Những phận đời chạy thận không hẹn ngày về

Cuộc đời của những bệnh nhân xóm chạy thận gắn với quãng đường từ nơi trọ tới viện, không hẹn ngày về quê.

“Khu ổ chuột” nơi xóm trọ

Cuộc đời của những bệnh nhân xóm chạy thận gắn với quãng đường từ nơi trọ tới viện, không hẹn ngày về quê.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ sáng sớm đến đêm muộn, những cư dân trong con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội đều đặn ngày cách ngày đến bệnh viện chạy thận nhân tạo, chống chọi với “án chung thân” treo lơ lửng trên đầu.

Từ khu xóm trọ đến bệnh viện Bạch Mai chỉ chừng 1km nên những người già thường đi bộ, hôm nào mệt quá họ đi xe ôm, người trẻ hơn, khỏe hơn thì tự chạy xe máy.

Đến xóm chạy thận vào ban sáng thường vắng hoe, phần nhiều những căn phòng trọ đều khóa cửa. Một số người đi chạy thận, một số khác đi bán nước, chạy xe ôm, ve chai… để mưu sinh, ở lại xóm trọ chỉ còn người già, trẻ nhỏ và một số người sức khỏe yếu không đi làm được. Chỉ đến đêm muộn xóm chạy thận mới đông đủ.

Ca chạy đầu tiên trong ngày bắt đầu lúc 7h nhưng từ 5h sáng, người dân trong xóm đã chuẩn bị đồ đạc đến viện tránh nắng trong những ngày nhiệt độ tăng cao. Cũng giống như những người bệnh nhân khác, cư dân xóm chạy thận đến từ nhiều vùng miền khác nhau, người miền xuôi, kẻ miền ngược, người làm ruộng, người làm công nhân, người già có, người trẻ cũng không ít… nhưng điểm đến chung của họ đều là những căn phòng có ga giường trắng toát, có bác sĩ, y tá và máy chạy thận.

Trong căn phòng trọ lộn xộn chỉ vỏn vẹn khoảng 5m2, người phụ nữ ngồi trên chiếc giường nhỏ, dưới chân là đủ thứ đồ từ quạt điện, nồi cơm, bếp nấu... chỉ còn một lối đi nhỏ chừng 20-30cm để bước ra ngoài.

Trùm chiếc khăn ướt trên đầu, bà Vũ Thị Niến (49 tuổi, Bắc Giang) vừa ngồi, vừa liên tục đo huyết áp.

Bát cháo bỏ dở trên cái bàn nhựa còn chưa ăn hết, người phụ nữ bật quạt, chùm khăn, để chậu nước… xoay sở đủ đường để bớt nóng. Còn với những ngày mưa, bà Niến cho biết: “Những người chạy thận như chúng tôi, mưa lớn chỉ có ở trong nhà, không đi đâu được. Thời tiết càng nắng nóng thì giống như đưa bệnh nhân đến gần “tử thần” hơn, huyết áp dễ tăng cao”.

Theo lời kể thì những ngày trước, có người trong xóm phải nhập viện cấp cứu vì tình trạng này.

Xóm chạy thận ở phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) có 121 bệnh nhân với 60 căn phòng; phòng rộng nhất chỉ khoảng 9 m2, đủ chỗ để kê một chiếc giường nhỏ và phần còn lại làm bếp ăn.

Buổi trưa những ngày nắng nóng, người dân xóm ngồi ngoài cửa phòng trọ, hóng những cơn gió bởi ngồi trong nhà vừa nóng, bật quạt hay điều hòa thì tốn điện.

Bà Nguyễn Thị Hòa, cùng quê với bà Niến đang ngồi trước cửa căn phòng trọ chừng 6-7m vuông, lợp mái Fibro xi-măng, nhiều mảng tường bong tróc. Bà Hòa bảo: “Những ngày nhiệt độ tăng cao, ngồi trong nhà như cái “lò thiêu”, tôi bật hai cái quạt điện, bật thêm cả quạt điều hòa mới được tặng mà cũng không ăn thua gì. Người bình thường, những ngày nắng nóng còn vạ vật huống hồ bệnh nhân chạy thận như chúng tôi, sau mỗi lần đi chạy (chạy thận nhân tạo – PV), cơ thể đã mệt nay lại càng thêm mệt hơn”.

Prev
Next

Hơn 10 năm sống lay lắt ở Thủ đô

Hơn 10 năm chạy thận ở Thủ đô, trải qua những đợt nắng nóng, bà Hòa chưa thấy mùa hè năm nào nắng như năm nay. Những bữa cơm trưa cũng trở nên chán nản bởi có một mình, nắng nóng cũng ngại ăn. “Thấy khỏe nên tôi nấu, lúc nào muốn ăn thì ăn thôi chứ mệt lắm. Còn hôm nào mệt quá, tôi ra ngoài mua tạm ít thức ăn, cơm thì nhà nấu”.

Những ngày tháng 7 vừa qua, miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ đã trải qua một đợt mưa lũ phức tạp và kéo dài khiến cuộc sống của người dân ở xóm chạy thận bị đảo lộn. Công việc làm thêm của người dân trong xóm đa phần ở ngoài đường, người bán nước, người đồng nát… nên họ không dám ra ngoài: “Thể trạng chúng tôi có hạn, mưa là phải chấp nhận ngồi không ở nhà, không đi làm được. Những ngày như vậy, chỉ biết tiết kiệm từng đồng để duy trì cuộc sống qua ngày…” , một người dân trong xóm cho biết.

