Những phát minh được biếu không

Tôi sẽ ăn theo 'hot trend' tuần này với từ khóa 'ô tô'. Nhiều người dễ dàng công nhận rằng dây an toàn 3 điểm (có 3 điểm cố định, thay vì loại chỉ có 2 điểm cố định trước đó) có thể coi là một trong những phát minh quan trọng nhất về an toàn trong lịch sử ngành ô tô, giúp cứu mạng hàng triệu người và tránh cho hàng triệu người khác khỏi cuộc sống tàn phế.

Cơ quan cấp bằng sáng chế của Đức từng gọi dây an toàn 3 điểm là một trong 8 sáng chế quan trọng nhất đối với nhân loại từ năm 1885 đến 1985.

Đó cũng chính là một trong những phát minh quan trọng nhất của Hãng xe Volvo (Thụy Điển). Năm 1959, Nils Bohlin, một kỹ sư làm việc tại Volvo đã phát minh ra dây an toàn 3 điểm. Volvo sau đó đã quyết định rằng đây là một công cụ cứu mạng hơn là một phát minh để kiếm lời, nên đã đăng kí phát minh này dưới dạng mở (open patent), nghĩa là cho phép mọi nhà sản xuất sử dụng trong thiết kế xe của mình.

Dĩ nhiên, đây không phải trường hợp duy nhất các nhà phát minh tỏ ra không hề vụ lợi. Vào năm 1955, Jonas Salk - người tìm ra vắc-xin bệnh bại liệt - khi được hỏi về việc đăng ký bản quyền phát minh này đã khảng khái trả lời: "Vắc-xin này thuộc về con người. Không có bằng sáng chế nào cả. Ai có thể cấp được bằng sáng chế mặt trời chứ"?

Giờ đây, thật khó có thể hình dung một thế giới không kết nối. Nếu không có phát minh của Tim Berners-Lee, rất có thể cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa phát triển đến như vậy. Làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) những năm cuối của thập niên 1980, nhà khoa học Berners-Lee đã sáng tạo ra một phương pháp để chia sẻ tài liệu siêu văn bản qua Internet, được biết đến với cái tên World Wide Web. Berners-Lee đã không đăng ký bản quyền, không cần trả công cho ý tưởng của mình. Ông đã biến giao thức này thành hiện thực và không lâu sau đó, tất cả mọi người đều tin dùng nó. Vì sự hào hiệp này, Berners-Lee đã được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ vào năm 2004.

Vẫn có thể kể thêm một chuyện nhỉ? Tôi đoán chắc là nhiều người trong chúng ta ngày bé đã từng rơm rớm nước mắt khi đọc chuyện “Cô bé bán diêm” của Anđécxen. Dù rằng ý tưởng về việc sử dụng ma sát để tạo ra lửa đã có tự đời nảo đời nào, nhưng những que diêm như ngày nay (dùng lưu huỳnh làm chất dẫn cháy) thì mới chỉ được phát minh ra vào năm 1824 bởi một nhà hóa học người Anh, John Walker. Walker đã sản xuất và bán ra thị trường những que diêm đầu tiên, nhưng lại từ chối đăng ký bản quyển sản phẩm này. Nhân loại đã được nhận từ nhà hóa học một món quà tuyệt vời.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhung-phat-minh-duoc-bieu-khong.aspx