Những phận người đổ máu và nước mắt tìm vận may trên 'đá quý' (kỳ cuối): Hé lộ sốc về giấc mộng đổi đời bạc tỷ nhờ đá quý!

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất huyện Lục Yên nhiều loại đá quý đẹp long lanh, nhưng cũng từ đó xuất hiện nhiều lời đồn về việc cả làng giàu lên trông thấy nhờ đá quý. Thế nhưng, lãnh đạo địa phương phủ nhận điều này. Bởi nếu tất cả đều giàu, đều có ô tô đi thì sẽ chẳng còn ai đi học hay làm bất cứ việc gì khác.

Những vật dụng chuyên dùng để định giá đá quý.

Những vật dụng chuyên dùng để định giá đá quý.

Không có chuyện đá quý giúp đổi đời

Những ngày men theo đường mòn vào xã An Phú, chúng tôi nghe thêm được nhiều câu chuyện đổi đời nhờ đá quý. Trong đó, nhiều người còn đồn đoán rằng xã An Phú có nhiều ô tô nhất, thậm chí nhiều hơn cả huyện gộp lại. Thế nhưng, ông Lộc Văn Ngọc, Bí thư đảng ủy xã An Phú một lần nữa khẳng định, xã An Phú có gia đình có ô tô, nhưng không phải giàu lên trông thấy nhờ đá quý.

“Ô tô bà con mua cũng không quá đắt tiền, có nhiều nguồn thu như trồng rừng. Còn bảo, đào đá quý mua được ô tô thì tôi chưa thấy có nhà nào”, ông Ngọc chia sẻ.

Ông Phạm Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết thêm: “An Phú có đá quý từ những năm 90, bây giờ bà con cũng lén lút đi đào bới đá quý ở ruộng. Số lượng cũng ít thôi, chủ yếu là đất vườn, đất ruộng để đào. Bới lên, bới xuống”.

Ông Phạm Văn Chinh trăn trở: “Việc quản lý khoáng sản trong đó có đá quý rất khó, bởi cán bộ chỉ làm ban ngày, còn các hộ dân đào trộm vào ban đêm. Vì thế, công tác huy động lực lượng đi tuần tra khó khăn. Chưa kể, hiện nay công nghệ thông tin phát triển, ví dụ như sáng tổ chức lực lượng đi kiểm tra thì ra đến nơi đào đã không thấy người đâu nữa”.

Ông Chinh nhấn mạnh: “Không ai cho phép người dân tổ chức đi đào đá quý, chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều, tịch thu tang vật như cuốc xẻng, bùn gỗ về, gọi dân lên yêu cầu cải tạo. Quy định thì có nhưng người dân đi đào thủ công nên rất khó phạt”. Ông Chinh cũng một lần nữa phủ nhận việc người dân giàu lên, có ô tô đi nhờ đá quý.

“Nếu có thì cũng chỉ có người đi buôn đá, không phải người ở An Phú mà người ở khắp mọi miền. Người dân thì không có chuyện có ô tô đi nhờ đào đá, hộ nghèo còn đang nhiều hơn các xã lân cận. Riêng ai đó bảo dân đi đào đá quý giàu thì tôi khẳng định không có. Bởi, người dân có khi nhặt được một viên 50 triệu, nhưng sau đó đào thêm 5 tháng sau cũng chẳng được viên nào, người giàu chủ yếu là người đi buôn”, ông Chinh nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Chinh trao đổi với PV.

Học cách phân loại, định giá đá quý

Có người đào đá quý ắt có người mua, những dân buôn đá quý thực sự họ thường hay lăn lộn, thậm chí túc trực bên cạnh những phu đào đá để chờ. Khi thấy có viên đẹp, giá trị họ thậm chí phải tranh giành với những dân buôn khác để sở hữu cho mình những viên đá quý đẹp.

Theo chân anh Hứa Văn Toàn (xã An Phú) một người buôn đá quý nhiều năm nay, hiện đang có một tiệm chuyên bán các loại sản phẩm đã gia công từ đá quý như ruby, sapphire, spinel, tourmaline, aquamaline...

“Từ nhỏ, tôi được tiếp xúc với đá nhiều bằng việc đi đào... Nhưng, kinh nghiệm khi đó chưa có nhiều chủ yếu biết về đá, chứ còn từ đá thô đến thành phẩm tôi không biết căn ke. Qua quá trình thời gian học hỏi, tìm tòi thì tôi biết phân nhiều loại đá hơn. Ngày đấy, tôi đào được một viên chỉ bán với giá vài chục triệu đồng, nhưng nếu so với bây giờ viên đó phải tính bằng nhiều trăm. Tôi đi học, đi làm sau đó quay trở lại quê hương và bắt đầu với công việc của một người buôn đá”, anh Toàn chia sẻ.

Anh Toàn chia sẻ về những loại đá quý mà anh từng buôn.

