Những 'sát thủ thầm lặng'

Theo Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), viêm gan virus B, C là một trong những căn nguyên hàng đầu gây biến chứng xơ gan và ung thư gan. Ước tính số người bị viêm gan C, B chiếm gần 10% dân số trên thế giới với khoảng 170 triệu người. Tại Việt Nam, có khoảng 15 triệu người nhiễm viêm gan B và khoảng 4 triệu người nhiễm viêm gan C.

Biểu hiện của người mắc bệnh viêm gan B

Viêm gan B có một số triệu chứng mà người bệnh thường rất dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với một số bệnh khác như cơ thể mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…nhất là ở giai đoạn đầu. Vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh là rất quan trọng để tránh bỏ qua giai đoạn vàng điều trị và không để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Theo các bác sĩ, một số biểu hiện ban đầu của viêm gan B gồm có:

Cơ thể mệt mỏi: Bệnh nhân viêm gan B thường thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, có nhiều người tự nhiên mệt như hết cả hơi sức... Nếu thấy hiện tượng này kéo dài hơn vài ngày mà ăn uống, nghỉ ngơi vẫn không đơ thì đừng chủ quan mà bỏ qua.

Rối loạn tiêu hóa: Những người bệnh viêm gan B thường gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, táo bón, một số người thấy bụng trướng…Đây cũng là biểu hiện rất dễ nhầm lẫn.

Sốt nhẹ: Có nhiều người khi mới bị nhiễm virus viêm gan B thường có hiện tượng sốt nhẹ, là do khi virus tấn công làm tổn thương gan, khiến gan không thải hết được chất độc và chất độc bên trong dồn vào máu làm cơ thể bị sốt.

Vàng da: Vàng da là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của viêm gan B. Tuy nhiên khi bị vàng da tức là bệnh gan đã ở mức nghiêm trọng, cần đi khám ngay.

Xuất huyết dưới da: Khi thấy có triệu chứng da xuất hiện ban xuất huyết hoặc chấm ứ máu cần đi khám sức khỏe ngay bởi đây là một trong những triệu chứng biểu hiện mắc viêm gan B khá nặng.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gan B là do gan bị virus viêm gan B tấn công. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường: Đó là máu, lây truyền từ mẹ sang con và quan hệ tình dục. Đặc biệt virus HBV sống rất dai, thậm chí có thể tồn tại trong máu khô nhiều ngày nên nếu không tự bảo vệ bản thân thì khả năng nhiễm viêm gan B là rất cao.

Viêm gan C nguy hiểm hơn viêm gan B

Viêm gan siêu vi C nguy hiểm hơn viêm gan B nhưng lại rất dễ chữa. Nguyên nhân chính là siêu vi C không tồn tại ở dạng ngủ (không hoạt động), trong khi đó siêu vi B lại có dạng tồn tại ở dạng ngủ (không hoạt động) (HbeAg âm tính). Khi siêu vi C ở dạng hoạt động liên tục thì sẽ rất nguy hiểm nếu người bệnh không sinh hoạt lành mạnh (uống rượu bia), hoặc không được điều trị sớm. Viêm gan C thường được gọi là “bệnh thầm lặng” vì nhiều bệnh nhân mang virus không có triệu chứng và không cảm nhận rõ rệt của bệnh.

Hầu hết các trường hợp viêm gan C cấp tính ít có triệu chứng đặc biệt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu và có một số triệu chứng giống cảm cúm. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, đau tức vùng gan. Tuy vậy, triệu chứng đau và vàng da, vàng mắt đôi khi chỉ nhẹ làm cho người bệnh không để ý dễ bỏ qua mặc dù gan đang trong thời kỳ viêm rất nặng. Bệnh lây truyền từ người mắc viêm gan C sang cho người lành theo 3 đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh. Ngoài ra, có khoảng 30%-40% không rõ nguyên nhân lây nhiễm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, ước tính ở Việt Nam có 4%-6% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người, mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, mỗi tháng có hơn 300 bệnh nhân mới và mỗi năm có khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú điều trị viêm gan C. Đây được xem là “sát thủ thầm lặng” bởi hầu hết người bị nhiễm loại virus này không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu; chỉ khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan mới biết.

Phòng và điều trị bệnh như thế nào?

Hiện nay điều trị viêm gan siêu vi B đã có vắcxin còn siêu vi C chưa có. Viêm gan siêu vi B có thuốc uống còn viêm gan siêu vi C chủ yếu là tiêm, gây mệt mỏi cơ thể và tốn kém trong chi phí. Người bị viêm gan siêu vi C sau khi dùng thuốc tiêm 6 tháng đến 1 năm là hết siêu vi (khỏi bệnh), tuy nhiên với điều kiện là người bệnh có thể trạng tốt và không điều trị gián đoạn. Trong khi đó người bị viêm gan siêu vi B thì không thể diệt hết siêu vi B bằng cách tiêm.

Một khó khăn nữa cũng đang tồn tại đó là nhiều người dân hiện nay đi khám tổng kiểm tra sức khỏe mới chỉ xét nghiệm viêm gan B, còn viêm gan C không để ý hoặc bỏ qua gây bỏ sót. Bệnh viêm gan ở giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng chỉ có cách sàng lọc, đi xét nghiệm máu để phát hiện bệnh. Trong gia đình, một người bị viêm gan B thì những người khác cần phải đi xét nghiệm sàng lọc. Bởi khi bệnh nhân phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn muộn nên điều trị rất khó khăn, thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Viêm gan B tuy chưa điều trị dứt điểm nhưng cũng có thể phòng ngừa được bằng vắcxin, tiêm đúng và đủ liều sẽ giúp giảm nguy cơ mắc viêm gan B. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để xét nghiệm, tầm soát phát hiện bệnh sớm là điều vô cùng quan trọng.

Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh BV Bệnh Nhiệt đới trung ương thì có một tin vui cho người bị nhiễm viêm gan C, một phác đồ điều trị viêm gan C mới được Bộ Y tế ban hành đã giúp giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Với sự ra đời của các thuốc kháng virus trực tiếp, liệu trình điều trị của người bệnh giảm từ 48 tuần xuống còn 12-24 tuần, tỉ lệ khỏi bệnh cao, người bệnh chịu ít tác dụng phụ. Thay vì người bệnh phải tiêm dưới da, trong điều kiện bảo quản khắt khe, nhiều tác dụng phụ, hiệu quả điều trị chỉ đạt khoảng 70% thì nay người bệnh sử dụng thuốc dạng viên uống mỗi ngày, hiệu quả điều trị tới hơn 90%. Và một điều cũng rất quan trọng là chi phí điều trị bệnh viêm gan C hiện giảm từ 180 triệu đồng/48 tuần xuống còn khoảng 45 triệu đồng/12 tuần.

Thực phẩm cho người bị bệnh gan

Người bệnh gan cần giảm các chất béo, hạn chế ăn các món rán. Lòng trắng trứng chứa nhiều methionin, eytein, eystin là các acid amin bảo vệ gan, người bệnh về gan có thể cách ngày ăn một quả trứng luộc. Acid béo và omega-3 từ thực vật hay từ cá đều tốt cho gan và làm chậm quá trình ung thư hóa gan. Do đó, chất béo từ cá, trứng, đậu mè tốt cho gan. Điều cốt yếu là không dùng dư thừa. Chú ý nên chế biến thực phẩm theo lối kho, nấu, luộc, hấp chưng chứ không nên rán.

Ngọc Hải

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/nhung-sat-thu-tham-lang-tintuc412828