Những phận người bấp bênh theo con nước

Chỉ vài chục phút ngắn ngủi trong buổi sáng một ngày tháng năm, khi dòng nước đen ngòm và hôi thối cuộn qua, hơn 970 tấn cá của người dân nuôi lồng bè trên dòng sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) chết trắng.

Xác cá dập dềnh cả một quãng sông, khiến cho những dự định trả một phần nợ cũ, sắm sửa vài thứ tiện nghi, dành dụm thêm chút cho tương lai con cái,… trôi dạt về xa, tan tành theo bóng nước.

Nhưng bi kịch hơn nữa, là những cơn tròng trành đang bủa vây gần hơn, có thể cuộn dòng bất cứ lúc nào, để nhấn chìm nụ cười vừa nhen nhóm trên đôi môi của những người nuôi cá.

Đớn đau hơn, khi chính bản thân cứ loay hoay, mơ hồ tự đặt cho mình rất nhiều câu hỏi vì đâu? Vì đâu nên nỗi? Thiên tai? Nhân tai? Hay là cả hai? Họ đang chờ đợi một lời giải đáp, ít nhất là lời giải đáp hợp lý, để biết đâu đó là cái cớ ủi an, vỗ về mình sống tiếp những ngày sau.

Nhiều người không biết đi đâu về đâu với khoản nợ khổng lồ trên vai.

Nhiều người không biết đi đâu về đâu với khoản nợ khổng lồ trên vai.

Bên bờ đìu hiu

Từ trên cầu La Ngà nhìn xuống, những mái tôn san sát nhau trên các lồng bè nuôi cá mà chúng tôi đã được nhìn cách đây khoảng 2 tháng, nay trở nên hiu hắt, đứt quãng.

Đang vào độ cạn nước, lòng sông trở nên chật hẹp, dậy nên màu đùng đục, sền sệt của bùn. Mấy chiếc dù di động mà người ta dựng lên để bán cá khô ở hai bên đầu cầu, dường như cũng lụp xụp đi rất nhiều, sau khi hàng trăm tấn cá chết đồng loạt.

Rời khỏi cầu, chúng tôi chạy xe về hướng bờ sông, mà cảm giác như đi vào miền hoang hoải. Cả một quãng sông kéo dài hàng kilomet, như đang ngập ngụa trong những nỗi niềm của người nuôi cá, và như để thêm phần xơ xác, thi thoảng xộc vào mũi mùi cá chết còn vương vãi bên bờ.

Ngồi trong một căn chòi, cũng là hàng quán nước nhỏ bên bờ sông thuộc địa phận xã Phú Ngọc, mấy người đàn ông lụi hụi ghi chép mặc có người lạ là chúng tôi xuất hiện sát bên.

Với chứng minh thư và các mẫu giấy liệt kê vương vãi trên bàn lộn xộn cùng những con chữ nghuệch ngoạc, người đàn ông có tên Lê Hồng Sơn vẫn cứ cắm cúi ghi số lượng cá chết, tên loại cá bị chết để sau này đối chiếu lại với con số mà UBND xã đã lưu lại trước đó.

Cá chết hàng loạt khiến người nuôi trắng tay. (Ảnh: Minh Hậu).

Liếc nhanh mấy mẩu giấy “thống kê” đó, đa phần họ không phải là dân địa phương chính hiệu, họ từ nhiều nơi, quay cuồng theo cái gọi là mưu sinh, để rồi như một sự sắp đặt, dắt díu đến và gắn cuộc đời mình dập dìu theo con nước La Ngà.

Dòng La Ngà của độ hơn chục năm trở về trước, mênh mông là nước, nơi hàng quán mà chúng tôi đang ngồi, được xem là đáy sông. Dòng sông xanh, dòng sông trù phú, dòng sông đã mở lòng với những kẻ từ phương xa, rồi nuôi nấng họ hơn nửa đời người. Nhưng rồi dần dà con nước vơi đi, màu xanh nhạt bớt, đượm dần nét tan hoang.

