Những quan điểm trái chiều về văn học thiếu nhi ở Nga hiện nay

Các tạp chí thiếu nhi (trước Cách mạng và đặc biệt dưới thời Liên Xô) đóng vai trò to lớn với tư cách là công cụ bồi dưỡng nhu cầu đọc sách nói chung. Ngoài ra, các tạp chí thu hút mạnh mẽ trẻ em tham gia quá trình sáng tác và giao tiếp, bảo đảm mối 'liên hệ ngược' với độc giả. Các tạp chí không chỉ đăng tải những gì viết cho thiếu nhi mà cả những gì các em tự sáng tác....

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, tờ báo mạng Nga Snob.ru đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến của các chuyên gia và nhà phê bình văn học về văn học thiếu nhi với ba câu hỏi: 1. Có hay không ranh giới giữa văn học "thiếu nhi" và văn học "người lớn"? 2. Hiện nay ở Nga, các tạp chí thiếu nhi không còn ý nghĩa lớn như hồi thế kỷ XIX, XX. Cái gì đã thay thế chúng? 3. Văn học thiếu nhi trước cách mạng và dưới thời Liên Xô đã xây dựng một hệ thống giá trị nhất định. Văn học thiếu nhi đương đại có những giá trị gì? Sự tiếp nhận các tác phẩm văn học cũ của các thế hệ mới có thay đổi không? Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến của một số tác giả.

Olga Bukhina, dịch giả, nhà phê bình văn học

Câu 1: Theo tôi, không có ranh giới cứng nhắc giữa văn học "thiếu nhi" và văn học "người lớn". Lấy ví dụ tác phẩm "Alice ở xứ sở diệu kỳ" của Lewis Carrol. Cuốn sách dành cho thiếu nhi này đã nhiều thập kỷ nay được người lớn tìm đọc. Trong tàu điện ngầm, chúng ta thường nhìn thấy những người lớn đang chăm chú đọc một tập "Harry Potter" nào đó. Thậm chí, những cuốn sách dành cho tuổi mẫu giáo cũng mang lại hứng thú cho nhiều người lớn khi họ đọc đi đọc lại cho con mình.

Thời gian gần đây, chúng ta nhận thấy rất rõ xu hướng người lớn thích đọc sách thiếu nhi - văn học viễn tưởng, phản không tưởng. Mới đây, thậm chí đã xuất hiện một thể loại mới - truyện tranh dành cho thiếu niên và người lớn. Và tất nhiên, thiếu nhi cũng đã và đang đọc sách của người lớn, ngay cả chương trình phổ thông của nhà trường Nga cũng đầy ắp các tác phẩm của các tác giả viết cho người lớn: Lev Tolstoy, Dostoyevsky...

Câu 2: Các tạp chí thiếu nhi (trước Cách mạng và đặc biệt dưới thời Liên Xô) đóng vai trò to lớn với tư cách là công cụ bồi dưỡng nhu cầu đọc sách nói chung. Ngoài ra, các tạp chí thu hút mạnh mẽ trẻ em tham gia quá trình sáng tác và giao tiếp, bảo đảm mối "liên hệ ngược" với độc giả. Các tạp chí không chỉ đăng tải những gì viết cho thiếu nhi mà cả những gì các em tự sáng tác.

Hiện nay vai trò này phần lớn do Internet đảm nhận, trẻ em và thiếu nhi (cũng như người lớn) có thể trao đổi ý kiến và thảo luận những gì các em quan tâm trên các trang mạng xã hội và các websites khác. Tạp chí thiếu nhi có thể phục hồi và đang phục hồi trong một hình thức mới trên không giản ảo. Những trang web như "Papmambook" cho phép trẻ em viết các nhận xét riêng của mình về các cuốn sách đã đọc, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách.

Câu 3: Đương nhiên, sự tiếp nhận các tác phẩm cũ đã thay đổi. Sách văn học thiếu nhi cả trước Cách mạng lẫn dưới thời Xôviết đều mang dấu ấn một hệ tư tưởng nhất định, trong nhiều tác phẩm nó đậm nét đến mức làm lu mờ tất cả giá trị văn học. Nhưng vẫn có những tác phẩm, nơi tải trọng tư tưởng, may thay, "yếu hơn" phẩm chất văn học.

