Những phận người khốn khổ trong vụ vợ tạt xăng đốt chồng 'hờ' ở Kiên Giang

Sau khi cự cãi, Huỳnh Thị Nương đã tạt xăng đốt chồng. Nạn nhân qua đời, Nương bị bắt. Hai đứa con đang tuổi lớn, người mẹ mù lòa và 2 người cậu bị tâm thần của Nương chưa biết phải tiếp tục sống ra sao ...

Sau khi cự cãi, Huỳnh Thị Nương đã tạt xăng đốt chồng. Nạn nhân qua đời, Nương bị bắt. Hai đứa con đang tuổi lớn, người mẹ mù lòa và 2 người cậu bị tâm thần của Nương chưa biết phải tiếp tục sống ra sao ...

Đối tượng Nương và người thân có cuộc sống khó khăn.

Đối tượng Nương và người thân có cuộc sống khó khăn.

Đàn bà dễ có mấy tay

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang vẫn đang tạm giữ hình sự Huỳnh Thị Nương (SN 1980, ngụ ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) để điều tra hành vi giết người. Nạn nhân là ông Lê Văn Q. (SN 1968, sống cùng địa phương).

Theo thông tin điều tra ban đầu, vào 1h ngày 12/7, khi đi nhậu về đến nhà, Nương và chồng “hờ” xảy ra cự cãi, đánh nhau. Trong lúc tức giận, Nương lấy bình xăng để gần đó đổ vào người nạn nhân rồi châm lửa đốt. Phút chốc, lửa bốc lên cao ngùn ngụt, thiêu chết ông Q. và nhiều vật dụng trong nhà.

Thấy có hỏa hoạn, hàng xóm chạy sang ứng cứu nhưng không kịp đưa nạn nhân ra ngoài. Ngay sau đó, người dân trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng địa phương.
Tại cơ quan công an, Nương khai, bản thân thường xuyên bị chồng “hờ” đánh đập, hành hạ, chửi bới mỗi khi nhậu say. Đáng nói, ông Q. từng hăm dọa mua xăng về đốt nhà.

Nhắc đến vụ việc trên, hàng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng. Đa số người dân đều khẳng định, Nương hiền lành, cục mịch, ít học, lại sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chị B.C., cư dân ấp Thứ Nhất chia sẻ: “Nhà tôi ở gần nhà chị Nương nên cũng hiểu một chút về hoàn cảnh gia đình của chị ấy. Chị Nương thường bị chồng “hờ” đánh, nhất là những khi ông ấy say xỉn. Tôi không biết giữa họ có mâu thuẫn gì chưa giải quyết nhưng cứ vài hôm lại nghe tiếng họ chửi nhau”.

“Tối 12/7, cả xóm bừng tỉnh khi phát hiện nhà chị Nương bốc cháy. Lúc đầu, ai cũng nghĩ tai nạn cháy thôi. Đến nơi, thấy ông Q. vẫy vùng trong lửa, chị Nương thì ngồi khóc rồi bần thần, lúc đó chúng tôi mới nghĩ tới chuyện án mạng. Quả thật, khi cơ quan chức năng đến làm việc, khám nghiệm hiện trường xong, họ mời chị Nương đi và tạm giữ cho đến giờ. Nghĩ mà vừa thương vừa tội cho hoàn cảnh của chị ấy. Tôi cảm giác như chị ấy cùng đường rồi, phẫn uất quá nên làm liều”, chị B.C. chia sẻ.

Một người hàng xóm của Nương tiết lộ, ông Q. không phải là chồng chính thức của Nương. Chồng Nương đã chết cách đây 3 năm trong một lần đi biển. Chồng chết, Nương thiếu người nương tựa nên qua lại với ông Q. rồi chung sống như vợ chồng. Nương nghĩ tìm được người đàn ông thì cảnh neo đơn, khó khăn của gia đình sẽ có chỗ cậy nhờ. Thế nhưng, không như người đàn bà ít học mong muốn, chuyện tình cảm của 2 người thường “cơm không lành, canh không ngọt”. Trước khi xảy ra án mạng, Nương cũng nhiều lần tâm sự muốn thoát khỏi chồng “hờ” nhưng tình chưa dứt thì chuyện xảy ra.

Những con người cùng khổ phía sau thảm án

Vụ việc không chỉ khiến 1 người mất mạng, 1 người vướng vòng lao lý, mà còn kéo theo các thành viên trong gia đình của Nương rơi vào nỗi khốn cùng... Theo tìm hiểu của PV, gia đình Nương có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Tất cả nhân khẩu trong nhà đều trông chờ vào việc đi đặt lú bắt cá tôm của Nương. Cả ngày rong ruổi ngoài sông, Nương cũng chỉ kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng. Số tiền ít ỏi đều được Nương dồn vào việc lo mắm muối, gạo thóc cho gia đình.

