Những quả chuối trâu quê ngoại

Hồi còn Pháp thuộc, căn lều nhỏ thầy mẹ tôi dựng tạm ở cạnh nhà anh Ca Wỏe, để tiện chăm sóc ông bà ngoại. Tôi sinh ra ở đây, vào một ngày cuối mùa đông năm 1947. Tôi cầm tinh con lợn, nhưng lại thò tay túm đầu chú chuột (1948). Từ căn lều mái rơm vách nứa đơn sơ này tôi đã cất tiếng khóc chào đời.

Đó là lời của đấng bề trên báo sớm cho biết, cuộc đời mày làm người sẽ phải khổ. Khổ từ đây con ơi. Đói khát sẽ làm con khổ. Rách rưới sẽ làm con khổ. Nóng lạnh sẽ làm con khổ. Mệt mỏi đau ốm sẽ làm con khổ. Buồn bã nhớ thương sẽ làm con khổ. Gen ghét đố kỵ sẽ làm con khổ. Vui mừng quá đỗi cũng sẽ làm con khổ. Nói tóm lại, thất tình lục dục sẽ làm con khổ. Nhưng con được sinh ra để làm người có ích cho cuộc đời, lại là niềm hạnh phúc rộng lớn bằng biển và trời cộng lại.

Nói xa nói gần, đây mới đúng là nơi chôn nhau cắt rốn cái thằng tôi mũi khoằm hôi nách. Nơi đó là quê ngoại của tôi, làng Phia Hoong thuộc xã Khâm Thành, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Không hiểu sao người ta lại phiên nó thành Phja Hồng nửa nạc nửa mỡ. Phja là thuần Tày, nghĩa là núi. Hồng là Hán Việt. Hồng có nhiều nghĩa: Là màu đỏ; là rộng lớn mênh mông… nhưng Phja Hồng gộp vào chả có nghĩa gì cả. Thôi thì gọi quen như thế rồi. Cứ thế mà hót cho nó âm vang.

Chuối trâu.

Chuối trâu.

Phja Hồng, quê ngoại tôi là một ngôi làng khá đặc biệt. Đời nào cũng có một vài chàng trai hào hoa phong nhã. Đời nào cũng có một vài cô gái xinh đẹp. Họ như từ trong tranh phục hưng bước ra. Mặc dù họ là con nhà nông dân thuần túy. Chân lấm tay bùn toàn tòng. Quanh năm suốt đời đi theo đít con trâu con bò cày cấy. Nhưng khi mãn việc đồng, trâu bò được nghỉ ngơi thả rông cho lên đồi ăn cỏ, người Phja Hồng lại thong thả cất lên tiếng hát dá hai để hồi sức, để trao gửi nỗi lòng. Để làm gì nữa, chỉ có trời mới biết. Tiếng hát vọng vào vách núi đá cao vút. Nhưng khi tiếng hát dá hai vọng dội lại, nó dính vào tai người nghe như cơm nếp rưới mật. Hát rằng:

“Anh ơi hỡi anh ơi
Em về nhà em
Anh ở lại nên nhớ rằng
Em để phần hồn em
Treo ở chuôi sàn
Hễ nghe lá rụng
Chớ giật mình
Nghe anh”.

Dá hai là một làn điệu hát dân ca của người Choang. Dân tộc Choang cùng ngữ hệ với người Tày Thái. (Cũng có người nói là hệ Tai - Kadai. Thôi thì tùy duyên mà gọi). Người Tày nói gì, người Choang liền hiểu ngay. Người Choang nói gì người Tày cũng hiểu ngay đấy. Xét về ngôn ngữ, tiếng Tày gần như là tiếng phổ thông ở vùng Cao Bằng, thậm chí cả vùng Việt Bắc nữa.

