Những quy định về phụ cấp nghỉ thai sản của giáo viên

Thời gian nghỉ thai sản, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Chỉ khi vượt quá thời hạn nghỉ thai sản theo quy định thì giáo viên mới không được hưởng

Theo quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 76 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Riêng với giáo viên, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề được quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC. Các đối tượng nhà giáo kể cả đang thử việc, hợp đồng đều được hưởng chế độ phụ cấp này, cụ thể: Thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động; Thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trưởng, trạm, trại, phòng thí nghiệm.

Như những lao động nữ khi nghỉ thai sản được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, giáo viên còn được hưởng phụ cấp

Như những lao động nữ khi nghỉ thai sản được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, giáo viên còn được hưởng phụ cấp

Ngoài ra, cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền cũng được hưởng khoản phụ cấp này.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp, mọi khoảng thời gian, giáo viên đều được hưởng phụ cấp này. Điểm b, khoản 2, Mục I Thông tư liên tịch trên quy định thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi gồm: Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương; Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng; Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ BHXH hiện hành. Trong đó, thời hạn nghỉ thai sản là 6 tháng, nếu sinh đôi thì từ con thứ hai, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng (căn cứ khoản 1, Điều 34 Luật BHXH hiện hành).

Từ quy định trên có thể thấy, thời gian nghỉ thai sản, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Chỉ khi vượt quá thời hạn nghỉ thai sản theo quy định thì giáo viên mới không được hưởng loại phụ cấp này.

Tuy nhiên, với viên chức là nhà giáo làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, khoản 3, Điều 13 Nghị định số 76 năm 2019 nêu rõ, thời gian không tính được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm: Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH (trong đó có thời gian nghỉ thai sản) theo quy định của pháp luật về BHXH; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giữ, tạm giam.

Do đó, nhà giáo nghỉ thai sản ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

Như vậy, giáo viên nghỉ thai sản vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề trừ giáo viên ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

H.Lê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nhung-quy-dinh-ve-phu-cap-nghi-thai-san-cua-giao-vien-2020082408342192.htm