Những phát minh thời cổ đại khiến khoa học hiện đại 'bó tay'

Trên thực tế, có không ít sản phẩm hay kỹ thuật được phát minh ra từ cách đây hàng ngàn năm, đến nay vẫn khiến các nhà khoa học 'bó tay'.

Bạn đã bao giờ từng thắc mắc rằng, tại sao những công trình có từ thời kỳ thịnh trị của đế quốc La Mã, lại có thể tồn tại đến bây giờ mà chưa bị đổ sụp ? Câu trả lời cho nghi vấn này nằm ở loại bê tông đặc biệt mà họ sử dụng, cụ thể là “Bê tông La Mã”. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, người La Mã đã có một công thức đặc biệt để làm nên loại bê tông có độ bền lên đến hơn 2000 năm của mình. Hai thành phần chính đã được giải mã trong loại vật liệu xây dựng này chính là vôi và tro núi lửa. Tuy nhiên, các phụ gia khác và tỷ lệ phối trộn vẫn còn là một ẩn số. Nếu nhìn vào thực tế rằng, tuổi thọ kỳ vọng của kết cấu bê tông ở thế kỷ 21 là khoảng 50 năm, thì ta có thể thấy “Bê tông La Mã” quả là một phát minh đi trước thời đại của người xưa.

Trong các trận chiến thời Trung cổ, người Hy Lạp có một loại vũ khiến khiến kẻ địch phải kinh sợ, đó chính là “Lửa Hy Lạp”. Khác với những đòn hỏa công bình thường có thể dập tắt bằng nước, Lửa Hy Lạp gần như cháy được trên mọi bề mặt mà nó bám vào và bất trị với nước. Cũng chính vì sức mạnh bí ẩn đáng sợ này, Lửa Hy Lạp đã được ghi chép lại trong rất nhiều văn kiện thời xa xưa. Đáng tiếc thay, công thức về loại hóa chất gây cháy đặc biệt của người Hy Lạp này lại bị thất truyền và đến nay vẫn là một ẩn số lớn với giới khoa học.

Để phục vụ cho những chuyến đại hải trình của mình, các chiến binh Viking thời xa xưa có một loại công cụ định hướng hết sức đặc biệt gọi là “Đá Mặt Trời”. Theo như những ghi chép để lại, loại đá này giúp người Viking có thể xác định được vị trí của mặt trời, kể cả trong trường hợp bị mây che khuất, hoặc thậm chí là thời điểm trước bình minh hay sau hoàng hôn. Nghe có vẻ khó tin nhưng vào năm 2013, các nhà khoa học đã tìm thấy mẫu vật giống như miêu tả về Đá Mặt Trời , trong một xác tàu đắm. Theo công bố, đó là một mảnh vỡ có dạng tinh thể, qua các thí nghiệm, nó cho thấy khả năng tạo ra một khúc xạ kép từ ánh sáng mặt trời, đem lại khả năng tính toán chính xác vị trí mặt trời trong các điều kiện bất lợi nhất.

Đĩa Phaistos được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1908 tại cung điện của người Minoan trên đảo Crete (Hy Lạp). Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được công dụng của chiếc đĩa lẫn các ký tự tượng hình được khắc trên nó. Bên cạnh đó, theo phân tích, chiếc đĩa lại làm bằng một loại đất sét không hề xuất hiện trên khu vực đảo Crete và đây cũng lại là một bí ẩn nữa của đĩa Phaistos khiến các nhà khoa học phải đau đầu.

Các bức tượng hoặc hình chạm khắc từ thời trung cổ ở Châu Âu thường được phủ lên một lớp kim loại để trang trí. Điều đặc biệt là, những người thợ thủ công sống cách đây 2000 năm, đã thực hiện điều này bằng cách dát kim loại cực mỏng rồi phủ lên tượng. Kỹ thuật mạ kim loại loại độc đáo này đã tạo nên một lớp phủ đều, đẹp và có độ bền lên đến hàng ngàn năm, điều mà các kỹ thuật mạ hiện đại vẫn không thể làm được.

Theo Thảo Vy (Dân Trí)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/nhung-phat-minh-thoi-co-dai-khien-khoa-hoc-hien-dai-bo-tay-923970.html