Những phát ngôn ấn tượng của quan chức Việt

(Trái hay Phải) – Tại Việt Nam, khi nói tới nhiều thứ người ta hay đem ra so sánh với thế giới để thấy cái hơn – thua, và trong số đó có không ít cái VN xếp hàng đầu, hoặc ít ra cũng nằm tốp đầu thế giới. Dù chưa ai đem so những phát biểu ấn tượng của quan chức Việt xếp thứ bao nhiêu của thế giới về số lượng và độ “sốc”, nhưng nếu có so cũng phải xếp hàng đầu là chắc.

Thống đốc Bình: “Xin nhận nửa giải Nobel”

Ngày 13/11/2012, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sau khi dẫn lại lý thuyết “bộ ba bất khả thi” nổi tiếng trong kinh tế học đã đạt giải Nobel (không thể đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá cùng lúc), Thống đốc Bình cho rằng mọi chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô thì không thể nào đáp ứng được mọi yêu cầu.

“Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”, Thống đốc Bình nói.

Nếu có đem so sánh với thế giới về số lượng và độ "sốc" những phát biểu của quan chức, chắc Việt Nam chẳng thua kém nước nào.

Cũng tại phiên chất vấn này, trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) về việc chỉ đạo các ngân hàng cho vay vốn ưu đãi với người nuôi tôm bị dịch bệnh, “tôi sẵn sàng cho điểm 9 và nghiêng mình cảm ơn Thống đốc nếu Thống đốc chỉ đạo có hiệu quả”.

Thống đốc Bình trả lời sau khi bày tỏ hết sức xúc động và hết sức chia sẻ với đồng bào nuôi tôm: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng có đánh giá để cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung con tôm vào trong danh mục này. Tôi cũng chỉ cần điểm 8, không cần điểm 9, điểm 10”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Đóng phí là yêu nước”

Không chịu thu kém Thống đốc Bình, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng có rất nhiều câu nói “bất hủ” không thể không nhắc tới.

Tháng 4/2012, khi giải thích về phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Đúng là nó có thể chưa hoàn toàn khách quan, chưa hoàn toàn công bằng, nhưng người đi ô tô đóng góp là sự tự hào, hạnh phúc, là yêu nước”.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 vào chiều 27/6, khi đề cập tới tình trạng chậm tiến độ, chất lượng công trình giao thông nhiều nơi chưa đảm bảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng có nêu khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu để làm đường.

Riêng về vật liệu xây dựng, “hầu như nguồn vật liệu ở địa phương đã cấp cho doanh nghiệp tư nhân khai thác. Đặc biệt, đã có tình trạng giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Chính điều này làm cho nguồn cung vật liệu cho các nhà thàu thi công gặp khó khăn, giá tăng cao, tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo”, Bộ trưởng Thăng phát biểu.

Không dừng lại ở đó, Bộ trưởng Thăng con ghi dấu ấn với câu nói nổi tiếng hơn: “Tất cả đúng hết mà tai nạn vẫn xảy ra”, được ông phát biểu tại cuộc họp khẩn của Bộ Giao thông Vận tải chiều 10/6/2013 sau khi cả nước xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm hàng chục người chết và bị thương.

Bệnh viện như trại tị nạn

Trong những người có phát biểu nổi tiếng chắc chắn không thể không nói tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi ví bệnh viện như… trại tị nạn.

Tại phiên giải trình Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 17/4, khi nhắc tới tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên, Bộ trưởng Tiến đã phải thốt lên: “Vào bệnh viện Ung bướu ở TP. HCM mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ”.

Và với phát biểu trên của Bộ trưởng Tiến, có thể xếp gần như tất cả các bệnh viện tuyến trung ương đều là… trại tị nạn.

Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm

Tại buổi tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi tổ chức ngày 13/6, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nói: “Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này, chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể”.

Phát biểu trên làm dư luận “nóng ran” và được ví như ví dụ điển hình về tệ quan liêu, bệnh báo cáo thành tích của lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước…

Và chưa đầy một tháng sau, chính lãnh đạo Hải Phòng và Nam Định đã phải thừa nhận điều ngược lại là “có mại dâm ở Đồ Sơn và Quất Lâm”, thậm chí được xem là điểm nóng nổi cộm về mại dâm của cả nước. Điều này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ngày 8/7.

Kiên định khuyên dân ăn độc

Có lẽ chẳng đâu như Việt Nam, kiểm định thấy thực phẩm nhiễm độc tố liều lượng cao gấp nhiều lần cho phép, mà hết lần này tới lần khác Cục trưởng vẫn “kiên định” khuyên người dân đừng lo lắng, hãy cứ ăn đi.

Người Cục trưởng “nhiệt tình” khuyên dân ăn đồ độc đó là ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).

Khi nói về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe vì ăn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần mức tối đa cho phép, Cục trưởng Hồng nói: “Dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn. Khi các loại rau quả này có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phải liên tục ăn thì nó mới ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Quan điểm trên của Cục trưởng Hồng cũng được ông lặp lại với gừng Trung Quốc, rau ngót, mướp đắng, khi những loại rau, củ, quả này bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng nhiều lần.

Trên đây chỉ là một vài thống kê như là những ví dụ điển hình cho sự “mạnh mồm” của quan chức Việt, còn nếu để liệt kê hết thì nhiều vô kể. Trên góc độ là một người dân, dù có thể trong suốt quả trình làm việc của một “công bộc” còn nhiều điều phải nói, nhiều cái phải đau lòng, nhưng lâu lâu có những phát biểu hài hài, vui vui như trên kể ra nỗi buồn cũng vơi đi phần nào.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201307/nhung-phat-ngon-an-tuong-cua-quan-chuc-viet-2217440/