Những quyết định 'kỳ lạ' khi thực hiện dự án

Như Báo Thanh tra đã phản ánh, để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung, ngày 18/10/2011, UBND huyện Nho Quan có Quyết định số 752/QĐ-UBND về việc bổ sung kinh phí cho dự án, từ 226,7 tỷ đồng vọt lên hơn 675 tỷ đồng.

Hồ Thường Xung không thể hàn khẩu tích nước vì còn 18 hộ dân trong lòng hồ. Ảnh: ND

Vì lý do cạn vốn, đến ngày 1/12/2016, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 1628 về phê duyệt quyết toán hồ Thường Xung là hơn 316 tỷ đồng và còn nợ phải trả gần 29 tỷ đồng. Dự án đang tạm dừng từ thời điểm đó.

Đến ngày 22/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành Kết luận thanh tra số 7729/BKHĐT-TTr thanh tra việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư; quá trình thực hiện dự án; việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn 2014-2015 tại tỉnh Ninh Bình.

Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì tổ chức kiểm điểm, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, vi phạm, đồng thời chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: Tiến hành kiểm tra thực tế và đánh giá hiệu quả việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung, huyện Nho Quan để có phương án xử lý, tránh gây lãng phí vốn đầu tư công.

Nhiều quyết định “kỳ lạ”

Tại Quyết định 1628 về phê duyệt quyết toán hồ Thường Xung là hơn 316 tỷ đồng của UBND tỉnh Ninh Bình thì số tiền chi phí xây dựng và thiết bị đã chi trả cho nhà thầu là hơn 239 tỷ đồng, chi phí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) là hơn 53 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 5303 ngày 17/8/2015 của UBND huyện Nho Quan về việc giải quyết đơn thư của công dân đã cho biết: Thực hiện Quyết định số 580 ngày 18/3/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung, ngày 8/9/2009, UBND huyện Nho Quan đã ban hành Công văn số 574 về việc GPMB, triển khai thi công, trong đó chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã thực hiện quy trình GPMB và tổ chức tuyên truyền đến người dân để thu hồi đất thực hiện dự án.

Ngày 1/4/2011, hội đồng đền bù GPMB huyện đã tổ chức họp các hộ dân thôn Đồng Bót, xã Cúc Phương có đất phải thu hồi để thông báo các nội dung về quy mô thực hiện dự án và các chế độ, chính sách của Nhà nước khi thực hiện GPMB với đầy đủ các thành phần từ huyện, xã, các hộ dân.

Tuy nhiên, tại thời điểm này các hộ dân tại thôn Đồng Bót, xã Cúc Phương chưa có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Ninh Bình (năm 2013, UBND tỉnh mới có Quyết định số 14 để thu hồi tại đây). Như vậy, huyện Nho Quan “cầm đèn chạy trước ô tô” đã đi tiến hành thông báo, kiểm kê họp dân thu hồi đất, lên phương án đền bù trong khi tỉnh Ninh Bình chưa ra quyết định thu hồi.

Việc làm này của UBND huyện Nho Quan đã khiến người dân khiếu kiện kéo dài từ đó đến giờ. Việc khiếu kiện này là có cơ sở, vì người dân đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật cũng như các quy định của Nhà nước khi mà UBND huyện Nho Quan tiến hành các bước thu hồi đất của họ. Phần sai ở đây thuộc về UBND huyện Nho Quan.

Trước những việc làm sai trái của cán bộ huyện Nho Quan, công dân đã có phản ánh và tại Thông báo số 82 ngày 3/6/2014 của UBND huyện Nho Quan về kết quả giải quyết đơn đề nghị, phản ánh của công dân đã nêu: Việc UBND huyện Nho Quan ban hành Quyết định số 483 ngày 20/3/2013 phê duyệt dự toán bổ sung bồi thường, hỗ trợ GPMB, công cải tạo đất cho 4 hộ gia đình tại xã Văn Phú khi thực hiện GPMB của dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo hồ Thường Xung, với số tiền hơn 406 triệu đồng vì các hộ này không trực tiếp khai hoang, cải tạo đất đai. Qua xem xét, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 305 ngày 25/2/2014 về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 483. Đồng thời, đã và đang chỉ đạo xem xét xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc tham mưu giúp UBND huyện Nho Quan ban hành Quyết định số 483.

Nhưng “kỳ lạ” ở chỗ, Quyết định 483 được hội đồng đền bù GPMB trình ngày 20/3/2013, ngay ngày hôm đó đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt dự toán bổ sung bồi thường, hỗ trợ với số tiền hơn 406 triệu đồng cho 4 hộ dân tại xã Văn Phú, nhưng thực tế không có hộ dân nào được nhận số tiền này. Và quyết định này là dựa trên đề nghị của hội đồng đền bù GPMB huyện.

Khi người dân phát hiện vụ việc đã phản ánh, và gần 1 năm sau, ngày 25/12/2014, cũng vẫn với đề nghị của hội đồng đền bù GPMB huyện, Chủ tịch UBND huyện đã ký Quyết định số 305 để thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 483 nhưng không nêu được lý do “hủy bỏ”?

Thêm nữa, ngày 9/1/2013, UBND tỉnh Ninh Bình mới có Quyết định số 14 do ông Đinh Văn Điến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký về thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung, huyện Nho Quan.

Quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình quá sơ sài, không đúng thể thức. Ảnh: ND

Nhưng từ năm 2011, UBND huyện Nho Quan đã thực hiện việc thông báo, kiểm đếm, họp dân để tiến hành việc đền bù GPMB cũng như phê duyệt phương án và số tiền thực hiện đầy đủ. Vậy, câu hỏi đặt ra là UBND huyện Nho Quan căn cứ vào đâu để thực hiện việc này? Trong khi chính Quyết định số 14 kia cũng rất sơ sài, không đúng thể thức trình bày văn bản!

Với những sai phạm không hề nhỏ, nhưng UBND huyện Nho Quan mới chỉ tổ chức hội nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm 4 tập thể (lãnh đạo UBND huyện; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi huyện; Phòng Công thương; Hội đồng đền bù GPMB huyện) và 3 cá nhân (ông Lê Tiến Lực, Chủ tịch UBND huyện; ông Mai Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi huyện và ông Vũ Quý Dương, Phó phòng Công thương là người trực tiếp theo dõi dự án) có liên quan đến công tác lãnh đạo và thực hiện chuyên môn trong quá trình triển khai dự án, chứ chưa hề có ai bị xử lý trách nhiệm, trong khi người dân vẫn đang khiếu kiện kéo dài.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/nhung-quyet-dinh-ky-la-khi-thuc-hien-du-an_t114c39n139127