Những phận người trong khô hạn mênh mông

Trái ngược với sự trù phú của mùa mưa, mùa khô vùng đồng bằng châu thổ cửu Long Giang khắc nghiệt và khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là những người nghèo sống dựa vào thiên nhiên. Không còn những cánh đồng nước nổi mênh mông tràn đầy cá tôm, những con kênh đủ thứ rau trái sinh sôi qua từng đêm, ghe thuyền tấp nập ngược xuôi cả đêm lẫn ngày... mùa khô dường như vắt kiệt, bóp nghẹt con người và thiên nhiên nơi đây.

Miền Tây mùa khô.

Miền Tây mùa khô.

1. Chỉ khi đứng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, con người mới cảm thấy mình nhỏ bé và yếu đuối. Và những cư dân nơi đầu nguồn biên giới có lẽ thấm thía hơn ai hết điều này. Dọc theo những con đường trải nhựa đi qua Vĩnh Hưng, Tân Hưng (tỉnh Long An) hay Hồng Ngự, Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) thời gian này là khung cảnh hoang vắng, khô khốc. Nhiều cánh đồng vẫn có màu xanh của lúa non, màu vàng của lúa chín nhưng cũng có nhiều cánh đồng bị bỏ hoang nứt nẻ vì không có nước canh tác.

Trong căn nhà sơ sài nằm bên kênh Trung Ương, ông Trần Văn Cháy (xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hưng, Long An), 66 tuổi thở dài nhìn chúng tôi kể, từ sau Tết tới nay, chiếc ghe vỏ lãi gắn bó với ông chưa chạm mặt nước, vẫn nằm đơn độc phía sau nhà.

“Bình thường nước ở kênh Trung Ương cao tới mé cột nhà nhưng nay cạn khô cạn khốc. Ghe cũng không thể men theo nước chạy về bên kia đồng vì kênh Gò Bún, kênh Cả Bát đều cạn kiệt, bèo tây che kín hết cả. Ngoài mấy tuyến kênh lớn thì khó mà chạy ghe đi đâu được. Mà ở miền Tây không có nước là không có cái gì hết. Cá tôm cua ốc, chuột rắn cũng không có mà bắt luôn. Mình giờ già rồi, không chạy ghe ra đồng thì còn biết làm gì nữa đâu. Mấy đứa nhóc cháu ngoại tôi cũng theo mẹ chúng đi xe buýt lên Tân An, Bình Chánh bán vé số hết rồi, tối muộn chúng mới về ngủ để sáng mai dậy sớm đi tiếp” - ông Cháy thở dài chia sẻ.

Thực ra, cũng không phải mất hoàn toàn sinh kế nhưng với người đã gắn bó cả đời với sông nước như ông thì những cánh đồng nứt nẻ, kênh rạch cạn kiệt thực sự khó khăn.

“Trước kia tôi và vợ vẫn thỉnh thoảng men ghe theo kênh Trung Ương này đi xuống dưới Vĩnh Châu, Tân Phước, Phước Xuyên lấy lục bình về phơi bán. Nhưng năm vừa rồi dịch bệnh, mấy cơ sở đan không xuất được hàng nên họ cũng không mua lục bình nữa. Mùa khô cái gì cũng khó khăn, chỉ chờ mưa tới thì mới sống dễ thôi. Mà năm nay nghe nói mưa đến muộn” - ông thở dài âu lo.

Nhìn những bó lục bình phơi khô, buộc ngay ngắn, xếp cẩn thận ở góc nhà đợi người tới mua mà chúng tôi thấy buồn cho ông. Cái sinh kế nhỏ nhoi của những người già gắn bó với vùng đất này trị giá mỗi ngày chừng hai mươi ngàn đồng cũng trở lên khó khăn. Ngoài vợ chồng ông Cháy, dọc tuyến đường tỉnh lộ ở khu vực này chúng tôi vẫn lác đác thấy có người lấy lục bình phơi bán. Tuy nhiên, trị giá của những bó lục bình được cắt cẩn thận dưới kênh, được phơi 2-3 ngày, rồi bó lại đã giảm chừng một nửa so với năm ngoái. Nhưng giảm còn hơn không có việc gì để làm.

2. Nếu những cư dân đô thị, khách du lịch, người hành hương hay những người ưa khám phá thường chỉ chuyền tay nhau các bức ảnh mùa nước nổi mênh mông, ghe thuyền nhộn nhịp hay những con kênh bạt ngàn bông điên điển đẹp như tranh về miền đồng bằng châu thổ thì họ không hiểu hết nơi đây.