“Thì ghi vậy thôi, chớ cũng chẳng hy vọng gì nhiều” - một người đàn ông khác ngẩng mặt, và nói với chúng tôi điều đó, trước khi hất hàm về người đàn ông đối diện: “Tiếp”. Và nhận được câu trả lời: “Bến Tre”.

Hầu hết những người tha phương dạt về đây, chủ yếu là từ miền Tây. Bỗng dưng họ nhớ ra điều gì đó, họ hỏi chúng tôi phải có giấy tờ gì khi đến đây chứ? Chúng tôi trình họ xem mẫu giấy giới thiệu, một người xua tay “không biết chữ”, hai người lắc đầu đáp “có biết đọc đâu”.

Người thứ ba đánh vần đọc rất lâu rồi trả lại cho chúng tôi. Họ bị mất niềm tin đấy thôi, “Năm ngoái nhà báo cũng về nhiều, hứa hẹn nhiều, mà có được gì đâu” - ông Sơn như hờn trách.

Tôi yên lặng, bạn tôi yên lặng, mất mát của họ đã quá buồn, chúng tôi nào dám nói thêm điều gì xa xôi để họ phải hi vọng. Mà cũng bởi, họ còn sợ chúng tôi là người của những công ty xả thải xung quanh đến xem tình hình để đối phó với họ.

Phần lớn người nuôi cá ở đây đều là dân tứ xứ tụ về.

Tôi khựng lại, rất lâu ở một mẩu thống kê có tên Võ Văn Thảo (SN 1979, nguyên quán Bến Tre). Ông Thảo tổng cộng có 26 tấn cá bị chết, bao gồm cá diêu hồng và cá lăng. Nếu tính theo giá trị trường xuất bán ra vào thời điểm đó, thì ông Thảo thiệt hại 1 tỷ 675 triệu đồng.

Với số lượng cá chết nhiều như vậy, ông Thảo nằm trong nhóm những người nuôi cá bị tổn thất nhiều nhất. Vậy mà, khi chúng tôi muốn được lắng nghe nhiều hơn câu chuyện của ông, chỉ nhận được những điều không mặn mà từ người đàn ông xuất thân từ xứ dừa. Không hẳn vì ông đang bận sửa máy xuồng, mà chính xác hơn là ông đang rất chán nản, sau những gì vừa ập đến.

“Bây giờ trắng tay rồi, còn gì nữa đâu mà nói” - ông như cắt cớ cho cách hành xử của mình. Lướt vội trên khuôn mặt người đàn ông này, những vết chân chim đã nhiều, và chắc thêm sâu qua những ngày đầy đăm chiêu vừa rồi. Bất chợt ông ngoái lại: “Mà còn hơn cả sự trắng tay mới đúng. Giờ nợ nần hơn cả tỷ bạc rồi nè”. Rồi đưa cái nhìn xa xăm về phía sông, một chút lâu sau nữa, ông Thảo mới trở lại cặm cụi sửa máy.

Những nợ nần chồng chất

Một người đàn ông khác, tên Nguyễn Văn Tốt, nói với chúng tôi rằng tầm khoảng thời gian này của một năm trước, người nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà ở đây cũng đã phải khóc mếu đủ đường vì cá chết.

“Năm ngoái cá chết vào ngày 20-5. Đâu hồi 7h tối, là cá bắt đầu “gật lên gật xuống”. Hai tiếng đồng hồ sau thì chết trọi” - ông Tốt nhớ lại. Chúng tôi hỏi: “Vậy thiệt hại năm ngoái của chú thế nào?”. Rất nhanh, ông Tốt đáp lời: “Hai tấn cá lăng, một tấn rưỡi cá nàng. Nếu tính theo giá tiền, là “đi” hơn 200 triệu. Năm nay của ông chết ít hơn, nhưng hỏi bao nhiêu thì ông không nói. “Vì có nói cũng có được gì đâu” - ông Tốt giải thích.

