Những quận, huyện nào mang tên danh nhân?

Chỉ một số ít quận, huyện trong cả nước mang tên danh nhân với ý nghĩa đặc biệt.

Quận Hai Bà Trưng nằm ở phía đông nam nội thành Hà Nội, được mang tên hai vị nữ anh hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (Hai Bà Trưng, tức Trưng Trắc và Trưng Nhị). Theo trang TTĐT quận, nơi đây có lịch sử lâu đời, giai đoạn 1961-1981 được gọi là khu Hai Bà (sau là khu Hai Bà Trưng), đến tháng 6/1981 chính thức được gọi là quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Tuấn Trần.

Quận Hai Bà Trưng nằm ở phía đông nam nội thành Hà Nội, được mang tên hai vị nữ anh hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (Hai Bà Trưng, tức Trưng Trắc và Trưng Nhị). Theo trang TTĐT quận, nơi đây có lịch sử lâu đời, giai đoạn 1961-1981 được gọi là khu Hai Bà (sau là khu Hai Bà Trưng), đến tháng 6/1981 chính thức được gọi là quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Tuấn Trần.

Lê Chân là một quận nội thành của Hải Phòng. Nữ tướng Lê Chân được xem là người có công khai khẩn lập nên vùng đất mà nay là Hải Phòng. Đến quận Lê Chân, du khách có thể thăm Đền Nghè, một di tích quốc gia nổi tiếng, nơi thờ nữ tướng Lê Chân tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ảnh: Mawanusa.

Quận Ngô Quyền nằm ở trung tâm TP Hải Phòng, cùng với quận Lê Chân và quận Hồng Bàng đã luôn gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của thành phố qua các thời kỳ. Trong năm nay, quận hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập (5/7/1961-5/7/2021). Ảnh: Nguyễn Dương.

Huyện Dương Minh Châu thuộc tỉnh Tây Ninh, mang tên trí thức yêu nước Dương Minh Châu (1912-1947), Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Tây Ninh, Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa đầu tiên. Hồ Dầu Tiếng là điểm đến nổi tiếng ở huyện, thu hút nhiều bạn trẻ check-in. Ảnh: Dangkhoa__nguyen.

Huyện Hồng Dân nằm về phía bắc tỉnh Bạc Liêu. Theo trang TTĐT huyện, nơi đây được chính quyền cách mạng đổi tên thành Hồng Dân vào đầu năm 1947, theo tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hồng Dân (tên thật là Trần Văn Thành). Đến huyện Hồng Dân, du khách có thể thăm chùa Kosthum, miếu Quan Đế, làng nghề dệt chiếu truyền thống, thưởng thức đặc sản bánh tằm Ngan Dừa... Ảnh: Đăng Huỳnh.

Huyện Trần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau, giáp biển, có sông Ông Đốc nổi tiếng chảy từ đông sang tây. Huyện do Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ thành lập năm 1950 và đặt tên theo Trần Văn Thời, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Cà Mau - Bạc Liêu). Nơi đây có những điểm du lịch như Hòn Đá Bạc, vườn quốc gia U Minh Hạ, làng biển sông Đốc, đầm Thị Tường... Ảnh: Ca Mau Travel Portal.

Huyện Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau mang tên nhà giáo, chí sĩ yêu nước Phan Ngọc Hiển, người lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai (1940). Ngày nay, huyện Ngọc Hiển nổi tiếng với khu du lịch mũi Cà Mau. Ảnh: Camau Festival.

Theo Song Phúc/Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/nhung-quan-huyen-nao-mang-ten-danh-nhan/20210526075222645