Những phiên bản trứng vịt lộn 'hớp hồn' du khách

Mới đây, trên truyền hình có chiếu một phóng sự về trải nghiệm du lịch ẩm thực Hà Nội. Món ăn mà du khách Hàn Quốc sẽ được thưởng thức là chim bồ câu tần và trứng vịt lộn. Mới nghe tả và thoạt nhìn món ăn, du khách đến từ xứ sở Kim Chi nhăn mặt, nhưng đến khi ăn thì lại ngon không tưởng.

Gà tần hay chim bồ câu tần thuốc Bắc ở Hà Nội thường được nhét vào lon bia, lon nước ngọt. Lon nước bé, chỉ vừa con chim bồ câu, hai chân buộc phải thò ra ngoài. Nói chung cứ để ràn rạt mấy chục lon như thế, lon nào cũng có 1 đôi chân thò ra, trông cũng rất hoảng hốt. Vị du khách người Hàn buộc phải ăn thử sau vài lần từ chối.

Ăn đến miếng thứ hai thì anh phát hiện ra, nó na ná như món đặc sản gà hầm sâm ở quê hương anh. Lúc này, món ăn không còn là thử thách sợ hãi nữa. Món thứ hai là trứng vịt lộn. Ngay khi đưa vào miệng miếng đầu tiên, vị bùi béo của trứng, thơm của rau răm và ấm nóng của gừng thái chỉ đã khiến du khách người Hàn Quốc thích thú.

Cách ăn trứng vịt lộn ở 3 miền

Cho đến thời điểm hiện tại, không thấy có tài liệu nào nhắc đến xuất xứ của món ăn này, đại khái ai là người “phát minh” và thời điểm nó xuất hiện lần đầu từ khi nào. Dân gian thì coi nó là một món bổ dưỡng còn dưới góc nhìn của truyền thông hiện đại thì nó thực sự là một món ăn kinh dị. Bằng chứng là trứng vịt lộn luôn lọt top các món ăn kinh dị nhất trên thế giới và luôn chiếm vị trí đầu bảng.

Kể nôm na thì thế này, trứng vịt lộn (phía Nam gọi hột vịt lộn) là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Món ăn này rất rẻ, nếu là trứng vịt lộn luộc thì chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng/quả. Đa phần, trứng được bán rong, vỉa hè, góc phố và các quán ăn vặt. Nó đương nhiên là món ăn bình dân bởi chưa từng nằm trong thực đơn của các nhà hàng lớn.

Căn cứ vào việc một số nước châu Á khác cũng có món ăn này như Trung Quốc, Campuchia hay Philippines, nhiều người suy diễn về nguồn gốc ngoại lai của nó. Tuy nhiên, trứng vịt lộn của ta có cách ăn hoàn toàn khác so với các quốc gia láng giềng. Trứng sau khi được ấp từ 9-11 ngày thì đem rửa sạch, luộc cho chín rồi vớt ra, bỏ vỏ, ăn nóng. Trứng sẽ ngon hơn và có vị riêng khi ăn kèm với rau răm và gừng tươi. Người Hà Nội khi ăn trứng thường thêm vài hạt muối tiêu, rồi thêm chút dấm tỏi và ớt. Quả trứng vừa luộc trên bếp nóng bỏng tay mà vớt ra bát, rồi đập thế nào mà tách được vỏ ra nguyên lành, vụn vỏ trứng không rớt vào lòng bát là cả một nghệ thuật.

Người miền Nam ăn trứng vịt lộn rất khác, tức là trứng sau khi luộc chín được đặt trên một cái chén nhỏ, đầu to của trứng hướng lên trên, sau đó chỉ việc bóc vỏ ở đầu trên này, rồi xúc ăn với các gia vị đi kèm. Đây cũng là món nhậu rất được người miền Nam ưa chuộng.

Ở Đà Nẵng, phần gia vị ăn kèm cũng có khác hơn so với những nơi khác. Người ta thường làm nước mắm và đu đủ chua ngọt, thêm vào những chất cay và nóng như rau răm, ớt thiểm, gừng để giảm vị tanh của trứng. Ở Phan Thiết, ngoài các gia vị thông thường, người ta còn ăn kèm trứng vịt lộn với đồ chua ngọt làm từ cà rốt và củ cải. Cách thức ăn thì giống như của Hà Nội và miền Nam.