Nương có một người mẹ mù lòa 67 tuổi. Hai cậu ruột đang sống cùng đối tượng thì bị tâm thần, lúc tỉnh lúc mê. Lúc tỉnh, họ theo người ta đi làm mướn, cũng kiếm được chút ít đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, khi lên cơn, hai người cậu của Nương thường biểu hiện mỗi người một kiểu rất khó hiểu. Người cậu lớn thường bỏ nhà đi mấy ngày liền. Nương phải thuê xe ôm đi tìm khắp nơi. Có lúc, Nương bắt gặp cậu mình ngất xỉu ngoài đường sau nhiều ngày lang thang trong đói khát. Người cậu còn lại thì lại thích mặc đồ phụ nữ và cứ vài ngày lại bỏ ra căn chòi tạm bợ phía xa nhà để tá túc.
Nương còn có 2 con, một trai một gái đang tuổi ăn tuổi học. Vì quá nghèo, cả hai bé sớm phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Con trai của Nương theo ghe đi biển biền biệt, còn cô con gái ở nhà giúp mẹ chăm sóc bà ngoại và hai ông trẻ bị bệnh. Suốt nhiều năm gồng gánh một gia đình với 3 người không khỏe mạnh, Nương cùng quẫn. Để sinh tồn, Nương phải vay mượn khắp nơi. Đầu tắt mặt tối, tiền kiếm ra không đủ ăn, không đủ chữa bệnh, Nương trở nên lầm lì, cục tính.

Tháng Năm vừa qua, một tia sáng hy vọng được thắp lên dưới mái nhà tồi tàn, túng thiếu của đối tượng Huỳnh Thị Nương. Đó là chương trình truyền hình nhân đạo “Khát vọng sống” của một đài truyền hình đã đến tìm hiểu và ghi nhận hoàn cảnh của gia đình. Sau khi chương trình phát sóng, gia đình Nương nhận được sự giúp đỡ nhiệt tâm của Mạnh Thường Quân nhiều nơi. Nghe chính quyền địa phương nói mẹ Nương bị mắc chứng cườm nước, mổ mắt có thể sáng lại, các Mạnh Thường Quân đã chung tay đưa bà đi chữa mắt tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.

Thế nhưng niềm vui chưa tày gang, bà cụ lại đón nhận tai nạn bất ngờ. Được mổ mắt, nhìn thấy ánh sáng, thấy con gái, bà cụ mừng rơn, quýnh quáng bước xuống giường bệnh nên bị té, suýt bị thương. Nương tính lo cho mẹ khỏe mạnh xong thì chạy chữa cho 2 cậu. Dù hy vọng 2 cậu khỏi bệnh thật mong manh, bởi cả hai mắc bệnh đã quá lâu. Đồng thời, Nương và con gái tìm nơi học lấy cái nghề để ổn định cuộc sống sau này. Thế nhưng, mọi dự tính đều không thể thực hiện, Nương vướng vào lao lý...

Anh Nguyễn Đức Tiến, người điều phối chương trình nhân đạo “Khát vọng sống” cho biết: “Chị Huỳnh Thị Nương, người vừa đốt ông Q. tử vong là nhân vật mà chương trình hỗ trợ. Nghe tin, tôi rất buồn, vừa thương vừa giận chị Nương. Trong cơn khốn cùng, chị ấy đã không thể sáng suốt vượt qua nghịch cảnh để rồi phạm lỗi. Chị Nương mà tôi tiếp xúc rất chịu thương chịu khó và dạt dào tình cảm. Chị chấp nhận sống khổ để đùm bọc 2 người cậu bị bệnh tâm thần. Chị ấy luôn mong có tiền mổ mắt cho mẹ, chứ không mong muốn riêng cho bản thân điều gì. Chị Nương chỉ mong mẹ sáng mắt để bản thân an tâm mưu sinh”.

“Hôm qua, nghe tin về chị, tôi có gọi về địa phương. Họ nói đang họp bàn để có hướng hỗ trợ người thân của chị Nương trong tình cảnh éo le trước mắt. Còn việc chị Nương làm, dù vì lý do nào đi nữa, chị cũng phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Tôi cũng mong mọi người hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của chị ấy. Đọc được những dòng miệt thị, chửi rủa chị độc ác, tôi rất đau lòng. Có đến tận nơi, thấy ngôi nhà rách nát và nghe hàng xóm của chị chia sẻ, chúng tôi mới hiểu hết nỗi khổ mà một phụ nữ góa bụa phải chịu đựng”, anh Tiến chia sẻ thêm.

Ngọc Lài

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 115

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/nhung-phan-nguoi-khon-kho-trong-vu-vo-tat-xang-dot-chong-ho-o-kien-giang-a285065.html