Những 'quả ngọt' của yêu thương (bài 2)

Trong tình yêu thương, sự cưu mang, che chở của người lính, các em nhỏ được Đồn Biên phòng Cầu Bóng, BĐBP Khánh Hòa nuôi dưỡng, đỡ đầu, đang vượt qua những khó khăn của cuộc đời, hướng tới tương lai tươi sáng trở thành người sống tốt, sống có ích cho xã hội.

Bài 1: Nuôi những giấc mơ bay xa

Bài 2: Hướng tới “con đường sáng”

Gần 15 năm qua, hội trường Nhà Văn hóa tổ 18, khu phố Trường Phúc (phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) về đêm luôn rực sáng ánh đèn. Trong tình yêu thương, chăm sóc, chở che của những người lính Đồn Biên phòng Cầu Bóng, nhiều thế hệ trẻ em nhà nghèo bên núi Sạn đã tập trung về đây “nhặt” từng con chữ, với niềm mong, mai này sẽ rẽ lối, bước tới “con đường sáng”.

Thiếu úy Lê Hồng Việt, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cầu Bóng giảng bài cho em nhỏ lớp học Tình thương. Ảnh: Phương Oanh

Lớp học giữa “vùng tối”

Dừng chân ngay tại lối rẽ trên cung đường 2-4 (ở tổ 18, khu phố Trường Phúc, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang), chúng tôi vượt qua con dốc cao, hướng về dãy núi Sạn để đến lớp học Tình thương của Đồn Biên phòng Cầu Bóng khi chập choạng tối. Chỉ cách con đường "mặt tiền" 2-4 sầm uất hạng nhất nhì của Nha Trang chừng 50 mét, nhưng Trường Phúc đã là "thế giới" cách biệt. Trong ánh đèn điện nhập nhòa khi màn đêm buông xuống, sự tĩnh lặng của không gian nơi đây khiến chúng tôi rùng mình lo ngại. Bởi, đã vài lần nghe những chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Bóng kể chuyện, những khách lạ đến nơi này đã bị các đối tượng hút chích bất chợt xuất hiện, chặn đường gây sự.

18 giờ 30 phút, từ các ngả đường bê tông men sườn núi, những đứa trẻ nhà nghèo băt đầu dắt díu nhau về quần tụ trong lớp học ở Nhà Văn hóa khu phố. Không phải mặc áo quần tươm tất, cũng không cặp nặng lỉnh kỉnh, mỗi em chỉ một tập vở trên tay, thoái mái bước vào lớp.

Phòng học chỉ 33 đứa trẻ, nhưng được chia thành 5 khối lớp. Tấm bảng to phía trước được thầy giáo vạch làm 5 ô cho 5 nhóm lớp. Thầy giáo Biên phòng như con xoay, khi bước lên bảng, lúc xuống từng bàn, cây thước kẻ trên tay thỉnh thoảng lại phát “hiệu lệnh" nhắc các em giữ trật tự...

“Hôm nay, các con nhóm lớp Năm làm bài tập toán; nhóm lớp Bốn, lớp Ba ôn cho thầy bài học tự nhiên xã hội; lớp Hai học Giáo dục công dân. Còn lại các con lớp Một nghe thầy đọc bài để viết chính tả...” – Thầy giáo Biên phòng căn dặn. Một thoáng lặng sau “mệnh lệnh” của thầy, lớp học đã lại có những tiếng rì rầm. Những mái đầu lô nhô cao, thấp, liên tục ngẩng lên, cúi xuống, cặm cụi đọc, viết.

Giờ học trôi qua trong niềm phấn khởi của thầy giáo, bởi hôm nay các con đi học rất đông đủ. Một số bạn còn hăng hái giơ tay trả lời khi nghe thầy đặt câu hỏi cho bài học. Lý giải với chúng tôi “căn nguyên” của tinh thần ham học đầy phấn khởi này, Thiếu úy Lê Hồng Việt, Đội phó Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng Cầu Bóng tâm sự: Trên địa bàn thành phố có nhiều điểm du lịch, giải trí rất thú vị, nhưng hầu hết những đứa trẻ nơi lớp học Tình thương này chưa bao giờ được bước chân vào chơi vì không có tiền.