Những “phiên bản” hấp dẫn của trứng vịt lộn

Sở dĩ món ăn này được xếp vào hàng kinh dị là bởi con vịt đã được hình thành đầy đủ bộ phận, lông cánh khiến cho người lần đầu nhìn thấy có cảm giác sợ hãi. Cũng chính vì thế mà món ăn này thường xuyên xuất hiện trong các chương trình thử thách lòng can đảm trên truyền hình của nhiều nước phương Tây.

Bây giờ, ở Hà Nội, người ta không chỉ ăn trứng vịt lộn luộc vào buổi sáng mà nó được biến tấu thành nhiều món ăn vặt hấp dẫn khác hoặc là được ăn kèm với những món nhìn qua tưởng là không liên quan đến nhau.

Ví dụ, trứng vịt lộn được ăn kèm với bún riêu. Tức là, sau khi chần bún, thì đập vào bát một quả trứng rồi chan nước riêu cua lên. Nhiều người nói, ăn như thế, bát bún sẽ ngọt hơn bởi vị của trứng rất hợp với riêu cua. Trứng vịt lộn còn được đập vào nồi lẩu. Thực khách cho rằng, chất đạm từ quả trứng sẽ tiết ra nước lẩu khiến nồi lẩu ngon hơn.

Bên cạnh đó, trứng vịt lộn còn được tần cùng ngải cứu. Vị thơm của lá ngải khá hợp với vị bùi của trứng. Điểm thêm vào bát vài miếng sâm nam, một ít hạt ý dĩ, nó trở thành một món ăn vặt hoàn hảo cho bữa chiều. Ở góc chợ Nghĩa Tân có hàng trứng vịt lộn ngải cứu đều đặn bán cũng phải hơn 20 năm rồi.

Lứa học sinh thì thích trứng vịt lộn (hay cút lộn) xào me. Trứng được xào thấm đều trong nước me sánh sệt, nóng sốt rồi rắc thêm hành phi, lạc rang, rau răm... Chỉ cần rưới ngập sốt vào trứng rồi thưởng thức, món ăn cơ bản “gây nghiện”.

Một trong những phiên bản hấp dẫn nhất của trứng vịt lộn nữa là trứng vịt lộn bọc khoai môn chiên giòn. Trứng sau khi luộc chín, lột sạch vỏ sau đó bọc bên ngoài bằng một lớp khoai môn tán nhuyễn. Chiên ngập trong dầu nóng, những quả trứng vàng ruộm cực kỳ hấp dẫn. Trứng vừa béo vừa mềm, ăn cùng rau răm và nước chấm chua ngọt. Tương tự còn có trứng lăn bột chiên giòn. Món ăn này chấm muối tiêu chanh.

Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng, nhưng cũng có nhiều khuyến cáo cho người thưởng thức, đại khái là: “Nếu ăn không đúng cách dễ rước nhiều bệnh nguy hiểm như tim mạch, mỡ máu, ảnh hưởng tới xương, huyết áp...”. Một trong những khuyến cáo là không nên ăn quá nhiều. Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, chỉ nên ăn khoảng 1-2 quả trứng vịt lộn/ngày.

Nếu như ở miền Bắc, người ta thường ăn trứng vịt lộn buổi sáng thì ở miền Nam lại hay ăn từ chiều cho đến tối. Thế nhưng theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng thì nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng là tốt nhất, tránh ăn vào buổi tối vì đây là món ăn khó tiêu.

Cho đến thời điểm hiện tại, không thấy có tài liệu nào nhắc đến xuất xứ của trứng vịt lộn. Dân gian thì coi nó là một món bổ dưỡng còn dưới góc nhìn của truyền thông hiện đại thì phải có cơ hội thưởng thức mới đưa ra nhận định rằng: Rất ngon!

Vân Quế

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-phien-ban-trung-vit-lon-hop-hon-du-khach/802077.antd