Những quy định về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong Luật Thư viện

Đối với phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Không chỉ đơn thuần là khung pháp lý, Luật Thư viện còn định hướng cho hoạt động thư viện của Việt Nam.

Hoạt động thư viện ở Việt Nam chỉ có thể phát triển được khi các thư viện thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của mình, tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khoa học, đúng quy định của pháp luật. Chính vì thế những nội dung này cần được quy định cụ thể trong Luật Thư viện, để từ đó tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Điểm mới của Luật Thư viện so với Pháp lệnh Thư viện trước đây là đã có một chương quy định về hoạt động thư viện. Luật Thư viện đã quy định các nguyên tắc hoạt động thư viện, bao gồm: Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân; Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện; Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; Thực hiện liên thông thư viện; Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Gắn với dây chuyền hoạt động thư viện, Luật đã đặt ra các quy định cụ thể. Điểm mới của Luật là đã tạo ra những quy định cởi trói cho các thư viện trong bối cảnh các thư viện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Vi dụ trong quy định về xây dựng tài nguyên thông tin, ngoài hình thức bổ sung truyền thống, Luật đã xác định các thư viện có thể: Bổ sung, mua tài nguyên thông tin và quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số; Thu thập tài nguyên thông tin mở, tài nguyên thông tin thuộc về công chúng, tài nguyên thông tin trực tuyến có giá trị khác; Liên thông trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong nước và nước ngoài; hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số; Chuyển dạng, số hóa tài nguyên thông tin phục vụ lưu giữ và nghiên cứu theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan…

Việc Bảo quản tài nguyên thông tin thư viện đã được quy định bao quát các nội dung và có quy định cụ thể gắn với các dạng khác nhau: Thực hiện đối với toàn bộ tài nguyên thông tin trong quá trình lưu giữ, phục vụ; Bảo đảm an toàn thông tin phục vụ cho việc quản lý, tra cứu và sử dụng; Thực hiện các hình thức bảo quản dự phòng, phục chế hoặc chuyển dạng tài liệu phù hợp với điều kiện của thư viện; Tài nguyên thông tin số phải được sao lưu định kỳ và có cơ chế khôi phục dữ liệu khi cần thiết; bảo quản bảo đảm tương thích về mặt công nghệ cho định dạng dữ liệu; Tài nguyên thông tin là di sản văn hóa, tài nguyên thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải được bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước.

Một trong những điểm mới trong Luật Thư viện được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/11/2019 vừa qua, đã quy định về thực hiện liên thông thư viện. Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung mọi thư viện công lập và thư viện ngoài công lập đều phải thực hiện. Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện. Điều này rất có ý nghĩa vì buộc các thư viện phải có hoạt động liên kết, hợp tác để sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả các tài nguyên, tiện ích, các sản phẩm, dịch vụ thư viện. Đặc biệt là các thư viện lớn, có vai trò quan trọng được nhà nước ưu tiên đầu tư như Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh hay các thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư sẽ phải có trách nhiệm chia sẻ cho các thư viện khác có thể sử dụng những nguồn lực này nhằm phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất. Liên thông thư viện được thực hiện nghiêm túc sẽ giúp cho các thư viện phát huy được các nguồn lực của mình, tiết kiệm được ngân sách nhà nước, kinh phí đầu tư và nâng cao hiệu quả phục vụ cho người đọc.

Trong Luật Thư viện cũng đã quy định rõ về hoạt động thư viện gắn với phát triển văn hóa đọc. Theo Luật: Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam; Phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động: Tổ chức các hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước; Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông; Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện; Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.

Để các thư viện phát triển và vận hành theo xu thế của thời đại với những yêu cầu đặt ra trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Thư viện đã có một số điều quy định cụ thể về phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện.

Công tác tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện, truyền thông, phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức về thông tin khoa học và công nghệ, lưu trữ, văn hóa, du lịch và cơ quan, tổ chức khác cũng được đặt ra nhằm bảo đảm việc sử dụng và bảo quản hiệu quả tài nguyên thông tin đa dạng hình thức phục vụ và dịch vụ thư viện.

Với 14 điều quy định về hoạt động thư viện, từ những nguyên tắc chung đến những công đoạn và đánh giá hoạt động thư viện, Luật Thư viện đã đặt ra những quy định cụ thể giúp cho các thư viện có thể áp dụng, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ hiệu quả cho người sử dụng trong thời gian tới.

Nguyễn Thúy Hạnh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nhung-quy-dinh-ve-hoat-dong-chuyen-mon-nghiep-vu-trong-luat-thu-vien-20191208100306203.htm