Những quyết sách quan trọng cho đổi mới giáo dục

Giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Đây là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng trong nhiều kỳ đại hội. Tại Quảng Ninh, nhiều chính sách quan trọng được ban hành đã góp phần tạo nên đột phá trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của các vùng miền trong tỉnh.

Bữa ăn trưa của các bé Trường Mầm non Phong Dụ (huyện Tiên Yên), tháng 4/2021.

Bữa ăn trưa của các bé Trường Mầm non Phong Dụ (huyện Tiên Yên), tháng 4/2021.

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù

Tới Trường Mầm non Đồng Văn (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), chúng tôi cảm nhận được rất nhiều sự đổi thay của ngôi trường vùng cao, biên giới này. Khuôn viên nhà trường khang trang hơn, các lớp học rộng rãi, sạch sẽ. Khu vực ăn uống của trẻ được bố trí riêng biệt với lớp học, đảm bảo yếu tố thoáng đãng, hợp vệ sinh.

Cô giáo Sái Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Văn, cho hay: Khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cụ thể là hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ, kinh phí chi cho nhân viên nấu ăn, thì các bữa ăn cho trẻ tại trường đảm bảo thơm ngon, đầy đủ chất hơn. Tỷ lệ trẻ ra lớp tại trường cao hơn, ổn định hơn. Năm học 2020-2021, tỷ lệ trẻ nhóm nhà trẻ ra lớp đạt 52,5%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%.

Nhờ có Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, các bé Trường Mầm non Đồng Văn (huyện Bình Liêu), được hỗ trợ tiền ăn trưa 149.000 đồng/tháng (thời gian 9 tháng/năm). Ảnh chụp tháng 4/2021.

Trường Mầm non Đồng Văn hiện có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ. Các điểm trường lẻ cách điểm trường chính và trung tâm xã từ 3-12km. Trường nằm ở địa bàn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 97%, nhà dân sống rải rác, không tập trung, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. "Trước đây, ở những điểm lẻ, khi chưa được tỉnh hỗ trợ tiền ăn và chưa có nhân viên cấp dưỡng, hầu hết trẻ đều được bố mẹ trang bị cặp lồng cơm mang đến trường. Bữa cơm khi ấy không được nóng và cũng không đầy đủ chất dinh dưỡng, vì nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn" - Cô giáo Thủy kể thêm.

Giai đoạn 2015-2020, HĐND tỉnh đã ban hành 7 nghị quyết cho Trường Đại học Hạ Long. Ảnh chụp một tiết học của sinh viên Trường Đại học Hạ Long năm 2020.

Thực hiện Nghị quyết số 204, tính riêng 9 tháng của năm học này, toàn trường có 266 trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa với số tiền 149.000 đồng/trẻ/tháng. Để phục vụ cho công tác bán trú, 8 nhân viên cấp dưỡng của trường cũng được hỗ trợ số tiền 2.980.000 đồng/người/tháng. Chị Trần Thị Hải, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Đồng Văn, tâm sự: Tôi rất yên tâm khi cho con tới trường. Gia đình tôi đi làm rừng nên kinh tế cũng hạn hẹp. Sự hỗ trợ của tỉnh đã mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, giảm bớt khó khăn cho phụ huynh chúng tôi.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết số 204 được thay thế cho 8 nghị quyết trước đó hỗ trợ trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Nghị quyết đã hỗ trợ 22.482 đối tượng thụ hưởng, tổng kinh phí trên 57 tỷ đồng. Chính sách là điều kiện cần thiết để duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, cấp tiểu học, THCS và nâng cao chất lượng sức khỏe trẻ, giảm đáng kể tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, lưu ban, bỏ học.

Cùng với Nghị quyết số 204, HĐND tỉnh đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng cho giáo dục và đào tạo. Nổi bật là nhóm chính sách thu hút đối với sinh viên, giảng viên học tập và làm việc tại Trường Đại học Hạ Long. Giai đoạn 2015-2020, HĐND tỉnh đã ban hành 7 nghị quyết, trong đó 2 nghị quyết còn hiệu lực. Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, chia sẻ: Nhờ có những chính sách này, trường đã vượt qua khó khăn trong những năm đầu mới thành lập. Chỉ tiêu tuyển sinh luôn đảm bảo, các ngành đào tạo được mở mới đúng theo lộ trình của Đề án thành lập trường, chất lượng đào tạo được cải thiện hằng năm.

Các thí sinh dự thi tại Hội đồng thi THPT Chuyên Hạ Long năm học 2020-2021, tháng 6/2020.

Đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục, tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá, như: Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND ngày 9/12/2011 của HĐND tỉnh về việc quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải; Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về việc quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Hay như Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2020-2021. Triển khai Nghị quyết này, đến nay, toàn tỉnh đã có 4.580 lượt học sinh và giáo viên được thụ hưởng chính sách, tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng.

Mở rộng các chính sách của Trung ương

Những năm qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo. Ngân sách chi lĩnh vực này hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 toàn tỉnh có 220 học sinh đạt điểm giỏi vào hệ chính quy các trường đại học. Năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp trong toàn tỉnh đạt 99,90%. Phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 1. Xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 1.

Tiết học của học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long, tháng 4/2021.

Có được những kết quả trên là nhờ trong suốt quá trình phát triển, các chính sách đặc thù của tỉnh được xây dựng trên cơ sở mở rộng các chính sách của Trung ương. Trong đó chủ yếu mở rộng đối tượng thụ hưởng và mức hỗ trợ được vận dụng bằng với mức quy định của Trung ương.

Từ năm 2009 đến tháng 6/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành 17 nghị quyết về hỗ trợ các đối tượng là giảng viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Trong đó có 8 chính sách đặc thù cho giáo dục vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long) học thể dục ngoài sân trường.

Bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách vượt trội, tỉnh tích cực đổi mới căn bản, toàn diện cho giáo dục và đào tạo, thực hiện hiệu quả việc thay sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song giáo dục của Quảng Ninh vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Đặc biệt, văn bản của Trung ương quy định vùng đặc biệt khó khăn thay đổi theo từng giai đoạn, từng năm, nên trong quá trình tuyên truyền, thực hiện chế độ chính sách còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực khiến một số chính sách khi triển khai thực hiện không còn phù hợp.

Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2021-2025, ngành tiếp tục chủ động tham mưu tỉnh xây dựng các chính sách mới thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhất là quy định về cơ chế thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh; chính sách quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải và giáo viên dạy học sinh đoạt giải trong một số kỳ thi, cuộc thi từ năm học 2020- 2021…

Phụ huynh Trường Tiểu học Phong Dụ (huyện Tiên Yên) nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập cho con theo Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND, tháng 4/2021.

Với sự quan tâm của tỉnh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể mới, sẽ giúp ngành Giáo dục tiếp tục đạt những thành tựu mới.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202105/nhung-quyet-sach-quan-trong-cho-doi-moi-giao-duc-2532458/