Thương những đứa trẻ nghèo cứ khao khát, anh em Đồn Biên phòng Cầu Bóng đề xuất lãnh đạo phường và vận động một số doanh nghiệp du lịch hỗ trợ điều kiện cho các con được đến vui chơi mỗi năm một lần. Vậy là hai năm nay, cứ đến tháng 6, Đội VĐQC của đồn lại đứng ra tổ chức, đưa các con đi chơi. “Hôm Chủ nhật vừa rồi, các con có một ngày được vui chơi, tắm tưới, ngụp lặn thỏa thích ở khu du lịch suối khoáng. Khi ra về, các con đã cam kết học hành chăm chỉ và nghe lời thầy để năm tới lại được đi chơi. Từ bữa chơi về, cả lớp đi học không vắng bạn nào” - Thiếu úy Việt phấn khởi kể.

Theo người cán bộ VĐQC này, chuyện “níu chân” những đứa trẻ đến lớp, với các anh chính là một trách nhiệm quan trọng, luôn song hành trong công cuộc đấu tranh bảo vệ địa bàn. “Hàng chục năm qua, nơi này là tâm điểm tệ nạn ma túy của thành phố. Để triệt phá tệ nạn, đơn vị liên tục tuần tra, phối hợp với Công an truy quét ráo riết, song vẫn đâu vào đấy. Cái chính bây giờ là phải giáo dục người dân. Điều mà chúng tôi luôn trăn trở là số phận các em nhỏ” - Thiếu úy Việt tâm sự.

Đêm, đứng trước nhà văn hóa khu phố, tôi nhìn ra sau những con đường mòn trên lưng chừng núi mà không khỏi sợ hãi. Đó là lối đi dẫn lên các ổ tiêm chích ma túy nằm sâu trong những vọp núi, hang đá mà các lực lượng chức năng đã mất nhiều công sức vẫn chưa thể triệt phá hết.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng, nhân viên đội VĐQC cũng là thầy giáo đứng lớp cho biết, nằm trên núi Sạn, khu phố Trường Phúc có đến 80% người dân không có việc làm ổn định. Cuộc sống nghèo khó luẩn quẩn, khiến nhiều người mất phương hướng. Khi thì họ lăn xả làm bất cứ công việc gì, kể cả phạm tội để kiếm cơm, lúc lại lao vào tệ nạn cờ bạc, chơi bời nhậu nhẹt. Những đứa trẻ ra đời, lớn lên không chỉ thiếu thốn vật chất, mà còn thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của những người làm cha mẹ. “Cuộc sống khao khát nhiều thứ vô tình biến những đứa trẻ trở thành "công cụ" cho bọn nghiện hút. Khi lên cơn, bọn nghiện dúi vào tay những đứa trẻ năm, bảy ngàn hoặc vài gói bim bim, "thuê" các em nhỏ "cảnh giới" để chúng mang "đồ nghề" chạy vào núi. Nghiệt ngã hơn, chúng chỉ đường và sai các em đi mua ma túy giúp. Trường Phúc từng có vài em ở tuổi vị thành niên đã phải vào trường giáo dưỡng. Những năm đầu mới mở lớp, một học trò của chúng tôi đã không thể thoát khỏi cạm bẫy" – Thầy giáo Tưởng xót xa bộc bạch.

