Những phong tục đẹp ngày giáp Tết

Dịp cận Tết, người dân tại khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh lại tổ chức nhiều lễ cúng rất đặc sắc. Những 'tục cổ, nếp xưa' này là nét đẹp văn hóa, 'gieo' vào lòng người những giá trị truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa.

"Tri ân" ông Chuồng, bà Chuồng

Cứ đến cuối tháng Chạp, nông dân tại nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh lại sắm sửa lễ vật cúng ông Chuồng, bà Chuồng. Đây là phong tục độc đáo được nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gìn giữ, lưu truyền với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã bảo vệ vật nuôi trong suốt một năm qua và cầu mong hoạt động chăn nuôi năm sau gặp nhiều may mắn.

Người dân tổ dân phố Giao Thủy, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) tổ chức cúng xóm vào cuối tháng Chạp hằng năm.

Vừa chuẩn bị mâm cúng ông Chuồng bà Chuồng, ông Nguyễn Xây (78 tuổi), ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) vừa chia sẻ: “Tín ngưỡng cúng ông Chuồng, bà Chuồng được lưu truyền từ nhiều đời lắm rồi. Ngày xưa, ông cố, rồi ông nội và ba tôi cúng, bây giờ tôi lại tiếp tục. Lễ cúng sẽ được thực hiện vào cuối tháng Chạp và tùy theo điều kiện kinh tế từng gia đình, mà mỗi nhà sẽ chuẩn bị mâm cúng rồi mang ra đặt trang nghiêm ngay trước chuồng nuôi để cúng ông Chuồng, bà Chuồng”.

Không chỉ cúng ông Chuồng, bà Chuồng vào dịp cuối năm, nhiều người chăn nuôi còn kính cẩn làm lễ cúng vào dịp đầu năm mới. Thậm chí, mỗi khi chuẩn bị thả nuôi lứa mới, người nông dân sau khi sửa sang, quét dọn chuồng nuôi sạch sẽ, lại tiếp tục lựa ngày, giờ tốt để cúng ông Chuồng, bà Chuồng.

Là tín ngưỡng có từ lâu đời và đã ăn sâu vào đời sống của người nông dân; nên dẫu cuộc sống đương đại xuất hiện nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nhưng cúng ông Chuồng, bà Chuồng vẫn là tín ngưỡng được nông dân gìn giữ và thực hành phổ biến...

Ngư dân lo cúng thuyền

Những ngày này, sau một năm xuôi ngược, lênh đênh trên biển; ngư dân tại khắp các làng chài ở Quảng Ngãi lại lo sắm mâm lễ vật và tiến hành cúng thuyền.

Theo nhiều ngư dân, cúng thuyền là phong tục có từ rất lâu đời. Cúng thuyền, trước là để cảm ơn thần linh đã bảo vệ họ khỏi sóng gió, tai ương; sau là cầu cho mùa biển mới thuận buồm. Vậy nên, dù khó khăn, bận rộn thế nào thì bà con ngư dân cũng luôn dành thời gian, thành tâm sắm sửa lễ vật để cúng thuyền.

“Năm nào biển “thắng lớn” thì cúng heo, năm nào thất bát thì cũng cố sắm sửa mâm lễ có trái cây, gà, rượu. Ngày giờ cúng thì tùy từng chủ tàu, miễn là vào những ngày cuối tháng Chạp”, ngư dân Nguyễn Miên, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) chia sẻ.

Là lễ cúng trang nghiêm nên trước khi cúng, ngư dân thường vệ sinh tàu thuyền thật sạch sẽ, thậm chí sơn mới lại tàu thuyền. Quanh năm lênh đênh trên biển với nhiều hiểm nguy, rủi ro rình rập, nên những người gắn đời với biển tin rằng, việc cúng thuyền vừa để tạ ơn “người bạn” thuyền đã cùng họ vươn khơi đánh bắt, vừa gởi gắm mong muốn con tàu bình an, bảo vệ ngư dân trong mùa biển mới.

Ấm tình làng xóm cuối năm

Hằng năm, cứ đến tháng Chạp, người dân tại nhiều khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh lại tổ chức một lễ đặc biệt gọi là tế từ cáo tế hay còn gọi là cúng xóm. Đây là lễ cúng mà người dân cùng nhau đóng góp tiền của, công sức rồi chọn ngày phù hợp để bày lễ đàn. Trước là cúng Thành Hoàng bổn xứ, sau là cầu siêu cho những vong linh không nơi nương tựa và cầu bình an, sức khỏe cho cư dân.

Tại tổ dân phố Giao Thủy, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), từ bao năm nay, lễ cúng xóm được người dân duy trì. Tham gia lễ tế, ông Dương Văn Đạt (80 tuổi) - bậc cao niên của làng được mọi người chọn làm người thực hiện nghi thức cúng mặc áo mão, khăn đóng rất trang trọng. “Cúng xóm là tín ngưỡng dân gian mang ý nghĩa chính là cầu an cho những người mất nhưng không có người thân lo hương khói. Đây là tín ngưỡng thể hiện sự cảm thông sâu sắc của người đang sống với những thân phận bất hạnh đã khuất. Vậy nên, năm nào lễ cúng cũng được người dân làng tôi duy trì tổ chức vào dịp cuối tháng Chạp. Đây cũng là dịp để mọi người trong xóm cùng quây quần, họp mặt cuối năm”, ông Dương Văn Đạt chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/6101/202102/nhung-phong-tuc-dep-ngay-giap-tet-3043272/