Những quan niệm sai lầm về bệnh tim bẩm sinh

Mọi người trước đây vẫn cho rằng đã mắc bệnh tim thì gần như chỉ… chờ chết nên gia đình không chữa, người bệnh không xây dựng gia đình. Đây là quan niệm vô cùng sai lầm, thực tế bệnh tim hoàn toàn có thể chữa khỏi. Đó là chia sẻ của bác sỹ Th.BS Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch- BV E.

80% ca bệnh có thể chữa khỏi

Bác sỹ Đại cho biết, trước đây khái niệm tim bẩm sinh còn mờ nhạt, mọi người cho rằng bệnh tim là chết, thực tế 80% có thể khỏi. Từ trước đến nay theo quan niệm của mọi người thì bệnh tim là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và những người mắc bệnh này thường được khuyên không nên lấy vợ/chồng, sinh con; nếu đã sinh con thì không được cho bú. Đây là quan niệm sai lầm nên khi sinh ra đứa con mắc bệnh tim mọi người không chữa vì nghĩ bệnh tim là khuyết tật, là bỏ đi nên không quyết tâm chữa cho con, bác sỹ Đại nhấn mạnh.

Thực tế hầu hết các bệnh tim bẩm sinh đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm nhờ siêu âm tim thai khi thai nhi được 18-22 tuần tuổi. Khi thai nhi có biểu hiện mắc bệnh, sản phụ nên chọn cơ sở y tế có đủ điều kiện bác sĩ nội tim nhi phối hợp với bác sĩ sản khoa-bác sĩ phẫu thuật tim bẩm sinh thì hy vọng cứu sống trẻ là rất lớn.

Nhờ sự phối hợp này, hàng trăm sản phụ đã được chẩn đoán, sàng lọc tim bẩm sinh ngay trong bào thai từ rất sớm. Có hàng chục trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh đã được sinh tại BV E và được cấp cứu, can thiệp, phẫu thuật thành công ngay từ những ngày đầu sau sinh tại Trung tâm Tim mạch BV E, bác sỹ Đại chia sẻ.

Trường hợp mới đây là bé H.A (26 ngày tuổi) ở Đà Nẵng bị mắc bệnh đảo gốc động mạch được cứu sống là một kỳ tích. Theo bác sỹ Đại, đây là bệnh nặng nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh, chiếm khoảng 5%-7% số trẻ bị dị tật tim và khoảng 20-30/100.000 trẻ sinh ra. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm.

Điều đáng nói, cháu bé được cứu sống thành công là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội nhi tim mạch ở BV E. Cháu bé được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh phức tạp từ trong bụng mẹ nhờ các bác sĩ nội nhi tim mạch. Gia đình sản phụ đã quyết định đến BV E theo dõi khi thai được 37 tuần tuổi. Đến tuần thai thứ 39, sản phụ sinh mổ và có kíp trực là tim nhi chờ sẵn.

Ngay sau khi chào đời cháu bé đã rơi vào tình trạng toàn thân tím tái, chân tay trắng bệch, hơi thở khó khăn… do cháu bé mắc tim bẩm sinh nặng. Bác sỹ Đại đã cấp cứu và truyền loại thuốc đặc trị cho cháu bé ngay khi vừa chào đời. Cháu bé dần hồng hào trở lại. Khi được 14 ngày tuổi, cháu bé được tiến hành phẫu thuật chuyển gốc động mạch vành và động mạch phổi; và vá lại lỗ thông giữa hai tâm nhĩ. Ca phẫu thuật thành công sau 5 giờ đồng hồ. Ca phẫu thuật được tiến hành thành công, cháu bé sẽ có khả năng sống và phát triển như bình thường.

Bác sỹ Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch- BV E: Bệnh tim hoàn toàn có thể chữa được. Ảnh: T.X

Bác sỹ Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch- BV E: Bệnh tim hoàn toàn có thể chữa được. Ảnh: T.X

Tim bẩm sinh-đừng sợ!

Từ thành công trong phẫu thuật ca bệnh tim phức tạp để thấy với những dị tật tim bẩm sinh đơn giản như thông tâm thất/nhĩ, trẻ khi sinh ra hoàn toàn có thể được chữa khỏi, hoàn toàn phát triển khỏe mạnh, bình thường. Điều quan trọng là cần thay đổi quan niệm của cộng đồng, thậm chí từ chính những bác sỹ. “Phải thay đổi quan niệm của bác sỹ trước thì mới đến bệnh nhân thay đổi. Bên cạnh đó là cần truyền thông, có quan điểm khác thì nhẹ nhàng đi rất nhiều. Đừng sợ tim bẩm sinh”.

Cũng có chuyện nhiều thai phụ khi đi siêu âm, khám thai dù mới phát hiện có dấu hiệu bất thường ở tim thai qua siêu âm lần đầu nhưng bác sỹ đã vội vã kết luận thai mắc tim bẩm sinh. Thậm chí có bác sỹ khuyên thai phụ nên bỏ thai. Bác sỹ Đại cho rằng, đây là điều cần thận trọng khi công bố. Xác định công bố cho ai chứ công bố cho thai phụ ảnh hưởng đến tâm lý từ đó tác động đến sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, siêu âm thai cần Hội đồng chẩn đoán quốc gia trước sinh, làm thận trọng rồi mới công bố.

Theo bác sỹ Đại, tim bẩm sinh không phải vấn đề duy nhất với cái thai đó mà khi ta nói phải nói toàn diện về em bé đó: Tim chữa được, dị tật khi sinh ra vẫn mổ được nhưng não, cột sống, phổi, ruột, gan, nhiễm sắc thể có vấn đề gì không?

Với thai là khám toàn thể khi phát hiện tim bẩm sinh có nghĩa là nguy cơ thai nhiễm các bệnh khác nhiều hơn mà ta phải đi tìm. Chỉ dựa vào siêu âm bất cứ hình thái nào đó trong thai mà bác sỹ dám kết luận này khác là vô cùng đáng trách mà phải có bác sỹ sản, tim mạch và bác sỹ chuyên khoa khác. Vì thế mới thành lập Hội đồng chẩn đoán trước sinh, chỉ hội đồng này mới có tư vấn bỏ thai hay giữ thai.

Các bác sỹ sản tuyến dưới hãy cố gắng phát hiện ra những gì đó bất thường nhưng khi phát hiện bất thường thì tìm đến địa chỉ uy tín để tham khảo, tư vấn cho gia đình bệnh nhân; tham khảo ý kiến các chuyên gia, nếu bệnh nhân có điều kiện thì cho lên Hà Nội làm trong Hội đồng chẩn đoán trước sinh của nhiều BV. “Với đứa trẻ khi sinh ra rồi có nói gì thì nói, còn khi trong bụng mẹ thì những phát ngôn phải cẩn trọng, hạn chế để người mẹ yên tâm về thai nhi.

Nếu chưa chắc chắn thì đừng kết luận”. Đồng thời, với bà mẹ mang thai nên kiểm tra sức khỏe thai nhi định kỳ để phát hiện dị tật trước sinh. Qua đó giúp các bé sớm tiếp cận với chăm sóc y tế ngay sau sinh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, bác sỹ Đại khuyến cáo.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhung-quan-niem-sai-lam-ve-benh-tim-bam-sinh-109007.html