Những quả đồi 'biến mất' tại Bắc Giang: Kỳ 1: Bát nháo tình trạng khai thác đất tại huyện Tân Yên

TTTD - Thực trạng khai thác đất tại huyện Tân Yên đang diễn ra vô cùng phức tạp, đặc biệt là tại các xã như An Dương, Lam Cốt, Cao Xá.... Nhiều cá nhân, tổ chức đang lợi dụng vào giấy phép hạ cốt nền để 'đánh cắp' tài nguyên thiên nhiên. Thậm chí, có những điểm đã múc 'bay' vài quả đồi rồi sau đó mới làm thủ tục xin cấp phép.

Để ghi nhận những phản ánh trên từ bạn đọc, phóng viên đã có mặt tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc giang và có nhiều ngày ghi nhận thực trạng trên tại một số xã của huyện này.

Tại xã An Dương, phóng viên đã mục sở thị hàng loạt quả đồi bị “xới tung”, nhiều máy xúc, máy cầu, xe trọng tải lớn vẫn đang hoạt động vô cùng tấp nập.

Người dân tại đây cho biết, hoạt động khai thác đất đã diễn ra từ nhiều tháng nay, hầu như những quả đồi ở trong xã này đều đã được bán cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân có nhu cầu khai thác đất.

Điểm khai thác đất tại xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Khi chúng tôi nói có nhu cầu mua đất để tân nền dự án, thì ngay lập tức đã được người dân giới thiệu đến gặp ông Mạnh, cùng với thông tin “ông Mạnh là người đã mua nhiều quả đồi ở các xã quanh đây, muốn mua đất thì cứ tới hỏi ông ấy xem, chứ đồi ở đây người ta bán hết rồi, chỉ có mua lại được thôi”.

Theo chỉ dẫn, phóng viên đã gặp được ông Mạnh, người mà được cho rằng đã mua nhiều quả đồi quanh khu vực xã An Dương, huyện Tân Yên. Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua đất, ông Mạnh thẳng thắn nói: “Trong này chỉ có tôi múc chứ ai, tại đây tôi có 3 điểm đang múc. Tôi đã bỏ ra một số tiền để mua khoảng 20 quả đồi, giờ khai thác phải được vài năm”.

Những quả đồi mà người đàn ông tên Mạnh này đang thực hiện khai thác.

Ông Mạnh cũng cho biết, hiện một số điểm đang khai thác nhưng chưa hề có giấy phép lý do vì “không bõ làm thủ tục”. Chính ông Mạnh cũng tự khẳng định, điểm "hạ độ cao" tại xã An Dương giấy phép chỉ cho phép mang đất dư thừa đi là 2.900 m3 nhưng ông đã khai thác lên tới hàng vạn mét khối đất.

Để làm rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên đã làm việc với ông Lục Thế Đông - Chủ tịch UBND xã An Dương, ông Đông cho biết: "Tại xã An Dương chỉ có duy nhất 1 điểm được cấp phép hạ độ cao là của gia đình nhà ông Bắc tại thôn Ngàn".

Nhưng theo những gì người dân phản ánh và phóng viên ghi nhận, tại xã An Dương không chỉ có riêng một điểm nhà ông Bắc đang bị khai thác đất mà còn có nhiều quả đồi đang dần biến mất, điển hình là người đàn ông tên Mạnh nói trên đã cho biết về những điểm khai thác của ông ta.

Tiếp tục ghi nhận, có mặt tại một quả đồi đã bị múc nham nhở tại thôn Thể Hội, xã Việt Ngọc phóng viên có được thông tin, quả đồi này đã bị "xẻ thịt" khoảng 2 tháng không phép nhưng gần đây mới bị đình chỉ hoạt động.

Quả đồi đã bị "xới tung" mà người dân cho rằng thuộc địa phận xã Việt Ngọc.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Việt Ngọc cho rằng đây không phải là địa phận của Việt Ngọc. “Điểm trên là nơi giáp gianh với địa giới của xã Hoàng Thanh - Hiệp Hòa nên người dân nhầm tưởng là của xã Việt Ngọc” Vị Chủ tịch xã nói.

Tại xã Lam Cốt hay Cao Xá, huyện Tân Yên cũng có tình trạng nhiều quả đồi đang dần biến mất bởi hoạt động khai thác đất được diễn ra thường xuyên, đặc biệt hơn là hoạt động này diễn ra giữa “thanh thiên, bạch nhật”.

Một số điểm khai thác đất ở xã Cao Xá và Lam Cốt - Tân Yên.

