Những sắc xuân nồng nàn vượt thời gian

Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Lấp lánh “Ngôi sao không tên”

(HNMCT) - Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) có thói quen thiền trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kể cả những khi bạn bè vây quanh trò chuyện ồn ào, ông vẫn lắng nghe nhưng thường im lặng. Sau đó ông chỉ nói bằng cây đàn và cất tiếng hát. Và khi mọi người bị hút về những chùm âm thanh buồn bã và ám ảnh, ông mới mỉm cười như một sự giải thoát tâm hồn. Ngay cả những giai điệu về mùa xuân quen thuộc của Trịnh Công Sơn, người nghe cũng nhận thấy trong đó là nỗi niềm trăn trở, chia xa. Dù vậy, màu sắc mùa xuân trong nhạc Trịnh luôn ấm áp và gợi cảm tin yêu, hy vọng.

Bắt đầu từ tổ khúc Dã tràng ca nhạc sĩ viết trong năm 1962, có những giai điệu xuân và lời ca chan chứa tình yêu cuộc sống. Đây là thời kỳ Trịnh Công Sơn học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Ông cùng bạn bè thành lập ban nhạc và kiêm sáng tác. Ban nhạc đã biểu diễn Dã tràng ca của ông. Không còn là thời Ướt mi hay Diễm xưa nữa mà nhạc sĩ đã bắt đầu suy tư đến thân phận con người. Ở tuổi ngoài 20, Trịnh Công Sơn bắt đầu có cách nhìn cuộc đời khác lạ. Mùa xuân trong lời ca đã thể hiện một cuộc đi tìm mình trước ngưỡng cửa cuộc đời: “Khi chim én bay vào mùa xuân/ mình tôi đi/ triền núi đến/ tôi xe cát nghe thân lưu đầy” (Dã tràng ca 1). Hoặc có khi nhạc sĩ cất tiếng gọi chính mình với những bâng khuâng hụt hẫng: “Xuân hạ thu đông bốn mùa làm tóc trắng/ Tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn…/ Xuân hạ thu đông theo gót chân hờ…” (Dã tràng ca 2).

Và cuộc đi tìm mình đó, Trịnh Công Sơn bất ngờ có một tình yêu. Một tình yêu không xa cách như Diễm, như Dao Ánh mà rất gần gũi. Nhưng rồi mùa xuân lại trở thành dĩ vãng chia xa. Đó là tình yêu với ca sĩ Bích Khê, một sinh viên cùng trường và cùng trong ban nhạc. Trịnh Công Sơn thầm lặng yêu và ca hát về cuộc tình của riêng mình. Nhưng khi tình yêu gần tới thì Bích Khê phải theo gia đình đi đến phương trời khác. Ca khúc Biển nhớ ra đời đúng trong đêm chia tay người yêu. Ca khúc sáng tác ngay trên biển vắng và có Bích Khê ngồi bên. Nhạc sĩ cất tiếng hát buồn bã: “Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn vàng/ Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương”. Một bóng xuân trong veo cho cuộc tình thơ mộng thuở sinh viên.

Sau đó, Trịnh Công Sơn còn có những bóng hồng khác làm xao động trái tim mình. Thời kỳ sống ở Huế sau này ông có si mê một cô gái tên Hoa. Nhưng bản tính vốn dịu dàng và rụt rè, ông đi gặp người mình yêu cũng phải nhờ bạn đi cùng cho đỡ run. Thế rồi trong một lần bị người đẹp bóng gió từ chối, dọc đường thì Trịnh Công Sơn nảy ra giai điệu Hoa xuân ca. Người bạn còng lưng để Trịnh Công Sơn kê giấy viết ra những ca từ bất ngờ ập đến: “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa/ Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én/ Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình”. Ca khúc có những lời đầy tâm trạng những không hề oán than, bi ai: “Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa/ Em mướt xanh như ngọc mà tôi đâu có ngờ”. Có lần bị bạn chọc là kẻ si tình, Trịnh Công Sơn cười rồi nói: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Có lẽ thế chăng bởi không ít người nghe những tình ca của Trịnh đều thấy trong đó tâm trạng của đời mình.

Trong chuyện tình của Trịnh Công Sơn với người mẫu P.V.A, ngỡ như mùa xuân tình yêu sẽ tràn ngập trong ngôi nhà hạnh phúc. Cả hai đã chuẩn bị đám cưới rất chu đáo. Bỗng một điều bí ẩn gì đó ập đến khiến chính Trịnh Công Sơn từ chối hôn nhân. Thời kỳ này chùm ca khúc Gần như niệm tuyệt vọng, Gọi tên bốn mùa và Tôi ơi đừng tuyệt vọng đến với công chúng với những ca từ thật da diết và lay động trái tim: “Rồi mùa xuân không về/ Mùa thu cũng ra đi/ Mùa đông vời vợi/ Mùa hạ khói mây”, và ông cất lời xót xa: “Ôi tóc em dài đêm thần thoại/ Vùng tương lai chợt xa xôi/ Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người” (Gọi tên bốn mùa). Dẫu vậy nhạc sĩ vẫn có những niềm an ủi: “Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng/ Trong xuân thì thấy bóng trăm năm” (Gần như niềm tuyệt vọng). Nhưng rồi cuối cùng người nghệ sĩ đã vượt lên với những giai điệu khắc khoải của mình với tâm trạng bay bổng và trong sáng: “Tôi là ai, là ai, là ai?/ Mà yêu quá đời này/ Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…”.

