Những sai lầm khi đạp xe rèn luyện sức khỏe

Người mắc bệnh lý về tim mạch, cơ xương khớp nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương, mắc các bệnh lý về tiền đình, rối loạn tâm lý… thì cân nhắc chọn đi xe đạp để tập luyện.

Người mắc bệnh lý về tim mạch, cơ xương khớp nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương, mắc các bệnh lý về tiền đình, rối loạn tâm lý… thì cân nhắc chọn đi xe đạp để tập luyện (Ảnh minh họa)

Người mắc bệnh lý về tim mạch, cơ xương khớp nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương, mắc các bệnh lý về tiền đình, rối loạn tâm lý… thì cân nhắc chọn đi xe đạp để tập luyện (Ảnh minh họa)

Tại các thành phố lớn, ngày càng nhiều người chọn lựa môn thể thao đạp xe để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, đây không phải là môn thể thao an toàn nhất.

Chia sẻ với phóng viên,PGS.TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cho biết đối với môn xe đạp là môn sức bền giống như chạy bộ hoặc đi bộ, do đó nếu bạn lựa chọn tập môn xe đạp thì sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, bộ môn đạp xe cũng khiến người tập không bị cảm giác nhàm chán như chạy bộ hoặc đi bộ một mình.Tuy nhiên với bất kỳ bộ môn thể dục, thể thao nào cũng đều có những nguy cơ tiềm ẩn nếu người tập không chú ý.

Theo đó, các nguy cơ có thể xảy ra như: Chấn thương, tự ngã do địa hình đi xe đạp chưa phù hợp hoặc chấn thương do bên ngoài tác động vào (tai nạn giao thông) trong quá trình luyện tập…

“Thậm chí nếu tập trong thời gian tập dài, lượng vận động lớn thì người tập dễ bị kiệt sức. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các bệnh tim mạch, đột quỵ mà ở các VĐV thể thao đỉnh cao cũng hay gặp. Cho nên không thể nói tập xe đạp là môn thể dục an toàn nhất”, PGS. TS Võ Tường Kha cho hay.

Tại BV Thể thao Việt Nam, PGS. TS. BS Võ Tường Kha cho biết, hầu hết các môn thể thao chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư (người dân – PV) đều có bệnh nhân đến viện sơ cấp cứu. Trong đó ở môn xe đạp hay gặp các chấn thương cơ xương khớp, chấn thương từ bên ngoài, bệnh lý tim mạch, huyết áp…

Do đó, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, PGS. TS. BS Võ Tường Kha cho rằng người tập xe đạp cần phải kiểm tra sức khỏe, chọn loại xe phù hợp, chọn địa điểm đạp xe tránh chấn thương tác động ngoại lai, trang phục trong đó cần chú ý tới các dụng cụ bảo hộ như khuỷu tay, đầu, gối…

“Những người không nên lựa chọn môn thể thao đi xe đạp để tập luyện gồm: người mắc bệnh lý về tim mạch, cơ xương khớp nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương nặng…

Hoặc những trường hợp rách cơ, trật khớp… giai đoạn đầu của chấn thương thì không được đi xe đạp vội, chờ đến giai đoạn hồi phục thì mới có thể đi lại nhưng ở mức độ vừa phải với cường độ ít và thời gian ngắn.

Đặc biệt đi xe đạp là bộ môn thăng bằng do đó những người mắc các bệnh lý về tiền đình, rối loạn tâm lý như hay hoảng sợ đám đông, hay hoảng sợ độ cao thì cũng không nên tập môn thể thao này. Nếu vẫn muốn lựa chọn bộ môn này để rèn luyện sức khỏe thì cần phải điều trị ổn định mới có thể tập”, PGS. TS. BS Võ Tường Kha nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để đạp xe đúng cách và đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn cần tuân thủ những điều sau:

Cung cấp năng lượng trước khi tập. Điều này giúp cơ thể không bị đói mệt khi trong khi đạp xe bạn nên ăn nhẹ trước khi tập khoảng 1 – 2 tiếng. Bạn cũng có thể dùng thêm một ly sữa hoặc ly nước hoa quả để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Khởi động kỹ trước khi đạp xe. Khởi động là điều mà bất kỳ ai cũng cần phải thực hiện. Trước tập luyện, bạn nên tập luyện một vài động tác khởi động trước như: Xoay cổ chân cổ tay, bật nhảy tại chỗ, chạy bộ… Các bài tập khởi động sẽ giúp bạn tránh bị căng cơ, chuột rút, chấn thương… khi đạp xe.

Mặc quần áo thoải mái khi đạp xe. Dù là tập luyện môn thể thao nào cũng vậy, không chỉ riêng việc đạp xe. Quần áo quá rộng cũng là điều không nên. Bởi như vậy sẽ khiến việc bị cản trở và gây khó khăn khi tập. Nhưng cũng không phải vì thế, mà bạn mặc những bộ đồ bó sát người..

Vì thế, những bộ quần áo để đi tập nên là những bộ đồ dễ co giãn, thấm mồ hôi. Hoặc những bộ quần áo có độ rộng vừa phải. Khi luyện tập xong nên giặt luôn, tránh tình trạng vi khuẩn gây hại cho cơ thể.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Khi đạp xe hay tập luyện bắt cứ môn thể thao nào thì việc cung cấp nước trước, trong và sau khi tập là điều hết sức cần thiết. Lượng mồ hồi tiết ra khi tập luyện là khá lớn, nên nguy cơ thiếu nước trong cơ thể người tập là rất cao. Bạn cần bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết khi cơ thể khát nước.

Điều cuối cùng, theo PGS, TS. BS Võ Tường Kha nhắn nhủ tới những người lựa chọn một môn thể thao nói chung và đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe nói riêng là cần phải luôn luôn lắng nghe cơ thể. Nếu có dấu hiệu bất thường phải được tham vấn của bác sĩ, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/nhung-tai-nan-co-the-xay-ra-khi-chon-di-xe-dap-de-ren-luyen-the-thao-275838.html