Ông Đồng Văn Phái - Chủ tịch UBND xã Lam Cốt cho biết, ở Lam Cốt chỉ có vài địa điểm được cấp giấy phép hạ độ cao, số đất dư thừa có thể chuyển đi nhưng số lượng không được quá 3000 m3 đất vì đây là giấy phép do huyện Tân Yên cấp.

Có thể thấy, ở các xã An Dương, Việt Ngọc, Lam Cốt không hề có điểm nào được cấp phép mỏ đất mà đa số là giấy phép hạ độ cao do UBND huyện Tân Yên cấp. Đồng nghĩa với việc số đất dư thừa cho phép vận chuyển đi sẽ không được quá 3000 m3.

Nhưng theo quan sát của phóng viên, một số khu vực tại các xã trên đã bị múc sâu xuống từ 3 - 5 m để lấy đất, ước chừng có hàng vạn mét khối đất đã được khai thác. Điều đáng nói, việc khai thác đất được thực hiện rầm rộ, ôtô chạy ầm ầm nhưng không hề có cơ quan nào vào kiểm tra, giám sát.

Có những điểm đã múc sâu từ 5 - 7 mét, trên diện tích rộng hàng nghìn mét vuông.

Người dân tại đây còn phản ánh, có điểm đã múc “bay” 2 quả đồi tương đương với hàng vạn khối đất nhưng chẳng hề bị xử lý, mà có xử lý thì chỉ tạm dừng xong lại khai thác bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Địa điểm mà người dân phản ánh đã múc "bay" 2 quả đồi sau đó mới làm thủ tục xin cấp phép.

Ngoài những hoạt động lợi dụng giấy phép hạ độ cao để khai thác đất, phóng viên còn nhận được phản ánh mỏ đất thuộc khu vực xã Cao Xá, mặc dù chỉ được cấp phép khai thác để phục vụ cho việc san lấp nhà máy gạch Đại Thắng ở xã Ngọc Thiện, tuy nhiên mỏ đất này lại ngang nhiên múc đất và bán đi khắp nơi.

Cùng với đó, không ít phản ánh về điểm hạ cốt nền tại khu vực ngã tư Cao Xá. Người dân cho rằng, với giấy phép của UBND huyện nhưng các đối tượng ở đây đã múc đi hàng vạn khối đất.

Mặc dù đã có nhiều ngày “ăn bờ, nằm bụi” nhưng phóng viên vẫn chưa thể ghi nhận được hết các điểm có “những quả đồi chảy máu” trên địa bàn huyện Tân Yên theo phản ánh của bạn đọc.

Nhưng mới chỉ cần nhìn vào các xã như An Dương, Lam Cốt, Cao Xá thì đã có thể thấy việc khai thác đất tại đây đang diễn ra rất phức tạp, hầu hết các điểm khai thác đều bị phản ánh đã quá khối lượng cho phép.

Việc lợi dụng giấy phép để trục lợi tài nguyên đất không chỉ làm thất thoát thuế, phí tài nguyên mà còn phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên. Hoạt động này còn gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Mặc dù có những cây cầu yếu, đã có cảnh báo. Tuy nhiên, những chiếc xe có tổng trọng tải hàng chục tấn vẫn vô tư chạy qua.

Thế nhưng, do lợi nhuận từ việc bán đất san lấp cao nên nhiều “ông chủ” đã bất chấp các quy định của nhà nước, tìm cách lách luật để khai thác tài nguyên trái phép. Bởi mỗi ngày khai thác trót lọt thì những đối tượng đang "hạ độ cao" có thể kiếm lời bất chính hàng chục triệu đồng.

Nhưng điều đáng nói nhất, là hoạt động khai thác đất này không phải mới diễn ra nhưng không hề thấy sự vào cuộc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc nhiều quả đồi đang bị “chảy máu”, tài nguyên đất nước bị hao hụt, ngân sách bị thất thu.

Vậy hàng vạn khối đất bị "hạ quá đà” đã được tiêu thụ như thế nào, số đất dư thừa này đã đi đâu? Hoạt động xe tải, máy múc rầm rộ suốt ngày như thế liệu các cơ quan chức năng có nắm rõ điều này? Và trách nhiệm sẽ thuộc về ai nếu để xảy ra tình trạng "chảy máu tài nguyên"?.

Báo TTTĐ sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV điều tra

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ky-1-bat-nhao-tinh-trang-khai-thac-dat-tai-huyen-tan-yen-d2054420.html