Những quyền lợi của người lao động khi bị cách ly vì dịch Covid-19

Bên cạnh những mối lo về sức khỏe thì quyền lợi của người lao động khi bị cách ly trong đợt dịch Covid-19 cũng đang là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận.

 Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đây được coi là sự kiện bất khả kháng, gây ảnh hưởng tới cả người lao động và người sử dụng lao động

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đây được coi là sự kiện bất khả kháng, gây ảnh hưởng tới cả người lao động và người sử dụng lao động

Theo chia sẻ của Luật sư Nguyễn Duy Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Duy Trinh, Đoàn luật sư TP. HCM trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam: Trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường nhưng bị cách ly thì hoàn toàn họ không có lỗi

Theo khoản 2, Điều 130, Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động ngừng các công việc theo hợp đồng nhưng do cách ly dịch bệnh, nếu gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường

Còn về tiền lương, căn cứ theo khoản 3, Điều 98, Bộ luật Lao động 2012, người lao động vẫn được tính lương

Tuy nhiên, mức lương nhận được là sự thỏa thuận của cả hai bên, người sử dụng lao động và người lao động, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật

Ở một số ngành đặc thù như hàng không, nhân viên phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều hành khách, nhất là khách quốc tế, chính vì vậy mà đã có những tác động không hề nhỏ tới nhân sự

Theo chia sẻ của ông Bùi Đức Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) trên báo Tuổi trẻ: “Nhân viên tiếp xúc với hành khách dương tính Covid-19 phải lập tức cách ly, công ty vẫn trả lương lao động và chế độ như ngày hoạt động bình thường. Ngoài ra, công đoàn công ty đến thăm hỏi, động viên anh em”

Trường hợp các tiếp viên, phi công của hãng Vietnam Airlines khi bị cách ly vẫn được hưởng 100% chế độ tiền lương, trong đó có tiền lương chuyến bay, lương chức danh…

Còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất và kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau thì sẽ có sự điều chỉnh mức lương riêng, phù hợp

Khoảng thời gian cách ly đối với người lao động chưa hết ngày nghỉ phép thì sẽ được tính vào thời gian nghỉ phép đó

Đối với những người lao động được yêu cầu thực hiện các biện pháp cách ly để phòng dịch Covid-19 sẽ được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian cách ly y tế

Và để hưởng chế độ này thì người lao động cần có đầy đủ hồ sơ như: giấy ra viện (với điều trị nội trú hoặc những người có chỉ định của bác sĩ cho nghỉ thêm sau khi điều trị nội trú), giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (với điều trị ngoại trú)

Người lao động cũng sẽ được tạo điều kiện khám chữa bệnh tối đa, hoặc chuyển tuyến khi có thẻ bảo hiểm y tế

Ngoài ra, các chi phí điều trị bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ

Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, người sử dụng đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất thì có quyền chấm dứt hợp đồng lao động

Song, việc chấm dứt hợp đồng lao động cần được thông báo tới người lao động

Đối với những người kí hợp đồng lao động thời vụ, sẽ được thông báo ít nhất trước 3 ngày, hợp đồng xác định thời hạn là trước 30 ngày hoặc hợp đồng lao động không xác định thời gian sẽ được thông báo ít nhất trước 45 ngày

Trường hợp khác, doanh nghiệp hỗ trợ bằng cách chuyển người lao động sang công việc khác so với hợp đồng lao động nhằm ổn định thu nhập cho cuộc sống, quyền lợi của người lao động là nhận đầy đủ lương

Theo khoản 3, Điều 31 Bộ luật Lao động 2012, người lao động được trả lương theo công việc mới, nếu mức lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc

Nguyễn Minh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-nhung-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-khi-bi-cach-ly-vi-dich-covid19/847499.antd