Những quả bom Nga nào chặn đứng được đoàn xe tăng Abrams

Người Mỹ có vẻ như thích 'bom 'Drel' Nga...

Lại xin giới thiệu tiếp ngay bài so sánh vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự Mỹ- Nga với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 25/11/2020.

Bom bay "Drill" của Nga (Ảnh: Dmitry Reshetnikov / TASS)

Bom bay "Drill" của Nga (Ảnh: Dmitry Reshetnikov / TASS)

Tạp chí The National Interest của Mỹ, theo đúng tinh thần chủ đạo quen thuộc coi "chiến tranh là một hoạt động thương mại", đã vừa mới thử tính toán chi phí của các đòn tấn công bằng tên lửa - bom và đã thực sự choáng khi nhận kết quả.

Để có thể phá hủy một xe "cơ động- thánh chiến" nào đó trị giá khoảng 15.000 đô la, thường phải sử dụng những quả tên lửa chính xác cao có giá trung bình hơn nửa triệu đô la/quả.

Ngay cả kiểu phương tiện rẻ tiền nhất để thực hiện các cuộc không kích có độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu mặt đất - bom bay GBU-39 - cũng khiến Lầu Năm Góc phải chi tới 70.000 USD/bom. Cứ như thế này thì không mấy chốc mà (Lầu Năm Góc) phá sản.

Tuy nhiên, The National Interes lại đã phát hiện ra rằng người Nga có một kiểu bom giá cực mềm nhưng lại sở hữu những khả năng tác chiến rất tốt.

Nói cho đúng thì tạp chí này cũng có thòng thêm một câu là quả bom Nga này chỉ “tốt” khi được sử dụng để chống lại những đối phương không phải mạnh nhất xét về mặt công nghệ.

Những kẻ thù dạng như vậy thì lại có quá nhiều ở Syria, nơi Nga đang thử nghiệm loại đạn lớp "không đối đất" này trước khi đưa vào trang bị.

Đó chính bom chùm bay (định hướng) PBK-500U "Drel" mang các quả bom con tự dẫn SPBE-K do Liên hiệp Khoa học- sản xuất (NPO) "Basalt"- một công ty con của tập đoàn "Techmash" chế tạo.

Bom “Drel” đã được nghiên cứu chế tạo trong suốt một phần tư thế kỷ. Công tác nghiên cứu-thiết kế được triển khai từ những năm 90, nhưng đã bị kéo dài do những khó khăn phát sinh khi thực hiện những yêu cầu đặt ra trong nhiệm vụ kỹ thuật về độ chính xác.

Lẽ nó đã được đưa vào trang bị từ cách đây 2 năm, nhưng đã có quyết định tiến hành thêm một số cuộc thử nghiệm trong điều kiện tác chiến thực tế. Có nghĩa là tiếp tục cho thử nghiệm tại Syria.

Hiện tại, theo các nhà thiết kế bom, giới quân sự Nga đã không có bất kỳ phàn nàn nào về "Drel". Và nó sẽ được đưa vào trang bị cho các đơn vị chiến đấu của Không quân Nga ngay trong năm tới.

Trọng lượng bom- 540 kg. Chiều dài - 3100 mm, đường kính tối đa - 450 mm. Bom chứa 15 quả bom con (phần tử tác chiến) được thiết kế để tiêu diệt xe bọc thép, các công trình kỹ thuật kiên cố, các trạm radar của tổ hợp tên lửa phòng không và các sở chỉ huy.

Độ cao cắt bom- trong dải từ 100 m đến 14.000 m khi máy bay- phương tiện mang đang bay với tốc độ từ 700 km / h đến 1100 km / h. Khi chế tạo phần thân bom, các công trình sư đã ứng dụng công nghệ tàng hình, thành thử các radar rất khó phát hiện được nó.

Vào thời điểm tách ra khỏi máy bay, “Drel” bắt đầu bay bằng cách mở các cánh gấp. Việc hiệu chỉnh đường bay được thực hiện bằng cách sử dụng bánh lái khí động học.

Tọa độ của mục tiêu được cài trong bộ nhớ của bom và đường bay được điều khiển bằng tín hiệu GLONASS. Cự ly bay tối đa của bom tính từ điểm tách khỏi máy bay lên tới 30 km. Như vậy là đủ để máy bay cắt bom mà không cần phải bay vào khu vực chịu trách nhiệm của các tổ hợp tên lửa phòng không lục quân tầm ngắn.

Tình huống tấn công thuận lợi nhất- đó là khi một đoàn xe tăng đang hành tiến và chỉ được các tổ hợp tên lửa phòng không có tầm bắn không quá 15 km bảo vệ.

Khi tiếp cận mục tiêu đơn lẻ hoặc mục tiêu cụm, bom phóng ra 15 bom con, mỗi bom con được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại hoặc radar.

Giá thành của "Drel" nếu so với bom của của Mỹ là quá thấp – chỉ khoảng 15.000 đô la. Nhưng tuy thế, bom này lại có một số phẩm chất mà các loại bom tương tự khác không có.

Trên mỗi quả bom con đều được lắp thiết bị nhận dạng “địch- ta”. Có nghĩa là, lấy ví dụ, nó có thể được ném xuống một khu vực đang có trận đấu tăng, nhưng xe tăng của “ta” vẫn sẽ an toàn không hề hấn gì.

