Những sai lầm trong cứu người bị đuối nước

Thời tiết nóng bức vào mùa hè khiến số người đi bơi tăng lên. Không chỉ đến các bể bơi, nhiều người còn tìm đến các ao hồ sông suối.

Đây cũng là môt trong những nguyên nhân gia tăng tai nạn đuối nước trong dịp hè nhất là đối với trẻ em. Thời gian gần đây liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Như vụ đuối nước khiến 8 em học sinh ở Hòa Bình thiệt mạng do tắm sông hay 5 học sinh lớp 9 đuối nước ở Bình Thuận, 2 em thiệt mạng…

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Trang bị kỹ năng cần thiết khi đi bơi, tìm đến những nơi có thể bơi lội an toàn... sẽ giúp giảm tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó còn một vấn đề nữa vô cùng quan trọng. Đó là trang bị kỹ năng sơ cứu khi bị đuối nước. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, việc cứu người bị tai nạn đuối nước còn nhiều bất cập hay thậm chí sai lầm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Hải Phong, Giáo viên dự án Thắp lửa đam mê - một dự án trang bị kỹ năng an toàn cho cộng đồng, tâm lý của người đuối nước thường rất hoảng sợ, họ giẫy giụa và loạn tim cố tìm chỗ bám và bám rất chặt. Vì vậy, người cứu đuối phải hết sức bình tĩnh và tìm cách thực hiện nguyên lý đòn bẩy trái khớp để xử lý.

Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người cứu đuối mắc sai lầm do thiếu kĩ năng và thiếu quan sát dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ông Lê Tuấn Can, Chủ nhiệm dự án Thắp lửa đam mê cho biết: Sai lầm về quan sát tình trạng của nạn nhân. Nạn nhân ở thời điểm nào? ở thời gian vàng hay qua rồi. Người ta không định hình được đường nước chảy , người ta nhảy bừa xuống, Nhiều khi đường nước chảy cắt đường bơi nên tiếp cận nạn nhân rất khó khăn dẫn đến người cứu cũng bị đuối. Phương pháp tiếp cận nạn nhân cũng gây ra những sai lầm bởi khi nạn nhân rơi xuống nước như vậy thì người ta rất hoảng loạn thì người ta hay có xu hướng người cứu đuối gần đến nơi, người ta hay có tình trạng bám lấy. nếu như không có kĩ năng thì hành động này sẽ ảnh hưởng đến tình mạng cả hai người. Người cứu đuối và nạn nhân có nguy cơ thiệt mạng cao.

Để cứu người đuối nước đúng cách, an toàn, người dân cần lưu ý những vấn đề sau:

- Nạn nhân nằm ngửa, người cứu đuối bơi phía sau nạn nhân, một tay dùng để bơi, một tay vắt lên ngang ngực xốc chéo qua nách bên kia.

- Nâng cằm nạn nhân ngửa mặt lên. Phương pháp này dùng cho những nạn nhân có cơ thể hơi mập. Người cứu đuối có thể dùng tay còn lại để bơi vào bờ

- Từ phía sau, người cứu hộ dùng tay nắm chùm tóc trên trán, ngửa đầu nạn nhân ra đằng sau.

- Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, người cứu đuối có thể dùng hai tay nâng đầu nạn nhân nổi lên mặt nước, bơi ngửa bằng 2 chân và kéo vào bờ.

- Nếu nạn nhân có trọng lượng nhẹ hơn người cứu đuối và đã bất tỉnh. Người cứu đuối có thể bơi ngửa, dùng ngực để đỡ đầu nạn nhân, hai tay xốc dưới nách cho nạn nhân nằm sải với tư thế thoải mái. Sau đó đưa nạn nhân vào bờ.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, không phải ai cũng có đủ kĩ năng để cứu đuối. Vì thế, nếu chúng ta không có kĩ năng cứu đuối mà gặp phải tình huống có người bị đuối nước, cần lập tức gọi người hỗ trợ để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc.

Theo vtv.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/nhung-sai-lam-trong-cuu-nguoi-bi-duoi-nuoc/20190521070214794