chỉ 1 năm sau đó. Kết truyện, những người hùng truyện tranh ấy lại thêm một lần nói về giấc mơ World Cup, nơi họ sẽ được sánh vai cùng các ngôi sao tầm mà trước đây chỉ được thấy qua TV.

Jindo đại diện cho hình ảnh những thanh niên Nhật với tình yêu thuần khiết, ngây thơ dành cho bóng đá. Ảnh: Getty.

Với người Nhật Bản và văn hóa Anime của mình, mỗi nhân vật siêu anh hùng được khắc họa đều ẩn chứa trong mình những khát khao, mong ước của một dân tộc được gửi gắm. Thông qua những người như Tsubasa hay Jindo, hình ảnh về con người, cầu thủ và bóng đá Nhật Bản được lan tỏa rộng rãi.

Trận đấu giữa Nhật Bản và Bỉ ở World Cup 2018 là khoảnh khắc sự tự hào về Tsubasa được người Nhật bộc lộ. Thay vì lá đại kì của đất nước, người hâm mộ xứ mặt trời mọc lại thay bằng tấm hình Tsubasa khổ rộng để cùng nhau truyền tay trên khán đài.

Tsubasa ở đó, trên tay cầm cúp vàng cùng các đồng đội sát cánh phía sau như tiếp lửa cho Kagawa và các ngôi sao khác dưới sân. Tại World Cup trên đất Nga 1 năm trước, đằng sau lưng áo mỗi cầu thủ Nhật Bản, tất cả thần tượng bóng đá truyện tranh như Tsubaba, Jindo, Kojiro,...đều được in nổi bật trên số áo.

Tsubasa là niềm tự hào của người Nhật Bản. Ảnh: Twitter.

Quả thực. "Samurai xanh" đã chơi tuyệt hay trước ứng viên vô địch Bỉ và chỉ chịu thua 2-3 trong thế đã dẫn trước 2 bàn. Họ dừng bước ở vòng 16 đội với sự tiếc nuối. Thế nhưng, chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của các cầu thủ dưới sân, người hâm mộ Nhật Bản có quyền được tự hào về họ.

Asian Cup 2019 là cơ hội để đội bóng áo xanh đòi lại món nợ 4 năm trước khi đã thua Australia ở trận chung kết. Với những gì đang có, nếu thêm một lần vô địch, đó cũng là lẽ thường tình với bóng đá Nhật Bản để cụ thể hóa hơn vị thế của đội bóng đại diện cho cả Châu Á.

VIỆT HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/bong-da-quoc-te/nhung-sieu-anh-hung-va-niem-khat-khao-cua-bong-da-nhat-ban-654008.ldo