Những phụ nữ phi thường

Mùa mưa ở Huế nổi tiếng khắc nghiệt, ẩm ướt và lạnh buốt. Cô ấy lại đang mang bầu những tháng cuối cùng.

Những người đàn bà phi thường của Đinh Giang là tập truyện ký, tản văn viết về những phụ nữ được ví mềm mại như dòng nước chảy, nhưng lại gánh trên vai nghị lực như đá. Đó là những phụ nữ can trường, đầy lòng nhân hậu và kiên nhẫn... Được sự đồng ý của tác giả, Zing xin trích đăng một phần cuốn sách.

Ba tôi đàn ông, là phái mạnh, nhưng có lẽ đó là cái mạnh về thể chất. Về mặt tinh thần, những người đàn bà như mạ tôi nói chung mạnh mẽ hơn nhiều, theo một cách rất riêng của họ.

Tôi không thể tưởng tượng được mạ tôi lấy đâu ra từng ấy sức lực để vừa bán buôn, vừa vun vén gia nương, duy trì sự ảnh hưởng của mình lên mấy đứa con, mà vẫn có đủ thời gian để thấu suốt vỗ về tâm can của chồng.

Cách sống một nửa nồng nhiệt, một nửa bình tĩnh của bà làm tôi thấy mạ mình giống những nhân vật nữ trong một tác phẩm văn học nào đó hơn là ngoài đời thật.

 Sách Những người đàn bà phi thường. Ảnh QM.

Sách Những người đàn bà phi thường. Ảnh QM.

Khách quan mà nói thì mạ tôi không phải là phụ nữ đẹp, nếu căn cứ những chuẩn mực truyền thống. Bà không có xương dài, cổ cao hay khuôn mặt đài các, nhưng cái vẻ duyên dáng hài hòa của bà khiến người đối diện tin rằng bà rất đẹp, đặc biệt là ba tôi. Đến bây giờ, ông còn nói “hồi trẻ mạ bây đẹp lắm!”.

Còn tôi, bàn tay đẹp nhất mà tôi từng được thấy, được cầm nắm, là bàn tay mạ. Đôi bàn tay rám nắng vì phải đứng ngoài trời suốt ngày, nổi nhiều lằn gân xanh rõ nét, nhưng những ngón tay thì tuyệt đẹp.

Đó không phải là những ngón tay búp măng có móng nhọn, mà chúng suôn dài, thẳng thắn và rắn rỏi.

Đặc biệt là làn da tay luôn vô cùng mềm mại và ấm áp, khiến mình cảm thấy yên tâm, rất yên tâm như khi ngoài trời mưa gió, sấm chớp mà mình thì đã ở yên trong nhà khô ráo, sạch sẽ rồi.

Đôi bàn tay ấy vừa có thể kiếm tiền nuôi cả nhà, vừa có thể tỉa hoa cho rau củ, nấu nướng thơm phức cả món chay lẫn món mặn, giữ áo quần, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm. Trường học nào thời đó có thể đào tạo ra những người đàn bà đầy đặn như vậy?

Mạ tôi có khiếu kể chuyện siêu hấp dẫn. Mỗi ngày của bà là quãng thời gian di chuyển từ nhà đến chợ và ngược lại. Ngoài những phút giây bận rộn, còn lại bà đóng vai người kể chuyện.

Bà kể những câu chuyện về lịch sử, văn học, về nguyên phi Ỷ Lan, về thái hậu Dương Vân Nga hay thơ của bà Hồ Xuân Hương,… mà bà nghe được qua ba tôi, cho hội chị em cùng đứng ở chợ, những người kém may mắn, ít được tiếp cận với sách vở.

Ngược lại, bà cũng kể những câu chuyện cuộc đời bà thấy được ở chợ lại cho chúng tôi.

Một trong những câu chuyện làm chúng tôi cực kỳ sốc, rồi nhớ mà thương mãi đến giờ là câu chuyện về một người đàn bà trẻ cùng buôn bán với bà.

Tiếng là buôn bán ở chợ Đông Ba nhưng họ không có một sạp hàng hay chỗ ngồi cố định, những hôm trời mưa gió công việc lại càng thêm vất vả.