Khối lượng ấn tượng của đầu đạn trên mỗi quả đạn con cho phép “Drel” tiêu diệt các xe tăng chiến đấu chủ lực của đối phương bằng cách tấn công chúng từ mặt phía trên ít được bảo vệ nhất.

Có nghĩa là, trong tương lai gần, những quả bom rất hiệu quả này sẽ được sử dụng rộng rãi.

Vâng, quả đúng là sử dụng “Drel” sẽ thực sự rẻ hơn nhiều so với sử dụng bom GBU-39. Tuy nhiên, tất cả lại không hề đơn giản như vậy. "Người Mỹ" có tầm bay sau khi tách khỏi máy bay đến 110 km.

Như vậy có nghĩa là gần gấp 4 lần cự ly bay của “Drel”. Sở dĩ “người Mỹ” bay được xa như vậy, một phần rất đáng kể là nhờ máy bay- phương tiện mang cắt bom khi đang bay tốc độ siêu âm- khoảng 2 M.

Bom Mỹ cũng có khả năng “tàng hình” cực ấn tượng, diện tích phản xạ radar hiệu dụng của nó, theo như công ty thiết kế- chế tạo nó là Boeing khẳng định, thì chỉ là 0,015 m2. Thông số này của "Drel" không được tiết lộ.

Bom bay GBU-39. Nguồn: mofiin.com

Nhưng tất nhiên, ngoài ưu điểm là giá thành rẻ, bom Nga còn có ba ưu thế nữa mà chắc chắn "người Mỹ" không có.

Trước hết, đó là khả năng chọn mục tiêu, tức là, "quân ta không đánh quân mình." Thứ hai, nó có khả năng tấn công các mục tiêu di động nhờ có đầu tự dẫn. Thứ ba, một quả bom có thể tiêu diệt tối đa15 mục tiêu.

Thêm nữa, lại không hề vi phạm Công ước quốc tế về bom- đạn chùm,vì công ước này cho phép sử dụng chúng nếu mỗi quả bom- đạn con nặng hơn 20 kg. Các quả bom con của “Drel” nặng hơn 20 kg nhiều.

Bom Joint Direct Attack Munition (JDAM)

Tuy nhiên, tờ The National Interest, như người ta thường nói, đã giả nghèo giả khổ. Không quân Mỹ cũng có những kiểu bom với giá thành không chênh lệch bao nhiêu so với giá thành của “Drel” Nga.

Vào cuối thế kỷ trước, các kỹ sư Mỹ đã thiết kế một bộ thiết bị biến bom rơi tự do thành bom bay dẫn đường bằng tín hiệu GPS – đó là Joint Direct Attack Munition (JDAM).

Một quả bom thông thường được “cải hoán” bằng cách lắp thêm một bộ điều khiển khí động học, bộ thu tín hiệu GPS và hệ thống điều khiển. Cả bộ này có giá 21.000 đô la.

Quả bom Mk 82 nặng 500 cân Anh nguyên thủy nhất có giá 4.000 đôla. Cộng thêm bộ JDAM nữa – thành 25.000 đô la. Bom “thông minh hóa” Mk 84 nặng 2000 cân Anh sẽ có giá 37.000 đô la.

Tuy vậy, quyết không thể nói những loại đạn dược Mỹ nói trên là sản phẩm “hạng hai” được. (Vì) Sai số xác suất vòng tròn của JDAM chỉ là 10 mét.

Và cách đây không lâu, một số bom đã bắt đầu được lắp đầu tự dẫn để tiêu diệt các mục tiêu di động. Và chúng có thể bay đến 28 km. Thêm nữa, nếu tăng tốc độ của máy bay- phương tiện mang lên 1,5 M, tầm bay của bom có thể tăng lên 40 km.

Và cả GBU-39 và JDAM Mỹ đều có một lợi thế không thể tranh cãi trước “Drel” Nga. (Đó là) Các bom Mỹ đã được sản xuất và được cả Không quân và Không quân hải quân nước này sử dụng từ lâu. Trong khi đó, "Drel" Nga vẫn mới chỉ là một kiểu bom “triển vọng”.

Vào thời điểm hiện tại, tại nước Nga, ngoài NPO “Basalt” như vừa dẫn, còn có Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật” (KTRV) cũng tham gia vào việc thiết kế chế tạo bom bay có độ chính xác cao.

Tập đoàn này đã tiến hành thành công các thử nghiệm bay- thiết kế một tổ hợp có ba loại đạn dược chính xác cao lớp “không đối đất”,- hiện mới chỉ biết tên mã số nhà máy của tổ hợp này là 9-A-7759.

Tổ hợp (bộ) vũ khí này có hai bom hàng không tầm bay 65 km. Kiểu đạn thứ ba- là một tên lửa có cùng kích thước, nhưng được trang bị động cơ phản lực đẩy nhiên liệu rắn. Cự ly bắn đạt 120 km.

Trọng lượng của cả bom và tên lửa- đều vào khoảng 500 kg. Nhưng trọng lượng đầu tác chiến của chúng có sự khác biệt đáng kể - từ 315 kg đến 480 kg, - do tên lửa phải “dành” một phần dung tích đáng kể để lắp động cơ và cho khoang chứa nhiên liệu.

Đầu đạn- cả kiểu nổ mảnh và xuyên bê tông. Dẫn đường tới mục tiêu bằng tín hiệu GLONASS / GPS với độ chính xác 3-5 mét.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nhung-qua-bom-nga-nao-chan-dung-duoc-doan-xe-tang-abrams-3423197/