Những sai lầm phổ biến khi thi IELTS Speaking

Bài thi IELTS Speaking có thể khó nhằn đối với những thí sinh không biết phải chuẩn bị điều gì hoặc làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu của đề thi.

Cùng tham khảo những sai lầm phổ biến các thí sinh dễ mắc, cũng như cách khắc phục để đạt kết quả tốt nhất trong bài thi IELTS Speaking (thi nói) mà các chuyên gia của Hội đồng Anh đưa ra nhé!

Quá lo lắng

Việc bạn cảm thấy lo lắng khi tham gia một kỳ thi là điều bình thường, đặc biệt đối với một kỳ thi quan trọng như IELTS, nhất là trong bài thi Speaking. Nếu mất bình tĩnh, bạn sẽ có xu hướng mắc nhiều lỗi sai hơn, khó tìm những từ phù hợp, nói quá nhanh hay quá chậm và thường xuyên do dự thể hiện ý kiến của mình.

Vì những lý do này, cần tìm những cách để giúp bạn có tâm lý thư giãn trong kì thi. Cùng tham khảo những điều nên và không nên làm dưới đây để áp dụng cho kì thi của bạn.

Thí sinh không nên đến muộn trong buổi thi, việc vội vã sẽ khiến bạn lo lắng hơn. Bạn nên lên kế hoạch đến sớm ít nhất 20-30 phút trước giờ thi. Thí sinh có thói quen ôn lại bài bên ngoài phòng thi/trước giờ thi nhưng lại không biết việc nhồi nhét kiến thức vào phút cuối có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn.

Thay vào đó, thí sinh nên nghĩ về điều gì đó khiến bạn cảm thấy vui hay bình an. Sau đó, có thể tập suy nghĩ và nói bằng tiếng Anh trước kỳ thi. Bạn có thể nói chuyện với tất cả những người bạn gặp trong ngày thi bằng tiếng Anh để có một tâm lý sẵn sàng nhất.

Tiếp theo, bạn có thể mỉm cười và tạo không khí thân thiện ngay từ khi bước vào phòng thi.

Không hiểu tiêu chí chấm thi

Để có được kết quả mong muốn, điều cần thiết bạn cần phải hiểu rõ các yêu cầu của bài thi là gì.

Bài thi Speaking được chấm theo bốn tiêu chí:

Fluency and Coherence (Trôi chảy và mạch lạc): Bạn có khả năng nói lưu loát và duy trì độ dài câu trả lời trong một khoảng thời gian mà không cần dừng lại để nghĩ về từ vựng hay ngữ pháp không? (Tính trôi chảy)

Bạn có thể kết nối các ý tưởng trong bài thi và truyền đạt rõ ràng thông điệp đến người nghe hay không? (Tính mạch lạc)

Lexical Resource (Tài nguyên từ vựng): Có thể thể hiện phạm vi từ vựng được sử dụng chính xác và phù hợp với các câu hỏi?

Grammatical Range & Accuracy (Phạm vi ngữ pháp & Độ chính xác): Bạn có thể sử dụng nhiều loại câu và cấu trúc khác nhau mà không mắc lỗi?

Pronunciation (Cách phát âm): Bạn có thể phát âm các từ và câu mà bạn nói theo cách dễ hiểu và thể hiện nhận thức về cách phát âm của người bản ngữ?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trả lời sai câu hỏi

Để nói một cách mạch lạc, câu trả lời của bạn phải phù hợp với câu hỏi mà giám khảo đặt ra. Bạn cần lắng nghe cả thì động từ và chú ý liệu câu hỏi về bạn hay về mọi người nói chung. Hãy xem xét các ví dụ sau:

Thì động từ

Hãy nghe cẩn thận thì động từ được sử dụng trong câu hỏi và trả lời với cùng một câu.

Câu hỏi:

What city did you grow up in? (thì quá khứ)

Câu trả lời:

(1) I live in Hanoi…. (không chính xác, câu trả lời này dùng thì hiện tại)

(2) I was born in Hanoi and grew up there… (chính xác, câu trả lời này dùng thì quá khứ)

(3) Now, I live in Hanoi, and I also grew up in Hanoi…. (chính xác, câu trả lời này dùng thì quá khứ)

Câu trả lời đầu tiên không thể hiện được việc hiểu câu hỏi ban đầu (ngay cả khi anh ấy/cô ấy vẫn sống ở đó). So câu trả lời này với câu trả lời 3. Ở đây, thí sinh chứng minh rằng anh ấy/cô ấy biết câu hỏi là về quá khứ.

Phân biệt cá nhân với mọi người

Một số câu hỏi trong phần thi nói sẽ là về bạn (cá nhân). Những câu khác có thể sẽ hỏi về mọi người trong xã hội hoặc con người nói chung. Câu trả lời của bạn vì vậy vẫn phải thể hiện sự hiểu biết về ý nghĩa của câu hỏi.

Câu hỏi

What kinds of places do people in your country like to go in their free time? (Câu hỏi chung về mọi người)

Câu trả lời

(1) I like to go the café… (câu trả lời này không đúng vì hướng về cá nhân)

(2) Most people tend to go to cafés or restaurants….(câu trả lời này đúng hướng về mọi người)

(3) A lot of people such as myself enjoy going to cafés or restaurants….(câu trả lời này đúng hướng về mọi người)

Trong câu trả lời thứ ba, thí sinh có thể lấy chính mình làm ví dụ vì trước tiên thí sinh đã chỉ ra xu hướng chung của mọi người ở đất nước mình, đó là điểm chính của câu hỏi.

Trả lời trực tiếp câu hỏi

Một số thí sinh lầm tưởng khi nghĩ rằng họ cần giới thiệu mọi câu trả lời như thể họ đang đọc một bài phát biểu dài. Tuy nhiên, hầu hết các câu hỏi trong bài thi nói IELTS đều đơn giản và chỉ yêu cầu câu trả lời ngắn, đặc biệt là trong phần 1.

Việc giới thiệu dài để trả lời các loại câu hỏi này nghe có vẻ không tự nhiên. Hãy tham khảo câu trả lời sau đây như một ví dụ về những điều cần tránh.

Câu hỏi:

How do you usually communicate with your friends?

Trả lời:

In this modern world with the development of so many advanced technologies, there are a variety of options to choose for communicating. I usually use some apps on my phone such as Facebook or Twitter.

Trong trường hợp này, sẽ tốt hơn nếu thí sinh bắt đầu với câu thứ hai và mở rộng câu trả lời từ đó. Hơn nữa, nhiều thí sinh cố gắng học thuộc những câu này, vì vậy những gì họ nói không được tính vào điểm cuối cùng.

Lo lắng về ý tưởng

Chúng ta đều muốn đưa ra câu trả lời đúng, đặc biệt là trong các bài kiểm tra. Nhưng đối với bài thi IELTS Speaking, sự thật không có câu trả lời đúng hay sai. Như đã đề cập ở trên, bạn cần phải hiểu câu hỏi và nói đúng chủ đề, nhưng những gì bạn nói trong bài thi nói không quan trọng bằng cách bạn nói như thế nào. IELTS là bài kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh tiêu chuẩn của bạn để truyền đạt ý tưởng và quan điểm của mình.

Do đó, hãy nói một cách tự nhiên và thoải mái những gì bạn thực sự nghĩ mà không cần lo lắng về ý kiến của giám khảo. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và nói tốt hơn.

Hoàng Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/6-sai-lam-khi-thi-ielts-speaking-ma-ban-can-tranh-2112909.html