Những phút thăng hoa của điện ảnh

Trong suốt hơn trăm năm lịch sử, điện ảnh luôn là môn nghệ thuật đứng trước 'vành móng ngựa' nhiều nhất. Dường như lời tiên tri của vị cha đẻ ra điện ảnh, Louis Lumìere, rằng 'điện ảnh là một phát minh không có tương lai', đã như lời nguyền ám ảnh 'nàng công chúa' bộ môn nghệ thuật thứ 7 từ thuở mới chào đời.

Cứ vài thập kỷ, người ta lại kháo nhau, điện ảnh, thứ ta hiểu là phim ảnh được chiếu trong rạp chiếu bóng, sắp chết, chết dưới lưỡi hái của truyền hình, của sự ra đời DVD, của sự bành trướng của streaming nói chung và Netflix nói riêng, và giờ, của COVID-19.

Có lẽ điện ảnh cũng đang hấp hối thật. Mùa thu năm ngoái, sau năm lần bảy lượt hoãn chiếu vì dịch bệnh, Disney không còn cách nào khác là tung ra bom tấn trị giá 200 triệu USD “Mulan” trên nền tảng trực tuyến Disney +. Dù doanh thu của “Mulan” còn là một bí ẩn, những số liệu ước tính cho thấy bộ phim hẳn đã cứu cho Disney một năm tài chính khó khăn, trong khi bom tấn “Tenet” ra rạp cùng thời điểm thất thu thảm hại. Và khi sự hiệu quả vaccine còn là một lời hứa mơ hồ, thì điện ảnh trong quãng thời gian tới sẽ vẫn hôn mê trong bầu không khí ảm đạm.

Nữ tài tử nổi tiếng Frances McDormand có màn trình diễn ấn tượng trong “Nomadland”, phim được dự đoán là ứng viên nặng ký bậc nhất cho Oscar năm nay.

Nữ tài tử nổi tiếng Frances McDormand có màn trình diễn ấn tượng trong “Nomadland”, phim được dự đoán là ứng viên nặng ký bậc nhất cho Oscar năm nay.

Thế nhưng, ngay cả giữa cơn hấp hối, điện ảnh vẫn can đảm phi thường. Trong một năm màn ảnh rộng gần như tối đen, vẫn còn đó những thước phim đẹp bất chấp, những thước phim mà có lẽ, như Alfred Hitchcock lừng danh từng mô tả, "không phải là một lát cắt cuộc đời, mà là một phần miếng bánh", một miếng bánh tinh thần cho một thế giới vật chất ngày càng khô hạn và co rút lại.

Khi Việt Nam gửi “Mắt biếc”, một bộ phim sạch sẽ đến vô hồn, trở thành đại diện đi tranh cử Oscar năm tới, tôi thầm ước sao những nhà quản lý điện ảnh sẽ xem những quốc gia và vùng lãnh thổ kế cận họ chọn những bộ phim như thế nào. Nói cho đúng ra, tôi thầm ước sao họ xem “Dương quang phổ chiếu” của đạo diễn Chung Mạnh Hoành mà Đài Loan (Trung Quốc) đã gửi dự thi, bộ phim được tạp chí Variety xếp là phim hay nhất 2020, một bộ phim mang theo toàn bộ những lý do để ta tuyệt vọng vì bị làm người và cũng mang theo toàn bộ những lý do để ta hy vọng vì được làm người.

Tuyệt vọng bởi suốt hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, chuyện phim cứ ngày một lún vào một bãi lầy bi kịch, không có tồi tệ nhất, chỉ mỗi lúc một tồi tệ hơn. Một gia đình với đứa con trai út A Hào còn ở tuổi vị thành niên phạm tội và bị bắt đi giáo dưỡng. Rồi cô bạn gái của cậu xuất hiện, đã mang thai. Như thể chưa đủ bất hạnh, đứa con trai cả ngoan ngoãn, niềm hy vọng của cả nhà, nhảy lầu chết ngay lập tức. Đến khi đứa con út trở về và tu chí, thì lại bị ép uổng vào một đường dây tội ác.

Cuộc đời dường như không buông tha cho bất cứ ai đã lỡ bước sa chân vào nó, và như một kẻ tống tiền dai dẳng, nó đeo bám con người đến kỳ cùng, đến khi họ không thể đào thoát và không còn ngã rẽ nào khác để xuôi theo, ngoài suy đồi hay tự hủy.

Nhưng hy vọng, bởi, như người con trai cả đã nói với người gần như bạn gái, rằng trên thế gian này, thứ công bằng nhất là mặt trời. Luôn có mặt trời chiếu rọi, dù người ta có trốn chạy hay vờ như không thấy nó bao lâu. Bộ phim mở đầu vào một đêm mưa, kết thúc bằng một ngày nắng rạng, và suốt dọc bộ phim, ngày nối tiếp đêm, luân hồi như thiện ác, tội lỗi và cái chết luôn được xếp vào ban đêm, còn ban ngày là lúc họ dẫn nhau đi sở thú, là lúc họ đạp xe dưới hàng cây xanh rì lấp lóa ánh dương, là lúc họ chạy như bay hạnh phúc vì được giải thoát, là lúc họ đứng trên đồi cao tự thú với người mình yêu một bí mật sâu kín kinh hoàng.

Cũng nằm trong danh sách những phim hay nhất của 2020 do Variety bầu chọn, “Nomadland” (Vùng đất du mục), bộ phim đoạt giải thưởng Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice năm qua, do Chloe Zhao, một nữ đạo diễn người Mỹ gốc Hoa dàn dựng, cũng kể về niềm tuyệt vọng và hy vọng của việc bị / được làm người, trong một bối cảnh khác và với những niềm day dứt khác.

