Những sai lầm ai cũng mắc khiến cho hàm răng ngày càng ố vàng, hư tổn trầm trọng

Không phải lười đánh răng và dùng chỉ nha khoa mới khiến cho răng bạn bị hư tổn mà theo tiến sĩ nha khoa Tariq Idrees tại Anh cho biết có nhiều người đang vô tình phá hủy răng thông qua những thói quen hằng ngày dưới đây.

1. Ăn vặt liên tục

Trong lúc ăn vặt, bạn có biết rằng lượng nước bọt miệng tiết ra sẽ ít hơn trong bữa ăn chính, dẫn đến sự lưu lại của các mảnh vụn thức ăn kẹt trong răng nhiều giờ đồng hồ. Ăn vặt liên tục cả ngày, đặc biệt là các loại thực phẩm và thức uống có đường, sẽ làm bạn có nguy cơ bị sâu răng cao hơn. Khi bạn ăn, các vi khuẩn gây sâu răng sẽ phân hủy các thức ăn thừa, tạo ra một loại axit tấn công lớp vỏ ngoài của răng bạn.

2. Uống nước quá nóng

Uống nước, trà, cafe… khi ở nhiệt độ quá nóng (nhất là khi trời lạnh để làm ấm cơ thể) hoặc nhai đá đều có thể làm tổn hại đến răng. Theo như nhận định của tiến sĩ Stephen Pitt (chuyên gia về răng miệng ở quận Essex, Anh) thì thói quen này rất dễ làm hình thành các vết nứt nhỏ trên bề mặt răng. Theo thời gian, các vết nứt sẽ sâu dần, làm tổn thương men răng, khiến răng bị yếu hơn, rất dễ bị các vi khuẩn xâm nhập hình thành nên các vết sâu, viêm và các bệnh về răng miệng khác.

3. Súc miệng quá mạnh khi đánh răng

Theo như Bác sĩ nha Khoa Phil Stemmer (London, Anh) thì nếu bạn súc miệng quá mạnh trong khi đánh răng thì các chất flouride có trong kem đánh răng sẽ không thể phát huy hết tác dụng của nó. Thế nên hãy cố gắng nhẹ nhàng thôi nhé!

4. Để miệng khô

Do ít uống nước hoặc dùng một số loại thuốc gây khô miệng. Nếu không có đủ nước bọt để trung hòa axit, bạn dễ bị sâu răng hơn. Các thuốc gây khô miệng bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi và thuốc giảm đau… mức độ gây khô miệng phụ thuộc vào lượng thuốc bạn uống.

5. Hút thuốc

Thuốc lá làm răng bị ố vàng và khiến chúng dễ gãy do bệnh nướu răng gây ra. Thuốc lá cũng có thể gây ung thư miệng, môi và lưỡi. Vì vậy, cách tốt nhất để có hơi thở thơm tho và nụ cười tỏa sáng thì hãy bỏ thuốc ngay từ bây giờ.

6. Bơi trong hồ

Bơi trong hồ bơi thường xuyên có thể làm hại cho răng. Giáo sư Damien Walmsley thuộc Hiệp hội Nha khoa Anh cho biết, chất clo trong bể bơi có thể khiến răng bị xói mòn, làm mất các mô cứng ở bề mặt, khiến răng đổi màu và mẫn cảm. Vì thế, các chuyên gia khuyên sau khi bơi, bạn nên đánh răng hoặc súc miệng.

7. Ngậm thuốc

Có không ít người vì đau răng mà ngậm thuốc ngay ở chỗ răng đau nhưng cách giảm đau này thực vô cùng tai hại. Theo tiến sĩ Cascais Rini thì phương pháp giảm đau này chỉ có tác dụng tạm thời, còn về lâu dài sẽ khiến các mô trong khoang miệng của bạn bị tổn thương, gây nên các bệnh như viêm lợi, nhiệt,… trong khi nguyên nhân gây ra đau răng lại không giải quyết được.

8. Sử dụng răng để làm các công việc lặt vặt

Rất nhiều người sử dụng hàm răng làm công cụ cho những việc như cắn chỉ, xé quần áo, mở một gói khoai tây chiên, gỡ nắp chai, kéo nút xoay đồng hồ… có thể gây tổn hại răng, làm răng suy yếu hoặc thậm chí bị rụng răng. Nên sử dụng những dụng cụ tiện lợi để thực hiện các công việc này, vừa giúp tránh mất vệ sinh vừa duy trì sức khỏe răng miệng.

9. Cắn móng tay

Hành động này không chỉ có hại cho móng mà còn có hại cho răng của bạn. Nó có thể gây vỡ hay sứt mẻ răng và sau đó tạo cơ hội cho vi khuẩn từ bên dưới móng tay tấn công vào miệng và gây ra sâu răng hoặc nhiễm trùng nướu răng.

10. Nghiến răng

Tật nghiến răng có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về răng bao gồm đau răng, sứt mẻ, lung lay răng. Nó cũng có thể gây đau ở các khớp xương hàm, nhức đầu và đau răng nghiêm trọng.

11. Không khám răng định kỳ

Thông thường, các vấn đề răng miệng như sâu răng phát triển khá chậm. Nhưng nếu không phát hiện sớm, sau 1 năm hoặc hơn, chúng sẽ trở nên nghiêm trọng, khó điều trị. Vì vậy, bạn cần tuân thủ lịch khám răng định kỳ 6 tháng một lần để có được hàm răng chắc khỏe, sáng bóng nhé.

Theo Hạnh Nguyên/Bestie/Thể thao văn hóa

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/nhung-sai-lam-ai-cung-mac-khien-cho-ham-rang-ngay-cang-o-vang-hu-ton-tram-trong-c2a137305.html