Những quy chuẩn mới của Oscar mang đến điều gì?

Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ - Ban tổ chức giải Oscar, vừa công bố bộ tiêu chuẩn mới cho các tác phẩm tham gia tranh giải Phim hay nhất. Tuy nhiên, những quy chuẩn này lại đang gây tranh cãi.

Tác phẩm “The Two Popes”.

Tác phẩm “The Two Popes”.

Theo công bố, các tác phẩm tranh giải Phim hay nhất sẽ phải đáp ứng 4 tiêu chí: A, B, C và D. Trong đó, A dành cho diễn viên và nội dung phim; B đề cập đến nhà sản xuất, đạo diễn, giám sát kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng và người làm tạo hình nhân vật như thợ trang điểm, tạo mẫu tóc; C dành cho thực tập sinh trong đoàn phim; D về người phát hành. Để được tranh giải, tác phẩm phải đáp ứng 2/4 tiêu chí. Bộ tiêu chí có hiệu lực tại Oscar lần 96 năm 2024, là điều kiện phụ đánh giá các đề cử giải năm 2022-2023. Các tác phẩm tranh Oscar 2021 sẽ không bị ảnh hưởng.

Bộ tiêu chí yêu cầu phim đủ điều kiện tranh giải phải sử dụng một số diễn viên, thành viên sản xuất, nhân viên tiếp thị và thực tập sinh là phụ nữ, người da màu, khuyết tật hoặc thuộc cộng đồng LGBTQ+. Tiêu chuẩn này được ra đời nhằm: “Khuyến khích việc thể hiện công bằng trên và ngoài màn hình, để phản ánh tốt hơn sự đa dạng của khán giả xem phim”. Đây được cho là bước khởi đầu của chiến dịch Academy Aperture 2025 - thúc đẩy sự đa dạng giới, sắc tộc trong ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, bộ tiêu chí này đang gây không ít tranh cãi.

Vấn đề ở chỗ chỉ cần đáp ứng 2/4 tiêu chí, phim đủ điều kiện tranh cử. Trên thực tế, hầu như các phim đều đáp ứng tiêu chí C và D; nên có thể bỏ qua nội dung, đạo diễn, hay diễn viên. Các tiêu chí vì thế bị cho là quá lỏng lẻo. Theo phân tích từ New York Times, lấy ví dụ của “The Two Popes” - tác phẩm có diễn viên chính, đạo diễn và quay phim đều là người da trắng, vậy không đáp ứng tiêu chí A; nhưng phim lại có đủ phụ nữ tham gia sản xuất và phát hành - phù hợp tiêu chí B và D; vậy là đủ 2/4 tiêu chí để tranh cử.

Những phân tích trên cho thấy bộ tiêu chuẩn này không thật sự kiểm soát nội dung hay tạo áp lực cho những nhà làm phim ở Hollywood. Khi đề ra tiêu chí A, Ban tổ chức Oscar đã tỏ ra gắt gao khi đòi hỏi ít nhất một trong diễn viên chính hoặc thứ chính phải là người châu Á, gốc Phi, Trung Đông hay thuộc các dân tộc thiểu số. Đội ngũ sản xuất phim cũng phải đáp ứng yêu cầu này. Nhưng nếu áp với trường hợp của “The Two Popes”, thì phim không đáp ứng nhưng vẫn qua cửa trót lọt.

Vì thế có nhận định tiêu chuẩn mới chỉ để vỗ về dư luận. Nhà sản xuất kỳ cựu Karin Chien cũng đồng tình và chỉ ra rằng có nhiều điều không hợp lý, nhất là đòi hỏi cân bằng giới tính ở khâu sản xuất. Một điều tra của nhóm nghiên cứu trường đại học USC Annenberg, đã chỉ ra rằng, các tiêu chí đề ra dư thừa, không còn phù hợp. Theo số liệu của USC, 95 trong 100 phim doanh thu cao năm 2019 đạt đủ tiêu chí A, năm 2018 có 71 phim đạt tiêu chí B. Còn C và D là hầu hết đều đạt được. Vậy tiêu chí mới có thực sự cần thiết?

Ở phía ngược lại, những người đề ra các tiêu chí cho rằng nó mang lại nhiều cơ hội tranh giải hơn cho các phim nước ngoài, giúp Oscar thu hút khán giả bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ, bởi thời gian qua Oscar đang sụt giảm người xem nghiêm trọng.

BẢO LAM (Theo Nytimes, Variety)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhung-quy-chuan-moi-cua-oscar-mang-den-dieu-gi-a125665.html