Đó chỉ là một nửa, thậm chí là một nửa bề nổi về cuộc sống, con người, thiên nhiên dải đất đồng bằng này. Hàng triệu người dân vùng châu thổ còn có một mùa nữa mà rất ít ai tìm tới đây thời gian này, dù nó kéo dài sáu tháng mỗi năm. Đó là mùa khô. Một mùa nghiệt ngã mà hầu hết những người dân châu thổ đều cảm giác nó dài hơn, lê thê hơn so với mùa mưa. Mùa khô ở đồng bằng không có mưa, nước ở thượng nguồn sông Mê Kông cũng không đổ về và quan trọng nhất, nước mặn từ phía biển theo các cửa sông ngược lên. Nước mặn ngấm vào đất, tạo thành phèn mặn như những xúc tua ăn mòn năng suất cây trồng, khiến những đầm tôm, đầm cá, đầm cua phải tốn kém hơn để duy trì. Những vùng đất nằm sâu phía thượng nguồn, cách bờ biển tới vài trăm cây số vẫn bị phèn mặn đặc quánh, chỉ trồng được một vài loại cây đặc thù không phải quá xa lạ ở đây.

Nhưng không phải bây giờ mùa khô châu thổ mới khắc nghiệt bởi nó vẫn như vậy từ hàng trăm năm qua. Chỉ có điều, những con người sống cùng mùa khô nơi đây như bị lãng quên, bị bỏ lại.

Ông Tư buồn bã vì thả lưới cả giờ đồng hồ không có cá tôm.

Ông Nguyễn Văn Tư (xã Tân Quới, Thanh Bình, Đồng Tháp), 86 tuổi, một nông dân nhiều năm làm nghề đánh bắt ở sông Vàm Nao cho biết những tháng mùa khô rất khó để đánh bắt, dù xung quanh đây vẫn là những con sông, kênh lớn.

“Mùa mưa cá thượng nguồn đổ về, cá ở trong vùng bước vào mùa sinh sản nên có rất nhiều. Ngược lại mùa khô cá ít hơn, di cư đi nơi khác khiến công việc khó khăn hơn. Những người sống bám vào sông nước thường “khô chèo” ở thời gian này vì có ra sông cũng không đủ sống, chỉ đợi mưa tới mà thôi. Mà cái xứ sông nước này lạ lắm, cứ mưa tới, chuyển mùa là không biết cá tôm ở đâu rộn hết cả lên. Nó là nhịp sống của thiên nhiên đồng bằng rồi, nên mùa khô có đánh bắt cũng chả có, vì nó đi ngược với quy luật, với “bà cậu” linh thiêng dưới đáy sông này” - ông Tư kể vừa như thực, vừa như hư vậy.

Rồi để kiểm chứng lời mình, vừa để cho chúng tôi biết cái khắc nghiệt mùa khô, ông Tư chèo ghe đưa chúng tôi ra khúc sông Vàm Nao quen thuộc của ông. Đây là dòng sông nổi tiếng ở miền Tây, nối liền sông Tiền và sông Hậu thường có rất nhiều cá nhưng mùa này, ông Tư thả gần trăm mét lưới, mất hơn một tiếng đồng hồ chỉ có vài con cá nhỏ. Vừa thu lưới, ông Tư vừa kết luận, mùa khô cá ở miền Tây lặn xuống đáy sông hết, nghề thả lưới không bao giờ bắt được. May ra chỉ có đi câu thôi.

Tôi đã có nhiều ngày đi về vùng đất này mùa khô hạn, để thấy yêu và cảm thông hơn, cũng như quý trọng hơn những mùa nước tràn trề đang ngày càng khan hiếm như đặc sản nơi đây. Từ vùng thượng châu thổ sông Tiền, sông Hậu cho tới những cửa sông hạ lưu ở Cổ Chiên, Hàm Luông, Mỹ Long, Duyên Hải, Ba Tri... Trong cái nắng chói chang, cái đất khô khốc, những dòng sông kênh vẫn trong xanh nhưng phèn mặn khiến chúng trở thành mối nguy hại hơn là dòng nước mát.

Những tin tức về hạn mặn, về giá nước ngọt, về hồ thủy lợi, về dự án ngọt hóa, về đập ngăn mặn... xuất hiện nhiều trên báo, trong các bài phát biểu của lãnh đạo nhưng thực tế không làm thay đổi nhiều sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Thậm chí nó còn khắc nghiệt hơn so với vài năm trước bởi đê, cống, đường sá và canh tác đã khiến đất đai châu thổ như cằn cỗi hơn. Những gì mà người ta vẫn nghĩ về vùng đất này, như vườn cây sầu riêng trĩu quả, gốc vú sữa ngọt lành hay những mùa chôm chôm đỏ rựa như mặt trời cuối ngày dù vẫn tìm thấy nhưng ngày càng ít đi, hiếm hoi hơn. Có lẽ chỉ còn ở những cù lao giữa lòng sông Tiền, sông Hậu mà thôi…

Vẫn biết mùa khô hay mùa mưa chỉ là quy luật của trời đất và đã có từ xa xưa nhưng ngày nay dường như mọi thứ trở lên khó khăn hơn, nhất là những người nghèo, người già. Nếu như mùa mưa thiên nhiên hào phóng, trù phú và ưu ái con người bao nhiêu thì mùa khô, thiên nhiên khắc nghiệt với con người bấy nhiêu. Điều đáng buồn hơn nữa, mùa khô dường như đang bị lãng quên ở dải đất này.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-phan-nguoi-trong-kho-han-menh-mong-557458.html