Những sai lầm khi ăn đồ Nhật

Biết cách dùng đũa vẫn là chưa đủ để bạn trở thành một người sành ăn đồ Nhật. Các đầu bếp Nhật hàng đầu chỉ ra rằng còn có nhiều điều hơn thế.

Nhúng nigiri trong nước tương: Mark Edwards - bếp trưởng của Nobu London và Nobu Berkely cho biết: “Mọi người thường vô tình làm giảm đi độ tươi ngon của cá sống bằng cách nhúng ngập sushi trong xì dầu”. Và cách để tránh thói quen này là “hạn chế nhúng phần cơm vào nước chấm mà chỉ nên nhúng nhẹ phần cá”. Ảnh: Istock.

Thêm gừng lên sushi: Theo Mark Edwards, gừng có vai trò là chất tẩy mùi cho vòm miệng trước khi ta thưởng thức món mới và được ăn xen kẽ giữa các món khác nhau chứ không phải ăn kèm với sushi. Đầu bếp Nobu Matsuhisa của Nobu Shorditch đồng quan điểm: "Sau khi ăn sushi cá ngừ và muốn ăn sushi cá hồi, một lát gừng sẽ giúp bạn làm sạch miệng để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món tiếp theo”. Ảnh: The Inquisitive Eater.

Cố gắng lịch sự khi ăn ramen: Đừng quá bận tâm đến việc phải tỏ ra lịch sự và làm những việc không cần thiết như cố gắng xắt mì thành những sợi nhỏ khi bạn ăn món này. Shane Zhao - bếp trưởng của nhà hàng Issho ở Leeds chia sẻ: "Ăn ramen đúng nghĩa là phải húp xì xụp. Đó là cách bạn tỏ lòng cám ơn đến đầu bếp và giúp mình không bị bỏng lưỡi khi mì còn đang nóng”. Ảnh: A Taste of Koko.

Ngâm matcha trong nước sôi: James Shillcock - người sáng lập của Vivid Matcha Green Tea cho biết: "Đừng bao giờ đổ nước sôi vào matcha, nó sẽ tạo ra vị đắng”. Ảnh: Vogue.

Uống sake khi dùng các món cơm: "Theo truyền thống, chúng ta không nên dùng chung rượu với các món cơm, vì vốn dĩ rượu đã được làm từ gạo" - Zhao nói. Ảnh: Suwine.

Dùng quá nhiều nước tương: "Nước tương nên được sử dụng vừa phải, bạn chỉ nên đổ ra chén đủ lượng mình cần dùng" - Zhao khuyên. Ảnh: Askwallpapers.

Trộn wasabi với nước tương: Trộn wasabi vào nước tương sẽ làm giảm cảm giác ngon miệng của bạn về món ăn. Nobu Shoreditch giải thích: "Natri trong nước tương và các hoạt chất trong wasabi sẽ khiến mùi vị tinh tế của sushi bị lấn át". Ảnh: Next Shark.

Ăn sushi lạnh: Andrew Kojima - đầu bếp người Nhật Bản - vốn là thí sinh chung kết Masterchef cho biết: "Cơm sushi đúng nghĩa phải mềm, ấm và tươi chứ không phải đông lạnh và khô cứng”. Ảnh: Wikimedia Commons.

Loại bỏ phần trang trí: Củ cải trắng hay lá tía tô xuất hiện trên món ăn không phải chỉ để cho đẹp. Kojima cho biết: "Chúng có hương vị tuyệt vời và hỗ trợ tiêu hóa các loại cá dầu như cá hồi, cá ngừ và cá thu". Ảnh: Fresh Origins.

Đông lạnh dashi: Dashi - nước dùng chuyên sử dụng cho súp miso - không nên tích trữ lâu ngày trong tủ lạnh. Bởi theo Kojima, như vậy sẽ làm mất đi phần nào đó độ thơm ngon vốn có của dashi. Và quan trọng nhất, nó không khác nào việc chúng ta đem đông lạnh trà. Ảnh: Whast4Eats.

Tự rót sake: Ken Ohashi - chuyên gia về rượu tại International Wine Challenge Sake nhấn mạnh: "Tuyệt đối không tự rót rượu cho mình. Bạn nên rót cho người khác trước và đến lượt, họ sẽ rót lại cho bạn. Phong tục này của Nhật Bản mang lại cảm giác đặc biệt và gần gũi cho những người ngồi cùng bàn với nhau”. Ảnh: DeepJapan.

Làm nóng mọi loại sake: Ohashi chia sẻ: "Nhiều người nghĩ rằng làm nóng sake sẽ mang lại hương vị hoàn hảo, tuy nhiên những loại sake chất lượng cao như junmai daiginjo thì lại ngon hơn khi được ướp lạnh một chút”. Ảnh: Pheuron Tay.

Ngọc Diệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-sai-lam-khi-an-do-nhat-post792356.html