Những quả đồi 'biến mất' tại Bắc Giang: Kỳ 2: Hàng vạn khối đất bị 'đánh cắp' tại huyện Tân Yên đã đi đâu?

Tiếp nối thông tin bài viết 'Bát nháo tình trạng khai thác đất tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang', phóng viên đã có nhiều ngày ghi nhận và bám theo những chiếc xe tải để biết cung đường từ nơi khai thác số đất 'ăn cắp' được lấy từ các quả đồi tại Tân Yên được chở đi đâu?.

Theo ghi nhận, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đất chạy vào các mỏ, điểm hạ cốt nền tại các xã Lam Cốt, An Dương, Cao Xá… để “ăn” đất; sau đó di chuyển qua những con đường làng, những chiếc cầu yếu ra đường liên tỉnh và chạy sang địa bàn các huyện khác.

Người dân cho biết, có nhiều quả đồi tại các xã trên đang bị khai thác, trong đó nổi bật lên những điểm của nhà ông Bắc ở thôn Ngàn Ván, xã An Dương; nhà ông Duyên, ở xã Anh Dương; nhà ông Du ở xã Lam Cốt...

Điều đáng nói, hầu hết những điểm “hạ độ cao” ở đây chỉ được cấp giấy phép mang dưới 3000 m3 đất dư thừa đi. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nơi những chiếc xe tải đang xếp hàng chờ được “ăn đất” tại một quả đồi ở thôn Ngàn Ván, xã An Dương là một khu đồi rộng lớn, có những chỗ đã bị múc sâu từ 5 - 7m. Quan sát bằng mắt thường có thể nhận định, lượng đất đã bị múc đi là hàng vạn khối chứ không phải là dưới 3000 m3 như giấy phép hạ độ cao. Vậy số đất mà những chiếc xe kia đang chở đi liệu có phải là đất khai thác trái phép hay không?.

Một “ông chủ” của điểm đang khai thác đất cho biết, giá đất ở đây dao động khoảng 70 - 80.000đ/m3, mỗi chiếc xe bình quân sẽ chở được vài chục khối đất trên một chuyến.

Lần theo xe chở đất, phóng viên đã nắm được đường đi và địa điểm đổ đất của những chiếc xe tải trên. Từ xã An Dương, Lam Cốt thuộc huyện Tân Yên, những chiếc xe tải này sẽ đi trên con đường bê tông độc đạo liên xã (được đầu tư gần 100 tỷ đồng bằng tiền ngân sách), di chuyển qua xã Việt Ngọc, rồi chạy ra tỉnh lộ 295 để về huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, sau đó đổ đất ở Dự án đường Vành đai 4. Được biết đây là Gói thầu số 09: Thi công xây lắp công trình tuyến chính từ KM+00 ÷ KM+ 200 và tuyến nhánh 1 (Dự án: Đường vành đai IV). Chủ đầu tư: Ban QLDA ĐTXD các công trình Giao thông tỉnh Bắc Giang. Đơn vị thi công: Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.

Khi di chuyển trên con đường bê tông độc đạo nối xã An Dương và Lam Cốt, những chiếc xe này sẽ phải đi qua 3 cây cầu dân sinh. Đáng chú ý, có những chiếc cầu chỉ cho phép trọng tải từ 5 - 7 tấn đi qua; thế nhưng những chiếc xe tải chở cả chục tấn đất vẫn ngang nhiên di chuyển qua cầu.

Tại mỏ đất thuộc khu vực xã Cao Xá, huyện Tân Yên. Căn cứ theo văn bản số 1318/UBND-TN ngày 26/4/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc “Gia hạn cho phép vận chuyển đất trong quá trình san gạt, hạ cốt nền xây dựng các công trình tại mỏ Barit Lang Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên” thì Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang chỉ được vận chuyển đất dư thừa trong quá trình san gạt mặt bằng, hạ cốt nền xây dựng các công trình phục vụ khai thác tại Barit Lang Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên. Khối lượng đất dư thừa còn lại là 47.980m2 được vận chuyển để san lấp mặt bằng cho Dự án mở rộng nhà xưởng sản xuất thuộc Nhà máy Gạch Đại Thắng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Ngọc Thiện TJC tại đồi trại Chè Nham, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên.

Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến thì nhiều chiếc xe sau khi vào mỏ này lấy đất đã không đi về địa điểm được nêu trong giấy phép để đổ đất san gạt mà lại di chuyển sang các huyện khác để san lấp mặt bằng dự án.

Những chiếc xe lấy đất từ mỏ của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang và đồ về dự án tại huyện Việt Yên.

Theo dấu của những chiếc xe chở đất, phóng viên đã tới được các dự án đang dùng đất của mỏ này để san lấp mặt bằng; trong đó có những điểm cách mỏ đất của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang hàng chục km. Điển hình là chiếc xe chở đất về tận Dự án Xây dựng Trạm biến áp điện tại thôn Vân Cốc 2, xã Vân Trung, huyện Việt Yên.

Dư luận đặt ra câu hỏi "những xe đất chở đi sai vị trí, khai thác vượt khối lượng cho phép thì có hóa đơn gì không?". Nếu những khối đất này không có hóa đơn kê khai thì đồng nghĩa với việc những đối tượng đang "hạ độ cao" có thể đút túi hàng chục triệu đồng một ngày mà không hề mất một đồng thuế nào?.

Không những thế những xe đất lên đến vài chục tấn ngang nhiên chạy rầm rộ, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn, hạ tầng giao thông cũng như sinh hoạt của người dân mà không hề có lực lượng chức năng nào xử lý. Phải chăng những chiếc xe tải đất đang được "bao che" bởi thế lực giấu mặt?.

Đặc biệt hơn, việc khai thác đất đồi trái phép, vượt khối lượng cho phép không phải chỉ diễn ra trong ngày một, ngày hai; bằng chứng là có những điểm khai thác đất đã "bay" 2 quả đồi thì trách nhiệm quản lý, giám sát của chính quyền huyện Tân Yên, huyện Hiệp Hòa và lực lượng Thanh tra giao thông huyện Tân Yên, Cảnh sát Giao thông huyện Hiệp Hòa nằm ở chỗ nào?.

Báo TTTĐ sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV điều tra

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ky-2-hang-van-khoi-dat-bi-danh-cap-tai-huyen-tan-yen-da-di-dau-d2054424.html