Niềm tin cho ngày mai

Ông Huỳnh Phúc, Tổ trưởng Tổ dân phố 18, khu dân cư Trường Phúc kể trong niềm xúc động: Gần 15 năm qua, lớp học tình thương này đã trở thành “tấm lá chắn” bảo vệ các con tránh được cạm bẫy của các đối tượng hút chích. Từ lớp học này, hàng trăm đứa trẻ nghèo đã lớn lên, trưởng thành, vào đời, tự thân vận động mưu sinh, tạo lập cuộc sống khá ổn định. “Dẫu không công chức, không địa vị, nhưng rất mừng là những cháu lớn lên tại lớp học này đã biết tránh xa tệ nạn ma túy, trộm cắp, chăm chỉ lao động, làm ăn lương thiện và luôn gắn bó với anh em BĐBP” - Ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho biết, nhờ sự nỗ lực kết nối, vận động của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Bóng, các cháu thường xuyên được nhận hỗ trợ tiền để cùng cha mẹ trang trải cuộc sống. Ngày tết, lễ, nhiều tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cũng trao quà, nên cháu nào cũng phấn khởi. Hầu hết các cháu đều theo học đến xong chương trình tiểu học.

Cách Trường Phúc không xa, căn nhà của vợ chồng em Nguyễn Thị Tươi ở gần chợ Vĩnh Hải nhỏ nhắn nhưng khá đầm ấm, nhất là từ khi có tiếng cười con trẻ. Tươi cũng là một cô bé nghèo bước ra từ lớp học Tình thương của những người lính Đồn Biên phòng Cầu Bóng. Ngày ấy, học đến lớp 3 của lớp Tình thương, Tươi đã xin được phụ việc buôn bán cho một gian hàng ở chợ Vĩnh Hải. 20 tuổi, cô bé lập gia đình và sinh con. Nhớ chuyện cũ, Tươi kể, hồi đó, nhà nghèo, ba bỏ đi theo người phụ nữ khác. Phần mẹ, ai thuê mướn gì, làm nấy, chỉ mong có được bữa cháo, bữa rau. Bốn chị em Tươi lớn lên không hề biết đọc, biết viết. Các chú BĐBP và cán bộ khu phố đến nhà “năm lần, bảy lượt” gọi đi học, nhưng em không chịu đi. Sau biết các bạn đến lớp mỗi tháng đều được nhận tiền, được tặng quà với gạo, mì gói, đường, sữa, thấy ham nên Tươi đã tự dắt 3 đứa em nhỏ cùng mình vào lớp.

“Khi mới lớn, chúng em chưa được ai dạy dỗ để biết điều gì là đúng, là sai, cũng không biết đụng tới ma túy là phạm pháp. Khi vào lớp học, chúng em được thầy và các chú quan tâm, dạy dỗ, căn dặn đủ điều. Hễ thấy vắng ở lớp là thầy đến nhà hỏi han, nghe bạn nào đau bệnh là thầy đến chăm sóc, cho uống thuốc” - Tươi xúc động kể.

Tiếp lời của con gái, chị Hồ Thị Lan, mẹ của Tươi tâm sự, giờ đây, hơn ai hết, chị biết ơn anh em BĐBP. Bốn đứa con chị đều lớn lên từ lớp học của BĐBP. Nếu không đi học, con không biết viết, biết làm toán thì không thể đi ra ngoài làm ăn, buôn bán để có cuộc sống no đủ. Và, “Điều tôi mừng nhất, được các chú, các anh chỉ dạy, con tôi biết đọc sách, báo, biết tìm hiểu điều hay, lẽ phải, biết sống tử tế với mọi người nên đời nó mới bớt khổ, cuộc sống gia đình nó mới êm ấm, hạnh phúc. Chuyện này trước đây tôi không tin mà giờ đã thấy” - Chị Lan cảm kích thổ lộ.

Nghe những câu chuyện từ vùng tâm điểm của tệ nạn ma túy này, tôi chợt nhận ra, chính lớp học tình thương của những người lính Biên phòng nơi đây đã tỏa ra một thứ ánh sáng, rọi vào xóm làng bên núi Sạn đầy trắc trở này. Những đứa trẻ nghèo đã tin lời thầy giáo Biên phòng, “học để sau này còn biết đọc chữ, biết làm toán rồi đi làm kiếm tiền mà không đói khổ, không lâm vào tệ nạn”. Những người cha, người mẹ các con đã có chút niềm tin vào ngày mai.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-qua-ngot-cua-yeu-thuong-bai-2/