Những sản phẩm phục vụ huấn luyện kỹ thuật xe-máy

Ngày đầu tháng 6, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên hơn 38 độ C, nhưng trong khu kỹ thuật của Đoàn 384 (Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật), Đại úy Khuất Duy Long, Trưởng ban Kỹ thuật Đoàn 384, cùng các nhân viên Đội vận tải 2 vẫn cặm cụi kiểm tra các thiết bị dẫn động của hệ thống phanh hơi xe Kamaz 53228, dựa trên mô hình vừa mới nghiên cứu.

Trung úy QNCN Phạm Tiến Trung, nhân viên Đội vận tải 2 giới thiệu: Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng trang bị cho đơn vị một số xe Kamaz thế hệ mới với một số tính năng kỹ thuật, chiến thuật được cải tiến, nhất là hệ thống phanh. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, đa số lái xe và thợ sửa chữa còn chưa nắm chắc sơ đồ nguyên lý hoạt động của hệ thống, gây nhiều hạn chế trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa xe-máy.

Xuất phát từ thực tế đó, Đại úy Khuất Duy Long đã nghiên cứu và thiết kế mô hình sơ đồ khối của hệ thống phanh hơi xe Kamaz 53228. Sơ đồ hệ thống phanh khí nén gồm: Hệ thống phanh chính, phanh dừng (phanh lốc-kê), phanh chờ và phanh phụ. Hệ thống mô phỏng dòng dẫn động chính nhằm giảm tốc độ xe và dừng xe hoàn toàn, được điều khiển bằng bàn đạp phanh; dòng dẫn động phanh lốc-kê khóa chuyển động hoặc thả lỏng xe, dùng tay van điều khiển được thiết kế để giữ yên xe khi phanh chính không hoạt động, phanh xe bằng lực ép lò xo, ngược lại khi phanh chính hoạt động thì phanh dừng không hoạt động; dòng phanh phụ (phanh động cơ) được kích hoạt bằng nút đạp riêng. Ở xe lắp bơm nhiên liệu điện tử, phanh phụ chỉ hoạt động khi xe chạy 30km trở lên, khuyến cáo dùng phanh phụ trong mọi trường hợp đổ đèo, xuống dốc cao và dài làm giảm tốc độ của xe, tránh trường hợp má phanh bị cháy.

 Đại úy Khuất Duy Long (bên phải) huấn luyện nhân viên mô hình sơ đồ khối của hệ thống phanh hơi xe Kamaz 53228.

Đại úy Khuất Duy Long (bên phải) huấn luyện nhân viên mô hình sơ đồ khối của hệ thống phanh hơi xe Kamaz 53228.

Nhờ áp dụng sáng kiến trên trong công tác huấn luyện, việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống phanh được dễ dàng, tiết kiệm được 50% thời gian và nhân công, bảo đảm an toàn giao thông. Mô hình trực quan sinh động, cấu tạo đơn giản, sử dụng dễ dàng, cơ động, giúp cho người học dễ nhớ, chi phí chế tạo thấp do tận dụng vật tư cũ, giá thành hạ. Với hiệu quả đem lại, sáng kiến được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, tặng giải nhì trong cuộc thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Cục Xe-Máy tổ chức năm 2019.

Đại úy Khuất Duy Long nhấn mạnh: Các sáng kiến của đoàn đều xuất phát từ thực tế nhiệm vụ đơn vị, nên khi hoàn thành đưa vào ứng dụng ngay, tạo hiệu quả cao. Ngoài sáng kiến trên, là Trưởng ban Kỹ thuật, anh Long theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ nhân viên của đoàn nghiên cứu và hoàn thành nhiều sáng kiến phục vụ huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật được đánh giá cao. Tiêu biểu như: Giá ra vào lốp của Đại úy Nguyễn Ngọc Nghiêm, Trạm trưởng Trạm Bảo dưỡng, sửa chữa; vam tháo lốc kê của Trung úy Hoàng Chiến Thắng, trợ lý Ban Kỹ thuật... Bên cạnh đó, anh Long và cán bộ, nhân viên còn áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật hữu ích như: Cải tiến bôi trơn bằng dầu sang mỡ lắp trên xe Kamaz, cải tiến hệ thống đường ống hơi bằng đồng sang ống bằng nhựa, bộ cứu kéo xe đa năng lắp trên xe cứu hộ... Nhờ áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã góp phần giúp Đoàn 384 hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: LAN PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-san-pham-phuc-vu-huan-luyen-ky-thuat-xe-may-620045