Những quan tài treo vách núi kỳ lạ ở Trung Quốc

Những chiếc quan tài được treo trên các vách đá chông chênh, có nơi lên tới 120 mét nên rất khó tiếp cận. Việc vì sao chúng được đưa lên những vị trí khó khăn như vậy và bằng cách nào đến giờ vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Miền nam Trung Quốc từ trước tới nay luôn nổi tiếng với những con sông, ngọn núi, cánh rừng và các dãy núi dựng đứng cao chót vót nhưng đẹp nao lòng. Và đây cũng là nơi khởi nguồn của một trong những bí ẩn lịch sử lâu đời nhất Trung Quốc: Những quan tài treo trên vách núi dọc sông Dương Tử.

Những chiếc quan tài được đặt trên các thanh đỡ bằng gỗ nhô ra từ vách núi. Ảnh: Can Stock Photo.

Giới chuyên gia cho rằng nghi thức mai táng người chết ở những nghĩa trang treo vách đã xuất phát từ cộng đồng dân tộc Bặc thiểu số. Họ bắt đầu truyền thống này vào khoảng 3.000 năm trước. Đáng kinh ngạc, các quan tài được treo vững chãi trên những vách đá hoặc được đặt trong các khe hở trên núi ở độ cao có khi lên tới 130 mét. Suốt hàng thập kỷ, giới học giả đã cố gắng tìm cách lý giải vì sao người dân tộc Bặc lại thực hành nghi thức mai tàng như vậy và bằng cách nào họ có thể đưa quan tài lên những vị trí khó khăn, hiểm trở đến thế, theo Historic Mysteries.

Văn hóa cổ xưa

Bằng chứng lâu đời nhất về các quan tài treo ở Trung Quốc xuất hiện trong những văn tự cổ được tìm thấy ở tỉnh Phúc Kiến cách đây hơn ba thiên niên kỷ. Nghi thức mai táng người chết trong quan tài treo vách núi từ đó dần dần lan sang các vùng lân cận ở khu vực phía nam Trung Quốc, đặc biệt là tại tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên và Vân Nam.

Chuyên gia suy đoán chính người dân tộc Bặc đã tạo ra những chiếc quan tài kỳ lạ bởi nền văn minh của họ cũng xuất hiện cùng khoảng thời gian với chúng. Sau đấy, ghi chép về việc thực hành nghi lễ mai táng người quá cố trên vách núi và dân tộc Bặc đồng loạt biến mất tới tận đời nhà Minh. Có một số chỉ dấu cho thấy chính triều Minh đã tàn sát người Bặc khiến họ bị tận diệt. Tuy nhiên, việc người Bặc đến từ đâu và chuyện gì đã thực sự xảy ra với họ đến nay vẫn còn là câu hỏi gây tranh cãi.

Nghĩa trang kỳ lạ

Có rất nhiều giả thuyết trả lời cho câu hỏi vì sao người Bặc chọn đưa người chết tới nơi cách xa khu vực sinh sống, treo họ trên những vách núi dựng đứng hướng mặt ra sông nước. Tất cả đều liên quan tới niềm tin tinh thần của người cổ đại.

Quan tài treo vách núi ở tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Can Stock Photo.

Nghĩa vụ với gia đình hay lòng hiếu thảo, đạo làm con, từ lâu đã là một phần không thể tách rời của văn hóa Á châu. Tục lệ thờ cúng đã tồn tại qua hàng nghìn năm. Trong lịch sử, rất nhiều người Trung Quốc chọn cách chôn cất người thân quá cố ở nơi gần với nhà để họ có thể tiện chăm sóc mộ phần và thờ cúng. Theo quan niệm dân gian, thờ cúng chính là cách tưởng nhớ và chăm sóc linh hồn người đã khuất. Một linh hồn hạnh phúc và hài lòng sẽ không quay trở về ám, gây khó khăn cho người còn đang sống.