Là ý ông, thiệt hại rất nhiều, nhưng không nhận được bồi thường, mà chỉ nhận được hỗ trợ, đâu khoảng một phần mười so với thiệt hại: “Năm ngoái được hỗ trợ 20 triệu chớ mấy”!

Cả một quãng sông La Ngà trở nên ảm đạm sau khi gần 1.000 tấn cá nuôi bị chết.

“Số tiền hỗ trợ đó, chỉ trả được một chút nợ cho đại lý” - ông Trần Văn Lành thêm vào. Rồi tiếp: “Năm ngoái cá chết ban đêm, năm nay cá chết ban ngày, vào sáng 16-5. Lúc cá bắt đầu chết là khoảng 9 giờ sáng, chỉ trong vòng mười mấy phút, là của tôi chết khoảng 6 tấn cá lăng đang chuẩn bị xuất bán với giá 100 nghìn đồng/kg. Khi cá chết, chỉ bán được 3 nghìn đồng/kg cho người ta làm phân bón”.

Năm ngoái, ông Lành bị chết khoảng 10 tấn cá, thiệt hại gần 400 triệu đồng, và nhận được 75 triệu đồng hỗ trợ. “Nhận được số tiền đó, là trả đại lý liền. Là tiền thức ăn họ cho mình mua nợ, tiền cá mồi,…” - ông Lành thở dài.

Theo cái thở dài của ông Lành, chúng tôi mới biết là ông Thảo năm ngoái cá cũng bị chết nhiều, gần cả trăm tấn, thiệt hại hơn cả tỷ đồng. Sau một năm làm và trả “chút chút”, nhưng lại “dính” thêm đợt cá chết vừa rồi, tính ra, số nợ của ông Thảo đã tròm trèm 2 tỷ đồng. Với số nợ đó, ông Thảo ngao ngán nói với chúng tôi, rằng cũng chẳng biết đường nào mà lần nữa.

Đó không là chuyện của mỗi ông Thảo, mà là nỗi lo chung của gần trăm người nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà. Chỉ là, trong cái nỗi lo thực tại nợ nần chồng chất, phảng phất ít nhiều những tiếc nuối ngày cũ. Ông Tốt bảo rằng mình nuôi cá ở sông La Ngày từ năm 1993, và cái nghề này đã nuôi sống gia đình ông hai mấy năm qua.

“Nói vậy không có nghĩa là hồi đó không có chuyện cá chết. Có chớ, cá có chết chớ. Nhưng đó là chết theo kiểu “trục trặc kỹ thuật”, không đáng kể. Nhưng vài ba năm trở lại đây, thì cá chết nhiều. Nhất là năm ngoái với năm nay, thì gần như cá chết sạch, chết không còn gì” - giọng ông Tốt chùng xuống.

“Đau nhất, là cá chết khi sắp sửa xuất bán nè, cả năm trời chăm sóc chứ đâu phải đôi ba ngày đâu” - ông Lành ta thán. Rồi lặng lẽ châm điếu thuốc trong làn khói mơ màng.

Bà Nga chủ quán nước mà chúng tôi đang ngồi nói chuyện, tặc lưỡi: “Tụi cháu mà xuống sớm cách đây mấy hôm, thấy thương lắm. Cá chết trắng sông, họ khóc lóc buồn cả một quãng sông. Năm ngoái họ đã bị cá chết lâm vào cảnh trắng tay rồi, nay cá chết nữa, coi như là âm luôn chớ không phải là mất hết”.

Cũng theo bà Nga, vì cá chết, nên mấy hàng quán như bà cũng bị “thiệt hại” lây: quán vắng hoe, chỉ vài người ghé vào.

Buồn hơn củi lạc giữa dòng

Hai bên triền đê bờ sông La Ngà cỏ dại lưa thưa, những cây rau dền hoang khẳng khiu vươn lên đón nắng, vạt rau ngổ dại chuyển màu úa vàng còn ươn ướt sau một cơn tạt sóng nước từ dưới mặt sông.

Hai người đàn ông này đang sửa máy chiếc ghe chở cá thuê. Đó là cách duy nhất họ kiếm tiền sau khi cá nuôi bị chết.