Chẳng cứ vướng bận những cuộc tình mới khiến Trịnh Công Sơn mộng mị với mùa xuân, mà trong nhiều ca khúc khác ông vẫn tạo được những hình tượng mùa xuân rất sáng láng mơ mộng như: “Mùa xuân quá vội/ Mười năm tắm gội/ Giật mình ôi chiếc lá thu phai” (Chiếc lá thu phai). Hoặc nỗi niềm được tâm sự cùng bạn bè về sự thiếu vắng tình yêu: “Em đã đi đời có đâu ngờ/ Mang trái tim mùa xuân héo khô” (Còn ai với ai). Đáng chú ý, còn một số ca khúc mà Trịnh Công Sơn dan díu với tình xuân nhưng với tâm trạng vui buồn lẫn lộn như: Góp lá mùa xuân, Môi hồng đào, Người về bỗng nhớ, Ru em từng ngón xuân nồng, Rừng xưa đã khép, Vẫn có em bên đời, Bông hồng nhỏ... Một số tình khúc này được viết cho phim truyện. Chúng độc lập như một ca khúc riêng biệt, đi sâu vào đời sống âm nhạc và trở thành những tác phẩm hay.

Hơn nữa lời ca trong những ca khúc xuân của Trịnh Công Sơn đều gây ấn tượng, khắc họa lên những hình ảnh mùa xuân đẫm chất thơ. Ta có thể nghe hai tình khúc ru của ông với sự rung cảm nồng nàn: “Tôi ru em ngủ/ Một sớm mùa xuân/ Em hôn một nụ hồng/ Hỏi thăm giọt nắng”, hay “Nghe tình chợt buồn/ Trong lá xôn xao/ Để mùa xuân sau/ Mua riêng tình sầu” (Tôi ru em ngủ). Còn mùa xuân trong Ru em từng ngón xuân nồng lại càng siêu thực hơn: “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng. Bàn tay em năm ngón tay anh ru ngàn năm”.

Đặc biệt với tổ khúc Đóa hoa vô thường thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại khắc họa hình ảnh mùa xuân huyền ảo hơn cả. Đây có thể nói là trường ca thứ hai của ông sau Dã tràng ca. Tuy nhiên mùa xuân trong Đóa hoa vô thường hiển hiện bay bổng lãng mạn hơn. Đóa hoa vô thường có một mùa xuân riêng cho mình thông qua tâm trạng xao xuyến và tràn đầy tình yêu. Lời bài hát này rất siêu thực, điển hình cho phong cách sáng tác của Trịnh Công Sơn. Những hình ảnh thực và ảo đan xen thể hiện một nhịp điệu đặc sắc. Hãy lắng nghe hình ảnh mùa xuân cất tiếng: “Mùa xuân trên những mái nhà/ Có con chim hót tên là ái - ân”, hoặc mộng mị với: “Sen hồng một độ/ Em hồng một thuở xuân xanh/ Sen buồn một mình/ Em buồn đến trọn mối tình”.

Đây cũng là một tình khúc khó hát. Lần đầu tiên ca sĩ Khánh Ly biểu diễn đã đem lại cảm xúc đê mê cho người nghe. Sau đó hàng chục năm ít người hát lại mà chỉ đến khi ca sĩ Hồng Nhung thử sức mình sau những năm tháng hát ca khúc Trịnh Công Sơn thì Đóa hoa vô thường mới tái hiện. Đúng như nhạc sĩ họ Trịnh sinh thời đã nhận xét: “Hồng Nhung hát nhạc Trịnh với tinh thần thời đại và làm mới được những ca khúc mà Khánh Ly đã trình bày”. Quả nhiên Hồng Nhung hát Đóa hoa vô thường không có nét liêu trai, ma mị như Khánh Ly nhưng lại da diết tươi sáng và mơ mộng. Đó chính là sự khép lại một chặng đường dài mà nhạc Trịnh với những sắc xuân nồng nàn vượt thời gian. Giai điệu về mùa xuân của Trịnh Công Sơn đến với người nghe luôn ấm áp và dịu dàng đúng như tâm hồn ông. Đó là sự hiến dâng cho người nghe một tình yêu, yêu đời, yêu mình, với bao la niềm vui.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/956140/nhung-sac-xuan-nong-nan-vuot-thoi-gian