Tuy nhiên, người Bặc lại có quan niệm hoàn toàn khác. Họ đưa người thân quá cố tới những nơi khó tiếp cận, cách xa nơi ở. Một số học giả cho rằng theo quan niệm của người Bặc, vị trí đặt thi thể càng cao đồng nghĩa lòng kính trọng và biết ơn mà người sống dành cho người chết càng lớn và nó khiến người đã khuất hài lòng. Nếu người sống có thể khiến linh hồn tổ tiên mình hạnh phúc thì những linh hồn ấy sẽ phù hộ, mang lại may mắn cho họ.

Mặt khác, ở thời cổ đại, rất nhiều người có niềm tin rằng những linh hồn thiêng liêng có khả năng trú ngụ trong tự nhiên, ví dụ như trong đá, núi hay nước. Đỉnh núi hay những nơi cao ráo được cho là các địa điểm tốt đẹp và gần với thiên đường, theo chuyên gia Guo Jing thuộc Bảo tàng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ông suy đoán đối với người Bặc, những vách núi tượng trưng cho bậc thang lên thiên đường còn quan tài giống như cây cầu nối tới kiếp sau.

Quan tài treo ở tỉnh Hồ Bắc năm 2013. Ảnh: Wikipedia Commons.

Một giả thuyết nữa cho rằng người Bặc có thể chọn vách đá làm nơi an táng vì cả lý do thực tiễn là nhằm bảo quản xác chết, bên cạnh niềm tin tinh thần. Theo đó, thi thể người quá cố cần được bảo quản với điều kiện tốt nhất, hạn chế tình trạng phân hủy để đảm bảo linh hồn họ luôn trong sạch khi bước sang kiếp sau. Vậy nên, việc đưa thi thể tránh xa động vật và con người để hạn chế sự quấy nhiễu và gây hại là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, các quan tài treo hay những hầm mộ trên vách núi luôn trong tình trạng khô ráo, thoáng khí và phủ bóng râm. Vì thế, quá trình phân hủy cũng chậm lại. Nếu chôn dưới đất, độ ẩm cao và sự tác động từ các sinh vật sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy.

Quan tài treo vách núi

Các tài liệu ghi chép cho biết những quan tài được treo vách núi theo ba cách: Trên những thanh giá đỡ nhô ra từ vách đá dựng đứng, bên trong các hang động tự nhiên hay khe nứt và trên các mỏm đá dọc núi. Chúng phân bố rải rác từ độ cao 9 mét cho tới hơn 120 mét so với mặt đất.

Tổng cộng, khối lượng quan tài lẫn thi thể có thể lên tới vài trăm kg. Vậy bằng cách nào chúng có thể được đưa lên những vách núi? Đây là câu hỏi gây tranh cãi suốt nhiều thập kỷ qua và hiện tồn tại ba giả thuyết.

Một giả thuyết cho rằng dân tộc Bặc đã đắp nên các dốc bằng đất để làm lối đi dọc theo mặt vách đá. Sau đó, quan tài sẽ được đưa lên qua những lối đi này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bác bỏ giả thuyết trên bởi lượng nhân công cần để xây những đường đất như vậy là rất lớn, không tương xứng với quy mô nhỏ của cộng đồng dân tộc Bặc.

Một giả thuyết khác đặt nghi vấn người Bặc đã treo những chiếc quan tài lên vách núi nhờ sử dụng hệ thống cột trụ và những tấm ván tạo thành giàn giáo bên vách núi. Dù vậy, đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về hoạt động này.

Quan tài trong vách núi ở Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Dxdm.com.

Sử dụng dây thừng để di chuyển quan tài dường như là giả thuyết có cơ sở hơn cả. Việc các nhà khoa học tìm thấy một số sợi dây thừng bên trong những hang động gần nơi treo quan tài càng củng cố thêm cho nhận định trên. Trong vài trường hợp, các quan tài được thả từ trên cao xuống bằng dây thừng nhưng thỉnh thoảng chúng cũng được kéo lên từ dưới mặt đất.

HOÀNG PHI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-quan-tai-treo-vach-nui-ky-la-o-trung-quoc-post219179.html