Vợ chồng anh Tuấn, một chủ hộ kinh doanh cá lồng bè trên sông La Ngà hơn 30 năm hất đầu kể, chỉ mươi ngày trước thôi, triền đê này chứng kiến cơn bão lòng nghiệt ngã của những người nuôi cá. Khi cá chết lềnh bềnh trắng xóa mặt sông, những người nuôi cá la khóc, họ vật vã, họ nằm lăn từ trên bờ đê xuống đến tận mép sông, họ tuyệt vọng.

Thật xót xa, khi câu hỏi nguyên nhân cá chết thảm thương vậy là do đâu? Được chính người nuôi cá đặt ra, nhưng họ không mặn mà chờ đợi câu trả lời đó. Có lẽ nó không còn ở phạm trù hỏi - đáp, mà ở một dạng thức khác, tạm gọi là niềm tin. Niềm tin, vì có lẽ quá mơ hồ, nên họ lo điều thực tế hơn, là cuộc sống của họ sẽ đi về đâu, sau hai lần cá chết trắng như vậy?

Và cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn còn ám ảnh về dự định của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền: “Bọn chị cũng không biết nữa. Có thể là về Đăk Lăk đi làm cà phê, làm tiêu cho người ta; hoặc về lại Đồng Tháp làm mướn; hoặc là lên bờ, kiếm nhà trọ, rồi làm thuê sống qua ngày thôi…”.

Năm 2008, sau khi lập gia đình với một chàng trai quê Đắk Lắk, chị Huyền cùng chồng dạt đến sông La Ngà để làm cá thuê cho người ta. Sau một năm tích cóp, tức là vào năm 2009, anh chị mượn thêm tiền để nuôi cá, bắt đầu bằng 1 vèo.

Khoảng 4 năm trở lại đây, vợ chồng chị Huyền nuôi 7 vèo. Từ hai năm trở về trước, việc nuôi cá thuận tiện, anh chị trả dần nợ nần và bắt đầu tính toán cho tương lai. Nhưng năm ngoái, 6/7 vèo cá của anh chị bị chết, thiệt hại khoảng 1 tỷ 200 triệu đồng; năm nay, cả 7 vèo cá bị chết hết, khi đang chuẩn bị bán.

Chị Huyền kể, buổi chiều trước hôm cá chết, chị gọi điện cho người mua và hẹn sáng 16-5 bắt đầu xúc cá. Với 7 vèo cá đó, phải mất tầm một tuần đến hơn 10 ngày mới xúc bán xong. “Nhưng khi họ chưa kịp xuống xúc, thì cá chết hết không còn con nào. Và bây giờ trên vai là gánh nợ hơn 2 tỷ đồng” - chị Huyền rầu rĩ, mắt xa xăm về phía trước.

Phía trước nơi ánh mắt chị Huyền, có một người đàn ông mặc quần đùi, lưng trần, lúc trên bè, khi dầm mình trong nước, đó là chồng chị Huyền. “Ảnh đang rửa bùn dính vào các thùng phuy” - chị Huyền giải thích, chợt nói như thảng thốt: “Năm ngoái bị thiệt hại khoảng tỷ hai. Lúc lên nhận tiền hỗ trợ là gần 172 triệu, vừa ký nhận xong, là qua tay chủ nợ liền…”.

Rồi chị cúi gằm xuống, các ngón tay cứ di, cứ miết vào nhau. Mãi một lúc sau, chị Huyền mới nói tiếp, vẫn đang thế cúi gằm: “Nhưng cũng không trách họ được, vì mình nợ họ quá nhiều mà. Họ đã không đòi nợ mình là may lắm rồi. Chỉ là, giờ không thể nợ thêm được nữa để gầy lại vụ mới…”. “Vậy giờ mình tính sao?” - chúng tôi hỏi.

Những người dân đang thống kê thiệt hại.

