Những quy định của pháp luật liên quan đến hành vi buôn người

Liên quan đến hành vi mua bán người, pháp luật của nước ta đã có hành lang pháp lý rõ ràng. Với những quy định được sửa đổi, bổ sung theo BLHS năm 2015, càng cụ thể hóa mức xử lý với hành vi vi phạm...

Buôn bán người là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hay lạm dụng quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương, hoặc bằng việc đưa, nhận tiền để đạt được sự đồng ý của một người để kiểm soát những người khác.

Hành vi bóc lột bao gồm: việc bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể. Pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “Mua bán người” để mô tả hành vi này, theo đó mua bán người là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

Một bị cáo bị xét xử về tội “Mua bán người”.

Một bị cáo bị xét xử về tội “Mua bán người”.

Tội mua bán người cũng được quy định tại Điều 150 (BLHS 2015). Cụ thể: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác... Khung hình phạt cao nhất với tội này là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đáng nói, Điều 150 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội mua bán người, ngoài việc sửa đổi trong cấu trúc điều luật; nâng mức khung hình phạt và bổ sung thêm 7 tình tiết định khung tăng nặng hình phạt (vì động cơ đê hèn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 BLHS 2015; đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Việt Nam; đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; tái phạm nguy hiểm) đối với loại tội này; nội dung điều luật đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với yêu cầu của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 cũng như khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm theo hướng mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội phạm, bao gồm thủ đoạn, hành vi và mục đích, đáp ứng yêu cầu diễn biến, tình hình tội phạm thực tiễn ở Việt Nam, vừa tiếp cận gần hơn với yêu cầu của Nghị định thư.

Có thể thấy, chủ thể của tội mua bán người: Người từ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự đều là chủ thể của loại tội phạm này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 150 BLHS 2015. Những người chưa thành niên phạm tội này thường ở vai trò đồng phạm.

Hậu quả của hành vi mua bán người là con người bị đem ra mua bán, trao đổi như hàng hóa, danh dự nhân phẩm bị chà đạp, bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục. Nếu người phạm tội đã thực hiện một số hành vi như tìm kiếm người, liên hệ nơi bán, mua, thỏa thuận giá cả, nơi giao nhận… nhưng vì nguyên nhân nào đó ngoài ý muốn mà họ không thực hiện được việc mua bán người thì đó là trường hợp phạm tội chưa đạt. Người thực hiện các hành vi nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người; đối tượng bị xâm hại: là con người từ đủ 16 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính. Trường hợp đối tượng là người dưới 16 tuổi sẽ xử theo tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại điều 151, BLHS 2015.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-quy-dinh-cua-phap-luat-lien-quan-den-hanh-vi-buon-nguoi-153290.html