Phja Hồng, quê ngoại tôi, còn có nhóm gia đình họ Nông hành nghề ấp trứng vịt. Đây là công đoạn ấp vịt hoàn toàn bằng thủ công. Người ta có thể ấp một lúc vài trăm đến ngàn con vịt con cung cấp ra thị trường. Nhưng đây chỉ công việc phụ, việc vặt, nhằm kiếm thêm đồng ra đồng vào ngoài làm ruộng là chính.

Đàn ông Phja Hồng chăm chỉ có tiếng trong làng ngoài xã. Trên đôi vai họ không lúc nào được rỗi. Từ nhà đi ra khỏi cửa, lúc nào họ cũng gánh đôi sọt trống rỗng, gặp gì cũng bỏ vào đấy. Gặp phân trâu bò rơi, họ hốt lấy mang về bón ruộng. Gặp củi rác, nhặt về nhà thổi nấu. Gặp rau rừng thì hái về nấu canh cho người ăn, hoặc băm nhỏ trộn cám cho lợn gà.

Còn đàn bàn con gái, họ cực kỳ lãng mạn và yêu đời. Tôi chỉ nói đến thế thôi. Nói nữa sợ lạc đường. Thôi thì tùy mọi người suy đoán. Đoán già đoán non đều trúng cả. Con gái Phja Hồng vừa có nhan sắc xinh đẹp, lại vừa có giọng hát hay. Tiếng hát vang rền nền nẩy, làm say nghiêng ngả bao người đàn ông con trai. Điều này không có gì lạ. Đàn ông con trai không đem lòng mê mẩn họ, khao khát họ mới lạ.

Lại nói khu vườn anh Ca Wỏe hiện nay, chính là nền nhà cũ của nhà tôi. Giờ đây được gia đình anh trồng nhiều bụi chuối ta, tiếng Tày gọi là cuối vài, nghĩa đen là chuối trâu. Đây là giống chuối phổ biến nhất của vùng người Tày Cao Bằng sinh sống. Thân cây thẳng đứng, dáng cao to, chắc chắn như những cột nhà, một đứa trẻ lên mười ôm cây vừa khít. Lá chuối to bản và dày chắc như da dê thuộc. Mỗi tàu lá có thể che mưa được 5 đứa khỏi ướt áo. Mỗi buồng chuối chưa đến chục nải. Mỗi nải chưa đến chục quả. Quả chuối trâu to và dài bằng chiếc đèn pin con thỏ. Khi chuối chín, vỏ lên màu vàng sậm và nó có vẻ hơi buồn. Buồn vì trông nó không được đẹp. Nhưng lúc nào đói, chỉ cần ăn một quả là no đến ngực. Nói thật lòng, chuối trâu trông xấu xí chưa từng thấy. Nhưng thịt nó thơm, ngọt và lành cũng chưa từng nghe.

Ký ức Trùng Khánh, tranh của Hoàng A Sáng.

Tôi biết ở dưới xuôi có giống chuối cau, quả nhỏ mập tròn hình quả cau. Khi chưa chín, nhiều người tưởng nhầm đây là chuối ngự.

Còn chuối ngự, khi chín vẫn còn có một sợi râu. Đây là loài chuối đặc biệt thơm và ngọt, xưa kia người dân dùng để tiến vua, ta quen gọi là chuối tiến vua.

Chuối tiêu mới là loại chuối được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Nhìn quả chuối thon gọn và đẹp. Nó uốn hình trăng lưỡi liềm, cong cong mềm mại như người con gái tắm suối đêm trăng. Khi chuối bắt đầu chín, nó dậy mùi thơm phức khắp xóm. Còn lúc ăn, chuối ngọt thanh hơn cả kẹo socola.

Thấy các giống chuối dưới xuôi đặc biệt thơm và ngọt, nhiều người đã mang về quê trồng thử. Nhưng chúng làm sao chịu nổi sương muối, mưa tuyết xứ ôn đới. Thời tiết mùa đông trên quê tôi khắc nghiệt còn hơn mụ dì ghẻ. Cái lạnh buốt đến tận đỉnh đầu như nuốt phải cồn sát trùng. Nhất là vùng đất Co Xàu, Trùng Khánh cứ gọi là đặc sản sương muối. Các giống chuối tiêu “tiểu thư mảnh mày hay hạt” của người Kinh dù được trồng đúng kỹ thuật, được trông coi chăm sóc kỹ càng đặc biệt, nhưng chúng đều lần lượt còi cọc rồi chết đứng cả một loạt.