Người thợ buôn đá này cho biết, đá quý thì có vô vàn, muôn hình muôn vẻ có những viên trông rất bình thường nhưng khi cắt ra lại có ngọc ở bên trong. Có viên nhìn thấy bằng mắt đẹp nhưng làm ra thành phẩm lại không được như mong muốn.

“Với những người thợ đi buôn đá quý, vật dụng cần thiết là đèn pin, đèn flash điện thoại, các thiết bị hỗ trợ khác như kính lúp... Đầu tiên, phải nhận định viên đá đó bằng mắt thường, sau đó dùng đèn chuyên dụng để soi, xét xem viên đá đó có giá trị hay không”, anh Toàn tiết lộ.

Người thợ này chia sẻ để mua được viên đá quý bây giờ cũng khó và không phải ai đi buôn đá quý cũng kiếm được nhiều tiền. Bởi, bây giờ của khôn người khó và người có đá quý cũng giấu rất kỹ, họ chỉ bán cho người quen hoặc bán khi được giá: “Người dân đi đào đá được đá quý rồi thì còn chọn thợ, thích ai thì mới bán. Hoặc có những viên người dân chẳng cần bán ở Lục Yên mà mang đi Hà Nội để bán. Tôi thường hay ra tận mỏ để phục những phu đào đá, nếu đào được là mình xem và trả giá mua luôn”.

Anh Dừa, một người thợ buôn đá quý vài năm nay ở huyện Lục Yên cũng chia sẻ: “Cách đây mấy năm, tôi cùng một người nữa mua được viên đá quý 300 triệu đồng, tôi bán ra với giá tiền tỷ. Đó là một trong những lần hiếm hoi tôi bán đá ra thấy có lời. Còn nếu nói mua và bán được đá quý với giá hàng tỷ đồng thì ít, không phải lúc nào mình cũng gặp may”.

Theo lời của anh Dừa, buôn bán đá quý cũng hên xui, có lúc thì mua được đá chuẩn, nhưng có viên mua về chặt ra bên trong không có ngọc hoặc ít ngọc thì bị lỗ. “Tôi từng mua nhiều viên với giá cao, có khi mua lên tới cả trăm triệu nhưng khi mang về bán lại lỗ chỉ được vài triệu. Nói chung, để buôn bán đá quý cần phải am hiểu một chút về đá, làm dần rồi rút kinh nghiệm. Còn khi đi buôn đá cũng cần phải có đội cùng làm, viên nào to, nặng tiền thì cùng chung nhau để mua sau đó bán lãi bao nhiêu chia nhau”.

Người thợ chuyên buôn đá quý này cũng tâm sự: “Nếu như ngày xưa người dân chỉ trông chờ vào thợ mua đá để bán đá quý, thì nay người thợ buôn đá quý cũng gặp phải không ít rủi ro, khó khăn là người dân có quyền chọn thợ và giá phát ra liệu người buôn có mua nổi không. Nói chung, buôn cái gì cũng khó, không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng cứ ai đi buôn đá quý thì mặc định là giàu”.

Có thể nói, những câu chuyện của người phu đi đào đá hay của dân buôn đá và cả những hệ lụy phía sau cho thấy, không phải cứ nhận được lộc trời là sung sướng. Và người dân cũng không nên phó mặc cuộc sống của mình để tự nhiên quyết định, bởi vận may không phải lúc nào cũng đến.

Liên quan đến vấn đề khai thác đá quý, đại diện sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết: “Qua công tác quản lý cho thấy trên địa bàn xã An Phú có hiện tượng khai thác đá quý trái phép, sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã An Phú kiểm tra, xử lý, tuyên truyền để người dân không tham gia đào đãi đá quý trái phép.

UBND huyện Lục Yên đã chỉ đạo UBND xã có các biện pháp để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động khai thác đá quý tại xã An Phú chủ yếu diễn ra vào mùa nông nhàn, trên chính diện tích đất được giao để canh tác của người dân địa phương, vì vậy rất khó quản lý và tái diễn khi không tăng cường quản lý. Công tác quản lý, bảo vệ và ngăn chặn hoạt động khai thác đá quý trái phép tại xã An Phú vẫn nằm trong tầm kiểm soát của UBND huyện Lục Yên, sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được đề nghị của UBND huyện về phối hợp trong việc giải quyết hoạt động khai thác đá quý trái phép tại xã An Phú.

Trong năm 2019, UBND xã An Phú đã tổ chức 06 đợt kiểm tra, giải tỏa hoạt động khai thác đá quý trái phép của người dân trên địa bàn, lập biên bản xử lý 5 trường hợp. Trong thời gian tới, sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Thanh Lam - Đỗ Tuấn - Phong Nguyễn

Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số 199

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/nhung-phan-nguoi-do-mau-va-nuoc-mat-tim-van-may-tren-da-quy-ky-cuoi-he-lo-soc-ve-giac-mong-doi-doi-bac-ty-nho-da-quy-a304537.html