Hơn nữa, một vài dãy nhà trong khu xóm chạy thận thấp hơn phía mặt đường nên nhiều khi, nước tràn cả vào nhà. Còn những căn phòng lợp mái Fibro xi-măng xập xệ thì tình trạng dột nát cũng khó tránh khỏi.

Ở một căn phòng trọ khác, gia đình Nguyễn Duy Tha (Nhân Chính, Lý Nhân, Hà Nam) đang khổ sở chống chọi với căn bệnh quái ác sức khỏe suy kiệt. Nhà anh Tha có 4 người nhưng đứa con út còn nhỏ, để ở quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Trong căn nhà khoảng chừng 6m2, có vợ anh, chị lên Hà Nội vừa đi làm, vừa chăm nom chồng bệnh tật và đứa con trai 11 tuổi Phạm Hải Quân đón ra từ đầu tháng 6.

Anh Tha bị bệnh đã 6 năm nay và hiện đang ở giai đoạn cuối nên sức khỏe suy yếu, đi lại khó khăn, vợ anh đi làm quét dọn ở bệnh viện, nơi anh chạy thận nên khá vất vả. Chị đi từ sáng sớm đến tối khuya mới về, công việc nhà một mình cậu bé Quân lo liệu.

Học nấu ăn từ bố của mình, cứ khoảng 10h sáng, Quân bắt đầu chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Hôm nào trưa mẹ về thì em nấu nhiều lên một chút, không thì cũng chỉ nấu đủ cho hai bố con. Bố dặn nấu ăn món gì, em sẽ học làm theo. Dần dần, cậu bé 11 tuổi cũng thuần thục nấu những món ăn hàng ngày.

Không chỉ giúp bố mẹ công việc nhà, cứ khoảng 2h 30 chiều thứ 3, thứ 5 và thứ 7, bố ngồi xe lăn còn Quân đi theo từ khu xóm trọn đến bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Không muốn con đi vòng xa, đường đông đúc nên anh Tha bảo con đi lên cầu bộ hành sang đường còn mình đi vòng lên phía trên quay đầu, điểm bố con gặp nhau chính là khu vực cổng bệnh viện, và cùng nhau đi vào khu vực chạy thận.

Thế nhưng, hết những ngày nắng lại là những ngày mưa như trút nước, đoạn đường ngắn ấy dường như dài lên gấp bội. Đường trơn trươt, nhiều vũng nước, người bình thường đi còn phải cẩn thận huống chi anh Tha hay những bệnh nhân chạy thận khác.

Là mùa hè thứ 4 Quân được lên Hà Nội mùa hè năm nay của em khác với những năm trước, em lên Thủ đô vừa để chăm bố, đồng thời điều trị bệnh viêm cầu thận.

Chống chọi với những ngày nắng nóng, ngoài 2 chiếc quạt điện, gia đình Quân có thêm chiếc máy phun sương sắm từ hồi ở phòng trọ cũ. Anh Tha bật từ khoảng hơn 10h sáng, thời điểm bắt đầu nấu ăn trưa đến khi tắt nắng chiều.

Phần lớn thời gian, Quân ở nhà chơi cùng mấy đứa nhỏ hàng xóm, vừa tiện trông bố, giúp bố khi cần.

Cậu bé chạy ra nghịch chiếc máy phun sương, hứng những giọt nước rơi vào mặt. Quân bảo: “Ở quê em không nóng như này, trên này nắng nhưng bố ốm, em chăm bố nên nắng thế em vẫn chịu được”.

Cậu bé cũng muốn đi đến những chỗ mát mẻ như siêu thị nhưng chưa từng nói cho bố mẹ biết. “Bố ốm ở nhà nên em sẽ ở cùng bố, chăm bố chứ không muốn đi một mình”, Quân nói.

Trong ký ức của cậu bé, Hà Nội là một vài lần dạo chơi hồ Gươm, phố phường đông đúc, con ngõ nhỏ quanh co với những dãy trọ lụp xụp, chiếc giường nhỏ kê kín phòng, đồ đạc để kín chỗ, những ngày mưa ướt át, những ngày nắng cháy da, người cha đang chống chọi với căn bệnh thận và mẹ, phải lao động trong bệnh viện từ sáng sớm đến tối khuya…

Những tháng ngày nghỉ hè của những đứa trẻ khác là những khu vui chơi, những điểm du lịch hay đơn giản là vui vẻ với bạn bè cùng trang lứa thì với Quân, 8 tháng hè em đã, đang và sẽ trải qua dường như cố định với quãng đường từ con ngõ 121 Lê Thanh Nghị đến bệnh viện Bạch Mai và vòng lại.

Còn đối với những bệnh nhân chạy thận khác, quãng đường đó sẽ lặp đi lặp lại đến hết cuộc đời. Bởi lẽ, chạy thận nhân tạo là chỉ định bắt buộc nếu họ muốn tiếp tục sống./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/e-magazine/xot-xa-nhung-phan-doi-chay-than-khong-hen-ngay-ve-810866.vov