Chỉ có chuối trâu xâu xấu như trâu mà sống khỏe. Thậm chí chúng còn khỏe hơn người thổ dân bản xứ. Có nhiều năm sương muối gieo rắc khắp cánh đồng bản làng, khắp các núi đồi bãi cỏ … trắng toát như khăn tang. Có những năm suốt cả mùa đông lê thê gió mưa ẩm mốc không có ngày nào hửng nắng. Trời rét căm căm làm mẩn mề đay, gây ngứa trên làn da, cào rách cả thịt chảy cả máu. Thế mà chuối trâu không hề hấn gì. Nó tung bay tàu lá tươi cười như những phướn xanh.

Ngày trước, thời chúng tôi còn nằm trong nôi, mẹ đi chợ chỉ dám mua được đôi quả chuối về làm quà cho con. Đôi quả chuối toòng teeng nhoóc nheéc vui suốt dọc đường từ chợ tới nhà. Trên đường về, cứ nhìn thấy chuối là hiện lên một gia đình nhỏ, có những đứa con bé tý mặt mũi lấm lem, chúng đang há miệng chờ mong mẹ về chợ.

Có thể nói chuối trâu trở thành một biểu tượng của hạnh phúc. Nó giản dị như người nông dân miền núi chúng tôi. Một thời nghèo khó đến một quả chuối cũng không dám cho con ăn hết. Đến bữa, chỉ dám xắt một khoanh chuối mỏng như tờ bìa carton. Người mẹ nhai thật kỹ lẫn với cơm như cháo, rồi mới bón cho con ăn. Lớn chút nữa thì lát chuối dày thêm một tý. Cứ thế chuối trâu nhẩn nha chầm chậm lớn theo người. Già nửa thế kỷ, tôi vẫn còn nhớ lời cụ giáo già Bế Cảnh người làng Thang Lý nói ngày nào: “Chúng mày nhờ có chuối trâu mà trở thành ông nọ bà kia. Nào là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, tiến sĩ, giáo sư, tướng tá…đều từ chuối trâu mà thành”.

Nói thế cũng không ngoa tý nào. Ai đời với một đứa trẻ sơ sinh mới vài ngày tuổi, đã được mẹ mớm chuối thay cho sữa. Quả chuối xấu xí thô mộc chả giống ai, nhưng nó biến thành máu nuôi cái thể xác con người.

Viết tới đây, tôi không nín được lòng mình. Tôi có người cô ruột là bà Hứa Thị Loan. Cô tôi mất, khi tuổi đời hãy còn rất trẻ. Ngày ấy ba em tôi là Nông Đức Hồng, Nông Đức Lê, Nông Đức Vụ còn quá nhỏ. Thằng út mới được vài tháng tuổi. Em tôi bò lên xác mẹ. Rồi nó lấy tay lần tìm bầu vú. Miệng nó ngậm vào đầu vú. Em tôi mút mãi mà không còn giọt sữa nào. Nó khóc ré lên, làm cả nhà không ai cầm được nước mắt. Rồi từ đấy, phiên chợ nào mẹ tôi cũng gửi chuối trâu về cho các em. Hình ảnh ba đứa em tôi ra đứng đầu bản chờ mẹ về chợ. Chờ đến tối mịt, nhìn không rõ đường nữa mà vẫn không thấy mẹ. Chỉ có nải chuối trâu trên đôi tay. Nó nặng trĩu như nước mắt khóc cô. Chuối ơi là chuối.

Chuối trâu đã trở thành một kỷ niệm đau xót nhất trong đời tôi.

Y Phương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-qua-chuoi-trau-que-ngoai-646249/