Mùa mưa ở Huế thì lại nổi tiếng khắc nghiệt, ẩm ướt và lạnh buốt thấu xương, mà cô ấy thì lại đang mang bầu những tháng cuối cùng.

Tuyệt đại đa số đàn bà đủ các ngành nghề thời đó từ trong Nam ra ngoài Bắc, dù là người bình thường hay có mang, đều đồng phục một kiểu quần đen ống rộng bằng vải soie quanh năm suốt tháng cho lâu cũ.

Đàn bà đoạn cuối thai kỳ nhìn không thấy người, chỉ thấy cái bụng vượt lên trước mặt, nặng nề và mệt nhọc trên đôi chân sưng phù cả ngày dầm trong nước mưa.

Cái thai lớn tháng cấn bụng, chèn ép các bộ phận khác bắt người ta phải đi tiểu liên tục, chưa đầy một tiếng đồng hồ là lại thấy mắc.

Mà ngặt nỗi nhà vệ sinh lại nằm xa quá, phải đi xuyên qua chợ, đến phía bờ sông, chen chúc lầy lội. Nên bà bầu trẻ đó đành phải làm liều.

Cô ấy không thèm tìm đến nhà vệ sinh nữa, thu mình trong cái áo mưa trùm kín, cô ấy “xả nước cứu thân” ngay chỗ mình làm việc, trước sân chợ.

Nước tiểu chảy xuống hòa với nước mưa, trôi đi sạch sẽ. Mỗi ngày chồng cô ấy đến đón hai lần, chở về nhà, vệ sinh thay đồ đạc cho khô ráo để rồi lại lên chợ dầm mưa buôn bán, và tiếp tục ẩm ướt.

Càng về chiều tối, đứng gần cô ấy càng nghe mùi khai đậm thêm, nhưng mọi người đều thông cảm. Người ta phụ đếm tiền, ghi sổ cho cô ấy nhanh được về nhà nghỉ ngơi sớm.

Câu chuyện ốt dột, gây cười nhưng lại làm chúng tôi xúc động mãi. Đàn bà, thiệt thòi đủ muôn kiểu.

Lại có chuyện một dì ngang tuổi mạ tôi, bốn đứa con mà chút nhan sắc vẫn còn không giấu đi đâu được, cứ vài bữa nửa tháng lại đến chợ khóc lóc sụt sịt một thôi một hồi, mãi không chịu nín.

Chồng dì đi học tập cải tạo chưa về mà căn nhà mấy mẹ con đang ở thì rộng rãi thênh thang quá. Ngày nào cũng có người vào nhà nặng nhẹ phải trái, khi thì dọa nạt, khi thì dỗ dành, động viên mấy mẹ con dọn đi kinh tế mới, nhường cái biệt thự gần 500 m2 lại cho mấy hộ gia đình mới vào, chia nhau làm khu tập thể.

Mà đâu chỉ có nhòm ngó căn nhà, người ta còn trâng tráo bóng gió xa gần nói đàn bà con gái một thân một mình, chồng thì biền biệt chẳng biết sống chết thế nào, phải biết khôn ngoan mà mềm mỏng ngọt ngào, biết “nghe lời” mới giữ lại được cửa nhà cho con cái.

Nói đến đó dì khóc tức tưởi. Một mình kiếm sống nuôi con đã cực trăm bề, lại phải tính toán để giữ nhà cho con, giữ mình cho chồng. Chớ không khéo, thì nỗi oan nhục khiến mình tai tiếng cả đời, chỉ còn có nước nhảy cầu tự vẫn…

Bằng lối nói chuyện cuốn hút, với một chất giọng khỏe khoắn và cương nghị trong mỗi câu chuyện kể hàng ngày, mạ tôi đều lồng ghép trong đó một thông điệp, rằng bà là người may mắn, may mắn còn giữ lại được chồng bên mình, may mắn được làm dâu con bên nội bên ngoại, những người luôn lấy đạo đức làm trọng.

Anh em tụi tôi lớn lên và nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính của bà nên đó luôn là một thế giới ngập đầy tình yêu, lòng biết ơn và sự trắc ẩn.

Đinh Giang / NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-phu-nu-phi-thuong-post1141259.html