Không ngờ, chị Huyền phá lên cười. Cái cười khiến người nghe rùng mình bởi nó chứa đượm sự chua xót, dài dại và tức tưởi. “Mấy ngày trước nó khóc ghê lắm” - bà Huệ chêm vào. Tôi nhìn đôi mắt chị Huyền, vẫn còn hoen đỏ, con ngươi ươn ướt.

Chúng tôi lại hỏi: “Nếu mình về lại miền Tây, hay lên Tây Nguyên, thì hai cháu tính sao?”. Chị Huyền nhìn về phía chồng đang quần quật: “À, năm trước, vì cực quá, nên gửi cu lớn đang học lớp 7 cho ngoại ở quê. Còn bây giờ thì…”. Chị Huyền bỏ lửng câu dang dở, bẻ sang chuyện khác: “Hai vợ chồng rao bán bè, nhưng chẳng ai mua, vì ai cũng bị cá chết thì tiền đâu nữa mà mua”.

Toàn bộ bè chị Huyền rao bán khoảng 35 triệu đồng, trong khi chi phí làm phải hơn 100 triệu đồng. “Nhưng biết sao được” - chị Huyền buột miệng, kiểu giải thích cho sự rao bán kia… Rồi “xin phép” về lại bè để phụ chồng, sau khi cho chúng tôi biết là kể từ ngày cá chết, buổi sáng, chồng chị Huyền chở cá thuê cho người ta, trong khi chị qua chỗ bà Huệ lấy cá mang lên chợ bán để kiếm sống qua ngày.

Nhìn dáng chị Huyền thất thểu, bà Huệ lắc đầu cảm thông: “Tôi thì cũng khổ thiệt, nhưng mà thấy nó với nhiều người còn khổ hơn”. Là một trong những hộ nuôi cá lồng bè sớm nhất trên sông La Ngà, vợ chồng bà Huệ đã có mấy phen sống dở chết dở với nghề này.

“Như hồi khoảng 4 năm trước, lỗ quá, bị xiết bè, phải lên bờ. Rồi vạ vật mấy năm trời, rồi vay thêm tiền nữa mới xuống bè lại. Chưa được yên ổn lắm, thì năm ngoái cá chết, năm nay cá cũng chết nữa. May mà vợ chồng tôi còn buôn bán, nên còn xoay xở được, chứ nhiều người sống nhờ nuôi cá, nay cá chết, họ coi như… “chết” theo” - bà Huệ kể.

Nói đoạn, bà Huệ chỉ tay về phía trước: “Từ ngày cá chết đến nay, cái ông già ở bè đó không thấy qua đây nữa, chắc sợ tôi đòi tiền thức ăn cho cá mà ổng đang nợ”. “Ông ấy nợ cô nhiều không?”. “Chưa cộng, nhưng từ năm ngoái năm nay cũng đã được đầy… một sổ rồi. Không cộng vì biết ổng đâu có tiền trả đâu mà cộng” - bà Huệ tếu.

Liền sau đó, ánh mắt bà hiện vẻ cảm thông: “Mà ông già đó tội lắm. Bán nhà ở quê lên đây nuôi cá. Hai năm liền cá chết, mất hết. Giờ phải lê thân già sáu mươi mấy tuổi đi phụ hồ nuôi thằng cháu”.

Câu chuyện này, chúng tôi nghe khi ở bên kia bờ, thuộc địa phận xã Phú Ngọc. Nghe xong, có dò dẫm xuống bè đó nhưng không thấy có ai. Bà Huệ chỉ tay sang một bè khác, nói là của một gia đình vừa mới dạt từ Campuchia về, nuôi cá lứa đầu, chưa kịp xuất bán thì chết đồng loạt, lâm cảnh nợ nần.

Cứ thế, sau mỗi cái chỉ tay của bà Huệ, là những câu chuyện buồn đang dầm mình trong các lồng bè. Họ từ tứ xứ tụ về, nay bỗng hóa bơ vơ. Phải chi, những gánh nợ tài chính cồng kềnh quá sức chịu đựng kia của họ, trôi vèo một phát theo sông, như lúc họ khóc thảm thiết khi cá chết, thì hay biết mấy!

