Những sai lầm khi lập nghiệp của người trẻ:Bài 2: Non kinh nghiệm nhưng muốn giàu nhanh

Thiếu kinh nghiệm, kiến thức lại không kiên trì… nhiều bạn trẻ đã phải nếm trải thất bại ngay sau khi khởi nghiệp. Thậm chí, một số người còn gánh trên vai số nợ rất lớn.

Nôn nóng nên thất bại

Nguyễn Mạnh Cường sinh ra và lớn lên ở một làng nghề ngoại thành Hà Nội. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Cường không thi đại học mà quyết định ở nhà làm kinh tế. Là người chăm chỉ, không ngại khổ nên bố mẹ đã tin tưởng đầu tư cho anh một xưởng sản xuất bao bì nhựa. Công việc kinh doanh của Cường bước đầu gặt hái được những thành công nho nhỏ. Đến năm 2007, qua một số bạn hàng mách bảo nhu cầu về các sản phẩm ly nhựa dùng trong thực phẩm, anh quyết định vay ngân hàng hơn một tỷ đồng để mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ cho việc sản xuất mặt hàng này.

“Ngựa non háu đá”, Cường vội vã mua thiết bị mà không tham vấn ý kiến những người có kinh nghiệm. Vì thế, dây chuyền máy móc anh nhập về gặp rất nhiều trục trặc, phải sửa chữa thường xuyên. Trong năm đầu tiên, cơ sở của Cường cũng không cho ra được sản phẩm nào.

“May mắn một năm sau đó, máy móc hoạt động ổn định, cơ sở của mình cũng cho ra được sản phẩm như ý. Năm 2009, việc làm ăn thuận lợi, sản xuất không kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng nên mình quyết định thành lập công ty. Vì vậy, mình vay thêm hai tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích nhà xưởng”, Cường kể.

Nếu như Cường tập trung vào việc kinh doanh sản phẩm từ nhựa thì mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp. Tuy nhiên, vì nôn nóng làm giàu, anh đã quyết định tham gia vào bất động sản khi không có một chút kiến thức nào trong lĩnh vực này. Tệ hơn, Cường lấy khoảng một tỷ đồng nguồn thu từ sản xuất của công ty và vay thêm hai tỷ đồng vốn ngắn hạn của ngân hàng với mục đính là làm vốn lưu động cho sản xuất nhưng thực tế lại dồn hết vào bất động sản.

Bước đầu, Cường cũng có lời từ bất động sản. Tuy nhiên, giá nhà đất bất ngờ lao dốc cùng với việc khách hàng hủy bỏ các đơn hàng sản xuất nhựa khiến Cường không biết giải quyết ra sao. Chỉ trong vòng một năm, công ty gần như rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng lên đỉnh điểm mà bất động sản lại đóng băng. Sau vài tháng cầm cự, nhà xưởng dừng hoạt động hoàn toàn khiến Cường rơi vào bế tắc vì không có nguồn thu nhập để bù đắp vào các khoản chi phí hàng tháng cũng như trả lãi ngân hàng. Chỉ trong vòng một năm, toàn bộ vốn lưu động cũng mất sạch. “Nhiều đêm liền mình thức trắng và cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghĩ tới những gì sắp phải đối mặt phía trước. Trong khoảng thời gian 3 tháng liền, mình sống khép kín và gần như không tiếp xúc với ai, chỉ ngồi ở nhà và ân hận vì sự nóng vội của bản thân”, Cường chia sẻ.

Thiếu chuẩn bị chu đáo

Giống như Cường, Thanh Đoàn cũng phải trả giá cho sự nóng vội, thiếu kiến thức của bản thân. Đoàn vốn kinh doanh mặt hàng quà tặng cho các doanh nghiệp. Hoạt động đã 3 năm nhưng doanh nghiệp không phát triển được, tháng có đơn hàng, tháng không. Nguyên nhân bởi Đoàn không biết tìm đối tác mới, trông chờ vào những khách hàng cũ nên bị họ ép giá. Số lượng đặt hàng lớn nhưng giá quá thấp khiến anh phải vay mượn tiền để sản xuất. Khách hàng lại nợ quá lâu khiến anh không còn lãi. Thậm chí càng kinh doanh anh càng đi vào ngõ cụt.