Và dưới thời Xôviết, các nhà văn không chỉ viết về đề tài Liên Xô. Tuy nhiên, các thế hệ mới bao giờ cũng cần những cuốn sách mới. Nhìn tổng thể, nhịp điệu cuộc sống và nội dung bên trong của nó đã thay đổi, do đó, những cuốn sách cũng được viết theo kiểu khác. Văn học thiếu nhi (thậm chí mang nặng tính tư tưởng) luôn luôn ẩn chứa những giá trị nhân loại phổ quát nào đó, và văn học thiếu nhi đương đại cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Đề tài cũ - thế nào là cái tốt, cái xấu - không bị loại ra khỏi văn học thiếu nhi, đơn giản là hiện nay nó không mang tính giáo huấn như trước, trực diện như trước.

Erika Haber, giáo sư ngành Xlavơ học, Đại học Syracuse (Mỹ)

Câu 1: Xét về sự nổi tiếng quốc tế rộng rãi của "Harry Potter" đối với trẻ em và người lớn, thật khó nói rằng vẫn còn ranh giới giữa văn học "thiếu nhi" và văn học "người lớn". Tiếc rằng những cuốn sách nổi tiếng không phải lúc nào cũng có chất lượng, mặc dù chất lượng đặc biệt hữu ích đối với việc đọc sách thiếu nhi, vì nó giúp các em phát triển trí tuệ cảm xúc và năng lực sáng tạo, cũng như đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kỹ năng nhận thức.

Mặt khác, sự tiếp xúc với tất cả các thể loại văn học cũng cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của thiếu nhi. Còn một điều không kém phần quan trọng nữa, đó là các bậc phụ huynh và giáo viên cần đóng vai trò chính trong sự phát triển tình yêu và hứng thú đọc sách của trẻ em, bất kể các em yêu thích loại văn học nào.

Câu 2: Thị trường sách và các phương tiện truyền thông xã hội thay thế cho các tạp chí văn học thiếu nhi trước đây. Hiện nay, các bậc cha mẹ và con cái thường hay mua sách tại các cửa hàng hoặc trên Internet hơn là đọc các tạp chí thiếu nhi để biết những thông tin mới mẻ và thú vị. Họ thường biết về các các cuốn sách mới từ các blog, websites, "VKontakte" hay Facebook.

Tất nhiên, sách của các tác giả nổi tiếng bán rất chạy và mang lại lợi nhuận cho các cửa hàng sách, nhưng các tác giả ít nổi tiếng rất khó thu hút độc giả. Nền nếp ấy luôn luôn tồn tại ở nước Nga, nhưng hiện nay khi vận hành hệ thống thị trường mở, nước Nga bắt đầu gặp khó khăn trong việc đăng tải các tác giả trẻ hoặc ít nổi tiếng hơn. Mặc dù vậy, ở phương Tây cũng như ở Nga, mọi người vẫn tìm và tìm thấy những tác giả mới và tiên phong, cũng như đọc các nhà văn cổ điển.

Câu 3: Học tập các giá trị đặc biệt trở nên ít quan trọng hơn trong việc đọc sách văn học thiếu nhi hiện nay. Văn học thiếu nhi đương đại đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo điều kiện cho thiếu nhi trân trọng di sản văn hóa của cha ông. Nó thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển nhân cách, cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ nhỏ, đồng thời chuyển tải những đề tài và các tác phẩm chủ yếu của các nhà văn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo tôi, sự tiếp nhận các tác phẩm cũ hiện nay không thay đổi, vì trẻ em quan tâm tới cốt truyện hay, những nhân vật thú vị, câu chuyện dễ nhớ. Xét về mặt này, các em vẫn còn thích đọc thơ của K. Chukovsky, S. Marshak, B. V. Zakhoder, A. L. Barto, cũng như truyện cổ tích của A. N. Tolstoy và A.M. Volkov.