Nó ngược về một thập niên trước, khi nền kinh tế thế giới bị đánh sụp bởi một cuộc khủng hoảng trầm trọng năm 2008. Ở Mỹ, một nhà máy sản xuất thạch cao lớn đóng cửa, khiến hàng ngàn công nhân mất việc và bị đẩy ra đường. Fern là một trong số đó. Mất việc, mất chồng, chị bắt đầu một cuộc đời rong ruổi trên một chiếc xe van, đi dọc những con đường vắng hoe của nước Mỹ, làm bất cứ việc gì có thể làm, gói hàng ở Amazon, lau dọn vệ sinh, phục vụ ở cửa tiệm ăn nhanh, thu hoạch củ dền, rồi gia nhập vào một cộng đồng những kẻ lang thang không nhà như chị. Giữa những giờ làm việc, chị bồi hồi nhớ về người chồng đã chết.

Cảnh trong phim “Dương quang phổ chiếu”, tác phẩm giành vô số giải thưởng tại Liên hoan phim Kim Mã (giải thưởng được ví như Oscar châu Á) năm ngoái

Khác với “Dương quang phổ chiếu”, “Nomadland” không phải sự xen kẽ của bóng tối và ánh sáng, nó chỉ là bóng tối, nó là một khúc bi ai về những cuộc đời không tương lai, không hứa hẹn, không hy vọng, không có khả năng hy vọng. Những nhân vật của “Nomadland” không vùng vẫy một lần cho mãi mãi như những nhân vật của “Dương quang phổ chiếu”, họ để mặc mình dần chìm xuống, và tìm niềm vui trong chính sự thảm bại của mình. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất phim, Fern trong đêm tuyết căm căm, cô độc, đốt một ngọn pháo sáng nhỏ, đi quanh, tự chúc mừng năm mới với chính mình, hoặc một lúc khác, chị cầm một viên đá thủng lỗ chỗ và cố nhìn thế giới xung quanh qua viên đá ấy, như thể sẽ thấy một điều gì khác hơn là sa mạc mênh mông.

Tại sao những bộ phim như vậy lại quan trọng trong thời đại này? Giả sử “Nomadland” hay “Dương quang phổ chiếu” phát hành vào một thời điểm khác không phải 2020, chúng vẫn là những bộ phim hay vô kể, nhưng khi chúng xuất hiện vào năm 2020, chúng còn mang một ý nghĩa nhiều hơn thế.

Rõ ràng khi làm ra những thước phim này, Chloe Zhao hay Chung Mạnh Hoành không thể tiên đoán trước thế giới lại một lần nữa rung lắc vì những biến cố nằm ngoài mọi dự toán. Và dù đặt ở những bối cảnh khác, Đài Loan giữa thập niên 90 hay nước Mỹ năm 2008, nhưng những bộ phim tựa như bài học đến từ quá khứ, vào đúng thời điểm ta cần có chúng. Bề mặt của cuộc khủng hoảng mà ta đang gánh chịu có thể khác với những cuộc khủng hoảng trong những bộ phim, nhưng bản chất của sự bất định, sự bấp bênh của số phận và sự bất lực của con người trước đòn giáng dứt khoát của cuộc đời thì không hề khác.

Những tai họa bất ngờ ập vào cái gia đình trung lưu đang tạm yên ấm trong “Dương quang phổ chiếu” xét cho cùng cũng giống như những tai họa mà cuộc khủng hoảng tài chính oằn lên vai những người lao động thấp nhất trong “Nomadland”, cũng giống như những tai họa không điềm báo thốt nhiên thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta hôm nay.

Và con người có thể làm gì để trả đũa? Câu trả lời có thể khiến bạn thất vọng, nhưng không, ta chẳng thể làm gì. Cậu bé A Hào muốn rời bỏ tội ác, nhưng tội ác không rời bỏ cậu. Fern muốn tìm một ngày mai tươi sáng hơn, nhưng làm gì có ngày mai tươi sáng ấy, và cô chỉ có thể đi tiếp với nỗi đau là bạn đồng hành. Không, một khi cuộc đời đã quyết thì con người xét trên phương diện cá thể không thể làm gì để thay đổi cuộc đời.

Điều duy nhất ta có thể làm, là chấp nhận và tận hưởng mọi trớ trêu ấy, như người anh trai của A Hào đã rủ cô gái anh thích đi sở thú ngắm những con tinh tinh vào một ngày thứ Bảy trước khi giã biệt cõi đời, như A Hào đã bẻ khóa một chiếc xe đạp, mượn tạm để chở mẹ đi dạo dưới vòm cây, như Fern đốt pháo sáng trong đêm tăm tối, như người bạn của cô trước khi chết vì ung thư nói rằng cuộc đời bà đã trọn vẹn vào giây phút bà được đi canoe xuống Alaska và nhìn thấy những đàn nhạn đang đẻ trứng, và bà không mong cầu gì thêm nữa.

Chưa bao giờ cuộc sống khó đoán như giờ đây. Chưa bao giờ, ta chứng kiến thế giới mong manh và dễ tổn thương nhường thế. Mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nằm ngoài quyền kiểm soát của ta. Nhưng cũng đừng quên ta có quyền biến một phút giây bất kỳ trở thành một phút khiến cuộc đời trọn vẹn thăng hoa, mà tại phút giây ấy, dù thế nào đi nữa ta cũng biết ta đã từng có mặt trên đời không hối tiếc.

Hiền Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/antg-629288/