Đoàn tâm sự: “Mình không biết đâu là khách hàng chính cần hướng đến. Thậm chí mình nôn nóng, muốn làm ăn lớn, giàu nhanh nên gây ra nhiều tổn thất. Con số nợ mình phải gánh vác sau 5 năm khởi nghiệp đã gần 4 tỷ đồng”, Đoàn tâm sự.

Đoàn cho biết thêm, ngẫm nghĩ lại anh nhận thấy đã phạm quá nhiều sai lầm dẫn đến thất bại đau đớn. Anh có nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao làm giàu nhưng chừng đó không đủ để có thể dẫn đến thành công. Đoàn được ví như “một con ngựa non háu đá", muốn thể hiện bản thân trong khi chưa có kinh nghiệm và sự tỉnh táo để giải quyết công việc khi vấp phải khó khăn

Sau thời gian trốn tránh, Đoàn quyết định không để cho bản thân gục ngã bằng cách lấy lại sự bình tĩnh để đối mặt với thực tế. Trong đó, việc đầu tiên anh làm là lập kế hoạch khắc phục từng bước. Được sự hỗ trợ của bố mẹ, bạn bè, Đoàn gom tiền trả một phần nợ và giữ lại số vốn nhỏ để gây dựng lại từ đầu. Hiện anh vẫn vấp phải vô vàn khó khăn nhưng còn có hy vọng thay đổi cuộc sống.

Vấn đề đặt ra, không phải ai cũng có cơ hội làm lại sau những vấp ngã của bản thân như anh Đoàn. Bởi anh còn có sự hậu thuẫn từ gia đình và ý chí vươn lên. Vì vậy, bạn cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng về kiến thức, vốn và thái độ nghiêm túc trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Để khởi nghiệp thành công, ba trụ cột này gắn kết mật thiết với nhau như "kiềng ba chân". Trong đó, năng lực chuyên môn chỉ là một phần.

Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ

Anh Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Công nghệ Việt Nam (thương hiệu NHANONG24H) chia sẻ: “Ngoài yếu tố đam mê, ý chí kiên định, sự chuẩn bị kỹ càng, người khởi nghiệp phải vạch ra những ý tưởng, thực sự thấu hiểu thị trường; chuẩn bị kế hoạch để đối phó với những khó khăn và tận dụng tốt cơ hội xuất hiện tại các thời điểm. Đó là những điều cần có của bất kỳ nhà khởi nghiệp nào. Con đường khởi nghiệp gập ghềnh và đầy chông gai, chỉ có những tinh thần “dám nghĩ dám làm”, không quản ngại gian khó mới mong tìm đến đích thành công”.

Anh Hà Ngọc Anh, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Student Life Care, người khởi nghiệp thành công chỉ với 500 USD cho rằng, các bạn trẻ khởi nghiệp, trước tiên cần phải xác định được cho bản thân hình mẫu cụ thể muốn hướng đến. Muốn khởi nghiệp thành công các bạn phải có những điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần chính là phải có lửa quyết tâm, dù khó khăn cũng không bỏ cuộc. Điều kiện đủ là vốn, đội ngũ đồng hành và ý tưởng.

“Người trẻ rất giàu ý tưởng nhưng quan trọng nhất phải biết kiểm chứng chúng trong thực tế. Vì vậy, bạn phải làm ngay từ hôm nay để biết ý tưởng đó đúng hay sai. Nghĩ lớn, mơ lớn nhưng hãy làm từ những việc nhỏ, việc vừa sức để học được cách quản lý, marketing sản phẩm, phán đoán thị trường… Đó cũng sẽ là kinh nghiệm thực tiễn để bạn chinh phục những ngọn núi cao hơn trong tương lai. Mặt khác, các bạn trẻ nên tận dụng cơ hội tham gia các hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp để mở rộng kiến thức, tăng cơ hội giao lưu kết bạn và tìm kiếm đối tác”, anh Hà Ngọc Anh nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Anh Vũ - Nguyễn Dũng

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-non-kinh-nghiem-nhung-muon-giau-nhanh-d2060021.html