Căn nguyên do đâu?

Dẫu biết nghề nuôi cá lồng bè vốn bấp bênh như con nước phù sa bên lở bên bồi, nhưng nay phải bất lực chứng kiến tất cả vốn liếng của gia đình nằm phơi bụng trắng sông, quả thực không có gì diễn tả được nỗi xót xa. Thế nên, câu chuyện bên bờ sông La Ngà, cạnh những chiếc lồng bè xơ xác giờ chỉ còn là câu hỏi “thiên tai hay nhân tai?”.

Theo người dân miêu tả, luồng nước độc tràn về trong hôm cá chết có màu đen, mùi rất hôi và “thậm chí gây bỏng rát nếu nhúng tay, chân xuống” - bà Nguyễn Thị Huệ, vợ ông Tuấn, cho biết thêm.

Khi chúng tôi đề cập việc các cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước về phân tích nguyên nhân cá chết, nhiều người lắc đầu, gần như chẳng thiết tha gì việc trông chờ kết quả. “Rồi họ cũng nói là do thiên tai mà thôi” - ông Tuấn ngao ngán.

Nhìn người lớn cặm cụi với công việc, có lẽ cậu bé này chẳng biết tương lai của mình thế nào. Ảnh trong bài : Xuân Thọ

Rồi bức xúc: “Buổi sáng đó, lúc luồng nước độc về, chúng tôi có múc lên. Khi đưa cho họ (ý nói đoàn kiểm tra - PV) thì họ tỏ ý nghi ngờ nước chúng tôi lấy ở chỗ khác. Cái dòng nước độc đó, chỉ mười mấy phút là đã trôi đi, mà vài tiếng đồng hồ sau, thậm chí là vài ngày sau, họ mới lên lấy mẫu nước thì rất khó phân tích, kết luận nguyên nhân” - ông Tuấn nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc sông La Ngà, hiện đang có khá nhiều nhà máy xí nghiệp đang hoạt động và nhận được sự phản ánh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm. Ngay vị trí gần các lồng bè nuôi cá bị chết đợt vừa rồi, người dân thậm chí còn bỏ tiền túi để yêu cầu khai quật đường ống xả thải của một công ty, vì nghi ngờ công ty này xả thải chưa qua xử lý. Vậy nên, nguyên nhân gây cá chết, với câu hỏi là thiên tai hay là… nhân tai cần phải được các cơ quan có trách nhiệm xác minh, kết luận rõ ràng.

Theo bản báo cáo của UBND huyện Định Quán mà ông Ngô Tấn Tài - Phó chủ tịch huyện, cung cấp thì hiện tượng cá chết trên sông La Ngà thuộc địa bàn 2 xã La Ngà và Phú Ngọc, gây thiệt hại cho 81 hộ nuôi cá với 308 dèo (hay còn gọi là “vèo”, có nơi gọi là “lồng” - PV) và 26 bè; tổng số cá bị chết là hơn 976 tấn. Ông Tài cho biết các cơ quan, đơn vị liên quan như Sở NN-PTNT, Sở TNMT, Chi cục Thủy sản, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc,… đã về lấy mẫu nước và tiến hành phân tích, điều tra nguyên nhân và sẽ công khai kết quả.

Có 2 phương án cụ thể sau khi xác định nguyên nhân: Nguyên nhân do thiên tai thì chính quyền địa phương sẽ lập kế hoạch hỗ trợ, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ so với thiệt hại của người dân nuôi cá. Còn nếu chính xác nguyên nhân cá chết là do doanh nghiệp xả thải, thì sẽ xử lý và yêu cầu doanh nghiệp đền bù thỏa đáng cho dân. - ông Tài khẳng định. Cũng theo ông Tài, năm ngoái sau đợt cá chết, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do thiên tai, và các hộ nuôi cá đã nhận được một khoản hỗ trợ nhỏ.

Xuân Thọ - Kiều Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhung-phan-nguoi-bap-benh-theo-con-nuoc-548738/