Những sáng kiến kinh nghiệm rồi sẽ đi về đâu?

Những sáng kiến kinh nghiệm sẽ đi về đâu? Vài chục đề tài mới được 1 kg giấy đồng nát nhưng ngân sách chi cho sáng kiến kinh nghiệm thì nó lại vô cùng lớn!

Những ngày nghỉ Tết là khoảng thời gian lý tưởng nhất để giáo viên các trường học hoàn thành sáng kiến kinh nghiệm của mình. Và đa phần các trường đều thu những sáng kiến kinh nghiệm sau dịp nghỉ Tết, bởi thời gian làm việc bình thường thì giáo viên thường bận bịu khó thực hiện.

Tuy nhiên, điều hiển nhiên dễ thấy đó là năm nào ngành giáo dục cũng có hàng chục ngàn sáng kiến kinh nghiệm được các cấp quản lý chấm đạt giải nhưng gần như nó không được áp dụng trong quá trình thực hiện giảng dạy trong nhà trường. Những sản phẩm này sau khi chấm sẽ đi về đâu vẫn là câu khó trả lời nhất.

 Nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhưng không có chất lượng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhưng không có chất lượng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Bản thân chúng tôi không bài xích sáng kiến kinh nghiệm, bởi nếu thực hiện nghiêm túc, đó là một đề tài khoa học mà nhiều lãnh đạo, quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục đã và đang thực hiện hàng năm.

Điều đáng để chúng ta suy ngẫm là hiệu quả của các đề tài này không có, nó chẳng phát huy được những tác dụng, hiệu quả như những gì mà các tác giả đã trình bày trong sáng kiến kinh nghiệm của mình.

Giáo viên viết, có thể là do chỉ tiêu mà cấp trên giao cho mình, cũng có thể viết vì muốn được chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đúc kết được trong quá trình giảng dạy, có thể viết vì thành tích cho bản thân người thực hiện.

Nhưng, viết vì một lý do nào đi chăng nữa thì mỗi sáng kiến kinh nghiệm cũng phải phát huy được hiệu quả công việc của mình, của đơn vị thì hãy nên viết.

Ngược lại, nếu chẳng có gì mới, chẳng phải của mình, chẳng đem lại lợi ích gì thì cũng nên đừng viết. Viết rồi, mất thời gian cho người chấm, tốn kinh phí cho việc chi trả chế độ cho giám khảo và tốn kinh phí trao giải thưởng cho người đạt giải.

Thế nhưng, thực tế thì các đơn vị trường học hiện nay vẫn có rất nhiều giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm. Một số trường còn phát động, đăng ký gần hết số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Bởi, một lẽ giản đơn là nếu không viết sáng kiến kinh nghiệm thì không có thành tích cao như: không được xét viên chức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, không được xét “đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, không được xét danh hiệu “chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” trở lên…

Một khi thiếu các danh hiệu này thì đương nhiên không được xét tăng lương trước thời hạn, không được khen thưởng nhiều và tất nhiên đơn vị cũng không được đánh giá, xếp loại cao.

Vì cuối năm, người ta nhìn vào số lượng các giáo viên được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên, nhìn vào tập thể tổ chuyên môn, nhà trường có được xét thi đua, khen thưởng hay không mà thôi.

Mấu chốt của các danh hiệu thi đua bây giờ được bắt nguồn từ sáng kiến kinh nghiệm. Nếu không có nó thì không được xét danh hiệu thi đua, cho dù tập thể, cá nhân có rất nhiều những thành tích đi kèm.

Chất lượng của các sáng kiến kinh nghiệm bây giờ cực thấp

Nhìn vào số lượng người đăng ký viết sáng kiến kinh nghiệm ở các trường học thì chúng ta đều thấy rất nhiều. Nhưng, những người viết vì tâm huyết, khả năng của mình thì lại rất hiếm.

Nhiều giáo viên xin từ anh chị em của mình ở các địa phương khác hoặc tải từ trên mạng Internet về chỉnh sửa rồi nộp. Bởi, một số địa phương có hẳn công văn hướng dẫn là những sáng kiến kinh nghiệm không được trùng lặp quá 80% những sáng kiến kinh nghiệm khác.

Vì vậy, 20% còn lại thì nêu qua tên tuổi, kết quả, thêm “một chút gia vị” vào những đề tài có sẵn trên mạng thì đương nhiên những sáng kiến kinh nghiệm đó đã thuộc quyền sở hữu của họ.

Khi nộp cho cấp trên thì nhiều khi người chấm cũng nhìn mặt để xét giải cho người thực hiện. Cái nào thấy ổn hơn, tốt hơn thì xếp giải A, B, cái nào yếu hơn thì xếp giải C.

Người "vô danh" mà nội dung sáng kiến kinh nghiệm không tốt thì đương nhiên là không xếp loại. Trong các loại giải thì chỉ có giải A là gửi lên cấp trên chấm tiếp, giải B, C thì giữ tại cấp quản lý của mình.

Người đạt giải, không đạt giải cũng không thể có những khiếu nại gì bởi thực chất dù có khiếu nại cũng không thể thay đổi kết quả được vì đa phần sáng kiến kinh nghiệm là sao chép của nhau.

Một khi có đơn khiếu nại thì người chấm chỉ cần coppy một đoạn đán lên goole.com là nó hiển hiện trước mặt.

Chính vì đa phần cách viết, cách chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay như chúng tôi đã trình bày ở trên nên dẫn đến việc phần lớn những đề tài được công nhận giải cũng không có tính khả thi để áp dụng rộng rãi. Chủ yếu là công nhận giải để phát thưởng và xét thi đua cho các cá nhân, đơn vị được giải vào dịp cuối năm mà thôi.

Lãng phí từ việc viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm có rất nhiều và cũng đã được bàn thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng, chắc chắn nó vẫn được tiếp tục duy trì không chỉ ở ngành giáo dục mà còn ở nhiều ngành nghề khác nữa. Bởi, những điều này đã được hướng dẫn cụ thể ở Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ.

Tuy nhiên, giáo viên không viết sáng kiến kinh nghiệm cũng có sao đâu, chỉ là không được đánh giá, xếp loại, xét thi đua ở mức cao hơn thôi. Vì vậy, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường (nếu viết) cần viết bằng khả năng, tâm huyết, bằng kinh nghiệm của mình để thúc đẩy ngành giáo dục ngày một đi lên.

Đừng viết để lấy thành tích, dối lừa bản thân, dối lừa người chấm, càng làm cho tính trung thực của người thầy bị mai một bởi viết mà không mang lại lợi ích gì cho ngành.

Những sáng kiến kinh nghiệm sẽ đi về đâu? Vài chục đề tài mới được 1 kg giấy đồng nát nhưng ngân sách địa phương chi cho việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm thì nó lại vô cùng lớn để cả chi trực tiếp và chi gián tiếp cho các danh hiệu thi đua!

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-sang-kien-kinh-nghiem-roi-se-di-ve-dau-post206516.gd