Những phiên chợ tình nổi tiếng

Có hay không những phiên chợ tình? Câu hỏi này đã xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Người nói có, kẻ bảo không, nhưng những phiên chợ không nhằm vào mua bán hàng hóa mà để giao lưu tình cảm, để thỏa mãn niềm thương nỗi nhớ vẫn cứ tồn tại ở đâu đó gần xa.

Chợ tình miền Tây xứ Nghệ

Ít ai có thể ngờ ở xã Huổi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một chợ tình tồn tại rất lâu đời. Chợ tình này mỗi tháng họp hai phiên. Phiên đầu tháng vào ngày 13-14 ở bản Huổi Đun, phiên cuối tháng vào ngày 28-29 lại dời lên bản Mường Lống.

Đồng bào Mông, Thái trong vùng đi chợ tình mua bán trao đổi hàng hóa là phụ, đi chơi gặp nhau, chọn bạn tình, "bắt vợ" là chính. Có chút hàng hóa mang đến chợ là cái cớ. Bán không nói thách, mua không mặc cả, nhưng khi đã ưng "cái bụng", sáng "con mắt", bén "tiếng nói" thì cho không, biếu không luôn.

Chợ về chiều tản dần, sau khi uống cạn rươu ngô để say cái tình, để no cái nhìn đắm đuối. Từng đôi trai gái đón đợi nhau trên đường về, ven bờ suối, nơi có nhiều lùm cây che chở cho họ. Với họ có thể là cả một buổi tối, thậm chí trọn cả một đêm để tình tự. Tiếng lòng có thể ngân lên bằng tiếng cười giọng hát, lời kể hay mượn âm hưởng của đàn môi, sáo trúc, khèn nứa để tỏ tình. Tan chợ họ lại chia tay bịn rịn lưu luyến để rồi thắc thỏm đợi đến phiên chợ sau.

Chợ tình Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: INTERNET

Chợ tình cao nguyên đá

Nơi miền cực Bắc Tổ quốc, Mèo Vạc, Hà Giang có chợ tình nổi tiếng, mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 26-27 tháng 3. Chợ họp giữa một vùng đồi cây xanh tốt, là chỗ chở che nương dựa cho những cặp bạn tình yêu không lấy được nhau. Người đi chợ là những cặp vợ chồng từ già đến trẻ xúng xính áo váy mới cùng nỗi nhớ thương đến cháy lòng.

Đến chợ, theo quy ước từ muôn đời, chồng đi một hướng, vợ đi một nẻo. Họ ngơ ngơ ngác ngác đi tìm người bạn tình thuở trước, yêu nhau mà không lấy được nhau. Gặp được nhau mừng mừng tủi tủi, nước mắt tuôn trào, lời nhớ tiếng thương, nghẹn ngào cảm xúc. Từng cặp đôi ấy rủ nhau lên đồi, ra suối dốc bầu tâm sự cho thỏa nỗi chờ mong.

Những mối duyên chợ tình ngoài chồng ngoài vợ như vậy, không hề phát sinh thói ghen tuông bóng gió, không có những lời trách cứ từ phía vợ, chồng. Bởi, những đôi bạn tình tìm gặp nhau trong phiên chợ đều thừa hưởng một phong tục thiêng liêng mà không ai ngăn cấm, trói buộc ai.

Chợ tình trong mây

Vùng Tây Bắc có phiên chợ tình nổi tiếng Sa Pa, một xứ sở của mây mù thơ mộng. Chợ tình Sa Pa họp vào chiều và đêm thứ bảy hàng tuần. Đến chợ tình Sa Pa, trai gái mong tìm chọn được bạn tình. Những đôi vợ chồng về chợ tình lại mong gặp được người yêu xưa cũ.

Đi chợ tình, con trai Mông mang theo khèn, sáo, kèn lá; con gái xòe ô, xòe váy khoe sắc. Vào chợ, các chàng trai thường phát huy sở trường sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình để thả tiếng lòng, làm rung động các cô gái trẻ. Nếu cô gái mê tiếng nhạc của chàng trai, nàng sẽ đến gần hơn.

Khi ấy, chàng trai càng trổ tài tỏ tình thổi những làn điệu hay nhất. Nếu cô nàng tỏ ra ưng cái bụng thì chàng trai dắt cô gái đi đâu đó để cùng tâm sự. Chiếc ô che sương, che bóng hai người ẩn hiện như thực như mơ trong chợ đêm mờ ảo. Đối với những cặp vợ chồng đi chợ nếu không tách đôi tìm lại bạn tình xưa, thì họ đắm mình trong những sinh hoạt giao lưu văn hóa cộng đồng tự phát trong phiên chợ.

Lúc ấy, người chồng ào vào đám trai Mông thổi khèn, sáo kèm những bài dành cho người đã có vợ. Còn người vợ cũng sà đến đám gái Mông múa và hát những bài dành cho phụ nữ có chồng. Rời đám hát múa, các anh chồng người Mông đến bên chảo thắng cố uống rượu do vợ mình rót mời. Họ uống cho đến lúc say mềm không còn biết đường về, khi ấy, người vợ vắt chồng lên lưng ngựa dắt về.

Chợ tình xứ Lạng

Chợ tình Háng Pò, thuộc Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn họp năm một phiên vào mùng 2 tháng 4. Chợ tình Háng Pò, thu hút nam thanh nữ tú Dao, Tày, Nùng (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang), những vùng giáp ranh đến để hát giao duyên, tìm bạn tình với ước mong kén vợ, chọn chồng.

Chợ tình Háng Pò, không biết có tự bao giờ nhưng tiếng địa phương là nơi có quả đồi hò hẹn, cũng là quả đồi chồng vợ. Chợ là không gian giao lưu văn hóa, trai gái tìm về hát sli đối đáp. Thông qua hát đối đáp, trai gái tìm hiểu nhau, gia cảnh và tâm tình để tìm ra người tâm đầu ý hợp. Qua các cuộc hát chợ tình từ xưa đến nay, nhiều đôi nên vợ nên chồng.

Người đi hát chợ tình phải biết sáng tác văn vần, lối nói có vần điệu, phải biết ứng đối lời bạn hát. Hát khi nào ưng cái bụng, vừa cái lòng thì tách nhóm, hát tiếp cho đến khi tách ra từng đôi. Đôi hát cứ tâm tình cho đến khi lửa tình nồng ấm, cho đến khi chợ tan cùng với những lời thề non hẹn biển để một ngày kia chung một mái nhà.

Ngô Quang Hưng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-phien-cho-tinh-noi-tieng/