Những quan điểm đổi mới về phương pháp dạy và học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng sáng tạo và đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, đặc biệt là đối với công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

PGS.TS Lý Việt Quang – Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) – nêu trong bài tham luận của mình tại Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục” – do Học viện Quản lý Giáo dục và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức.

Bài tham luận nêu lên 4 quan điểm đổi mới về phương pháp dạy và học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một là, dạy học nhằm phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, người học bao giờ cũng là trung tâm. Bác luôn lưu ý những người dạy, những nhà giáo phải chú ý tới đặc điểm đối tượng, phải “đóng giầy theo chân”, không phải "khoét chân cho vừa giày”.

Điều này đòi hỏi người thầy phải bám sát, hiểu rõ đặc điểm đối tượng người học, từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức.

Người nhiều lần bày tỏ quan điểm chống lại cách dạy- cách học không hướng vào sự phát triển người học, không kích thích suy nghĩ trong học tập. Người yêu cầu phải tránh lối dạy nhồi sọ.

Người thầy cần phải có phương pháp dạy sao cho phát huy tốt tính chủ động sáng tạo của người học. Cần phải thực hành dân chủ trong giáo dục. Đối với mọi vấn đề “thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt”.

Đây là quan điểm mới trái ngược với phương pháp giáo dục nhồi sọ, áp đặt của chế độ thực dân, phong kiến.

Hai là, dạy học phải bảo đảm tính cơ bản của kiến thức

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tính thiết thực của việc dạy học. Người nhiều lần nhắc nhở phải tránh lối dạy học ôm đồm, chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, vừa không đạt hiệu quả đặt ra, vừa gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền của.

Người nêu lên chỉ dẫn trong dạy học: “Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Không tham nhiều, không nhồi sọ. Dạy một cách thiết thực”.

Người cho rằng, giáo dục phải đảm bảo tính vừa sức, phải căn cứ vào đặc điểm đối tượng, vào trình độ, năng lực và tâm lý người học, không nên tham nhiều, sẽ tạo tâm lý chán nản, không hứng thú trong học tập, vì thế sẽ không thể phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

Ảnh minh họa/internet

Ba là, nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác học tập, phải “lấy tự học làm cốt”

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, tư tưởng về tự học, đặc biệt là tấm gương mẫu mực tự học và học suốt đời của Người là bài học vô cùng quý giá đối với các thế hệ người Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm giàu vốn tri thức của mình bằng vốn tri thức tiên tiến nhất của thời đại, Người trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất thông qua con đường tự học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cốt lõi của việc học tập là tự học. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Người khẳng định: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”.

Tiếp đó, khi nói về công tác huấn luyện và học tập, năm 1950, Người nhấn mạnh một vấn đề lớn là: Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học; các học viên “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng.

Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ.

Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi ‘Vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.

Bốn là, học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời

Học tập là công việc đòi hỏi mỗi người cần phải luôn tự trau dồi kiến thức của mình qua nhiều hình thức học tập đa dạng, học mọi lúc, mọi nơi. Hồ Chí Minh lưu ý: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn.

Với Người, học tập là một công việc suốt đời, là một nhiệm vụ cách mạng. Bởi lẽ, xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng nhiều, máy móc ngày càng tinh xảo, để không lạc hậu, không bị đào thải, phải không ngừng học tập.

Người khẳng định: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Sự học là vô cùng vì “dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước”.

Để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới khi thế giới luôn vận động và ngày càng đổi mới, tri thức nhân loại ngày càng phong phú, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển... mỗi người phải không ngừng cố gắng nâng cao cả năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của bản thân.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Điều này đòi hỏi chất lượng giáo dục phải được nâng lên, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục phải có sự điều chỉnh, nhằm thực hiện chức năng đào tạo những con người mới vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh mới.

Những quan điểm sáng tạo và đổi mới về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được Đảng nêu ra từ Đại hội đại biểu toàn quôc lần thứ XI (2011) và Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XI (2013) tập trung đề cập, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Bài viết được lược dẫn từ tham luận của PGS.TS Lý Việt Quang – Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhung-quan-diem-doi-moi-ve-phuong-phap-day-va-hoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-vPUINOvGR.html