Mark Lipovetsky: tiến sĩ ngữ văn, giáo sư Đại học Colorado (Mỹ)

Câu 1: Theo tôi, việc xác định dứt khoát ranh giới giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn là vô ích. Có vô số những tác phẩm rất người lớn với nhân vật trẻ con (A. Belyi và B. Pasternak), và có không ít những tác phẩm viết cho thiếu nhi, trong đó không có nhân vật thiếu nhi (Swift và Dumas)...

Tất nhiên, ranh giới này rất động, không hiếm khi những cuốn sách viết cho người lớn theo thời gian trôi dạt về phía văn học thiếu nhi: Ngoài sách của Swift và Dumas nói trên, có thể kể đến Dickens, Jules Verne, Wells, Hašek, hay trong văn học Nga - Belyaev, Bazhov, Grin, Bulgakov, Strugatsky, Pelevin. Mặt khác, không nên quên căn bệnh ấu trĩ của thị hiếu văn học đương đại.

Tiểu thuyết nổi tiếng "Con sẻ vàng" ("The Goldfinch") của Donna Tartt - một cuốn sách điển hình dành cho thiếu nhi, và tất cả những lời trầm trồ thán phục về nó cả ở Mỹ lẫn Nga đều chứng tỏ sự bất lực trong việc đọc sách người lớn. Mandelshtam từng dự báo rằng mong muốn "chỉ đọc sách thiếu nhi" có thể triệt tiêu khả năng tiếp nhận một điều gì đó ngoài giới hạn sách thiếu nhi. Hình như điều đó đang diễn ra trước mắt chúng ta.

Câu 2: Thay thế cho các tạp chí văn học thiếu nhi, dĩ nhiên, là các cuốn sách. Thời gian gần đây còn có cả audio và sách điện tử... Bạn có thể phản đối rằng sách đã từng có trước đây. Đúng thế, nhưng hồi ấy thiếu kinh khủng. Tại các cửa hàng sách Liên Xô, chưa bao giờ có một sự lựa chọn sách thiếu nhi phong phú như trong bất cứ siêu thị sách nào hiện nay.

Tại các cửa hàng sách Liên Xô, có đốt đuốc giữa ban ngày, bạn cũng không tìm ra những cuốn sách hay. Tất nhiên, hiện nay do sách quá nhiều nên lại xuất hiện vấn đề lựa chọn. Thông thường, ở đây, các bậc phụ huynh lặp lại sở thích đọc sách thời thơ ấu của mình, và điều này nhiều khi góp phần phục hồi những chuẩn mực của thời đại Xôviết. Chính vì vậy mà cần một cái gì đó tương tự như tờ tạp chí để định hướng thị hiếu. Có lẽ, tốt nhất là một tờ phụ trương của một tờ báo mạng nổi tiếng nào đó.

Câu 3: Sẽ là sai lầm nếu bạn cho rằng văn học thiếu nhi có nghĩa vụ khẳng định một hệ thống giá trị nhất định. Nó không hơn bất kỳ một dòng văn học nào khác. Trước hết, văn học thiếu nhi phải hấp dẫn và có chức năng giải trí. Còn sau đó, những giá trị nào cần đề cao, những giá trị nào cần bác bỏ là vấn đề phân tích chuyên môn. Ví dụ, những giá trị nào được xác định trong các cuốn sách của Astrid Lindgren về Karlsson mà nhiều thế hệ Xôviết đã trưởng thành trong đó?

Như chúng ta biết, ở Thụy Điển, Karlsson được coi là một nhân vật tiêu cực, như một kẻ lừa đảo, một người bạn không đáng tin cậy. Còn chúng ta lại chết mê chết mệt vì khâm phục cậu ta với các ngón xảo thuật của cậu.

Nói chung, trong nền văn học thiếu nhi Xôviết, đặc biệt là thời hậu kỳ, các nhân vật phản diện, hoặc, ít ra là những nhân vật hai mặt về đạo đức mới thực sự là những nhân vật được mến mộ: không phải là Biết Tuốt, mà là Mít Đặc, không phải là bác Fyodor, mà mèo Matroskin, v.v...Vậy thì chúng khẳng định những giá trị gì?
Trần Hậu (dịch)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-quan-diem-trai-chieu-ve-van-hoc-thieu-nhi-o-nga-hien-nay-494157/